Ảnh minh họa.
Cụ thể, liên quan đến một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp, VCCI cho rằng, mục tiêu “khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu” chưa làm rõ được tỷ trọng, vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước như thế nào so với các doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp trong nước mới là động lực phát triển bền vững lâu dài. Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cần nêu rõ về mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp, phải là 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, để phản ánh sát hơn “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của hoạt động xuất khẩu, VCCI cho rằng phải đẩy mạnh khai thác ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, theo VCCI, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA cần đạt 40-45%. Bởi hiện nay, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan trung bình theo các FTA của Việt Nam khá khiêm tốn, năm 2021 chỉ đạt 32,7%. Do đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan, vì đây là khía cạnh lợi ích dễ hiện thực hóa nhất của các FTA từ góc độ doanh nghiệp.
Hơn nữa, VCCI cũng đã đưa ra những ý kiến liên quan đến nhóm giải pháp để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Cụ thể, về các nhiệm vụ của Bộ Công thương, VCCI đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ hỗ trợ thiết lập các kênh phân phối ổn định, thông suốt, tin cậy đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản. Đối với hoạt động thúc đẩy mở rộng thị trường quốc tế, VCCI đề nghị cần tổ chức các chiến dịch xúc tiến thương hiệu quốc gia chung, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo từng nhóm sản phẩm nổi bật; thông qua các thương vụ, các trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài để thiết lập các kênh thông tin, kết nối và hỗ trợ cho doanh nghiệp khi kinh doanh với thị trường nước ngoài, tận dụng các cơ hội từ các FTA để xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan liên quan cũng cần kịp thời xử lý các vướng mắc nhằm giảm bớt, tiến tới khắc phục các bất cập trong hoạt động logistics xuất khẩu, đặc biệt đối với nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long và biên giới với Trung Quốc; triển khai thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi chặt chẽ các yêu cầu, điều kiện, thủ tục xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, để thông tin và hướng dẫn kịp thời cho nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản; tăng cường các hoạt động đàm phán, thỏa thuận với các đối tác thị trường tiềm năng; thiết lập thêm các cơ sở, trung tâm kiểm nghiệm, xử lý các hàng rào phi thuế quan SPS, TBT đối với các loại nông thủy sản xuất khẩu, giảm các chi phí liên quan tới việc kiểm nghiệm, xử lý này.
Ngoài ra, liên quan đến các giải pháp về hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước cho rằng cần triển khai các hoạt động đối thoại doanh nghiệp được hiệu quả và thực chất, đảm bảo các cuộc đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đồng thời cần kịp thời công khai kết quả đánh giá quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Đối với Bộ Tài chính, VCCI đề nghị cần bổ sung thêm nhiệm vụ về nâng cao các điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán cá nhân chuyên nghiệp, các tổ chức kiểm toán, định giá tài sản sau khi đánh giá kỹ càng về các tác động...
PV
Nhiều chính sách mới về lao động - bảo hiểm có hiệu lực trong tháng 9