/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Cạnh tranh nghề nghiệp và xung đột lợi ích khi hành nghề Luật sư

Cạnh tranh nghề nghiệp và xung đột lợi ích khi hành nghề Luật sư

23/02/2023 10:43 |

(LSVN) - Theo Quy tắc 19 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Bộ Quy tắc đạo đức) quy định: “Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp”. Ngoài ra, tại Mục 15 Bộ Quy tắc đạo đức có quy định về xung đột lợi ích khi hành nghề Luật sư và các trường hợp Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc khi có dấu hiệu xung đột lợi ích.

 

Ảnh minh họa.

Tại sao không là cạnh tranh trong kinh doanh mà là cạnh tranh nghề nghiệp? 

Xét tổng quan, Luật sư là một ngành nghề trong xã hội và tổ chức hành nghề Luật sư là một tổ chức có tư cách pháp nhân, do một hay nhiều Luật sư đứng ra thành lập.

Khác với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Luật sư hành nghề bằng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp, uy tín của chính cá nhân Luật sư, dưới tư cách cá nhân hoặc hành nghề trong một tổ chức hành nghề Luật sư. Phẩm chất và năng lực cá nhân của Luật sư là yếu tố quyết định trong hành nghề Luật sư. Do vậy, nghề Luật sư là một ngành nghề đặc trưng, riêng biệt, không nhằm mục đích kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận mà hoạt động với mục đích cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nói riêng; bảo vệ công lý, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền, bảo vệ  nói chung.

Tuy nhiên, dưới góc độ là một hoạt động nghề nghiệp trong xã hội, các yếu tố về lợi nhuận vẫn là một nhu cầu thiết yếu thực tế khi hành nghề, ảnh hưởng đến thu nhập của Luật sư. Điều đó dẫn tới sự cạnh tranh nghề nghiệp giữa các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư. Theo hướng tích cực, cạnh tranh nghề nghiệp của Luật sư là khách quan tất yếu, thúc đẩy nghề Luật sư phát triển. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi sự cạnh tranh nghề nghiệp Luật sư diễn ra lành mạnh, với mục đích cầu thị, cùng nhau phát triển. Thực tế, việc cạnh tranh trong hoạt động Luật sư dễ dàng biến chất với các thủ đoạn xấu nhằm cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ gây ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ Luật sư mà còn làm xấu đi hình ảnh và uy tín của nghề Luật sư.

Mặt khác, Luật sư là nghề xác lập trên nền tảng đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, Luật sư với Luật sư không chỉ là những người cùng làm một nghề mà còn là đồng nghiệp của  nhau. Vì vậy, Bộ Quy tắc đã có Quy tắc 17 quy định về tình đồng nghiệp của Luật sư trong đó nhấn mạnh Luật sư phải tôn trọng đồng nghiệp. Đặc biệt Quy tắc 19 Bộ Quy tắc đã nhấn mạnh Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp để làm kim chỉ nam trong hoạt động hành nghề.

Xung đột lợi ích khi hành nghề Luật sư

Theo Mục 15.1 Quy tắc 15 Bộ Quy tắc đạo đức quy định: 

“Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của Luật sư, nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống Luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.

Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này”.

Căn cứ quy định trên, xung đột lợi ích khi hành nghề Luật sư là có sự đối lập, ảnh hưởng về lợi ích giữa: (i) Quyền lợi của Luật sư; (ii) nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ; (iii) nghĩa vụ của Luật sư đối với bên thứ ba và xung đột này gây ảnh hưởng đến Luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Xung đột lợi ích là điều không thể tránh khỏi khi hành nghề Luật sư, bởi lẽ với tính chất đặc thù, nghề Luật sư hướng tới mục đích mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Do vậy, trong trường hợp có đồng thời có từ hai khách hàng trở lên trong cùng vụ việc hoặc khác vụ việc mà quyền lợi các khách hàng đối lập nhau thì việc xung đột lợi ích chắc chắn xảy ra.

Do vậy, tại Quy tắc 15 Bộ Quy tắc đạo đức đã nêu rõ các trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến việc Luật sư hạn chế hoặc có khả năng hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình mà cụ thể là không thành nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích của khách hàng hoặc vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng. Luật sư phải chủ động tránh không để xảy ra xung đột về lợi ích, đồng thời có trách nhiệm thông báo để khách hàng biết việc có xung đột lợi ích của Luật sư và cùng các bên giải quyết theo quy định.

Cạnh tranh nghề nghiệp và xung đột lợi ích

Việc cạnh tranh nghề nghiệp là một yếu tố tất yếu, khách quan trong bất cứ nghề nghiệp nào. Chính vì thế, việc xung đột lợi ích vô tình trở thành rào cản trong hành nghề Luật sư và cạnh tranh nghề nghiệp. Bởi lẽ quy tắc xung đột lợi ích là yếu tố tác động Luật sư bắt buộc phải cân nhắc trước khi nhận cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, thẳng thắn từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý nếu có xung đột lợi ích, dẫn đến khách hàng sẽ đi tìm bên dịch vụ pháp lý khác. Tuy nhiên, việc tránh xung đột lợi ích là một quy tắc đặc thù, đại diện cho tính độc lập, khách quan của một người Luật sư nhằm hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng một cách tốt nhất. 

Trong cuộc sống, hoạt động nghề nghiệp của Luật sư luôn có sự đan xen của nhiều mối quan hệ, ngoài mối quan hệ với khách hàng, còn có các mối quan hệ trong xã hội (bạn bè, người thân,…), đôi lúc Luật sư sẽ rơi vào tình huống “khó xử”. Tuy nhiên, để trở thành một Luật sư mang tính chuyên nghiệp, uy tín, bản lĩnh, người Luật sư cần biết cách dung hòa các mối quan hệ xung quanh, thượng tôn pháp luật, tuân thủ chặt chẽ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam để làm nền tảng trong việc hành nghề.

Ngoài ra, nghề Luật sư không nhằm mục đích kinh doanh mà hướng đến mục đích cao đẹp, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, công bằng cùng sự chính nghĩa trong xã hội. Chính vì vậy, quy tắc tránh xung đột lợi ích là quy tắc đúng đắn, cần thiết trong nghề Luật sư mặc dù đôi khi, quy tắc này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhiều khách hàng, ảnh hưởng đến thu nhập của Luật sư. Trong bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, luôn có những nguyên tắc, đức tính tốt đẹp để trở thành một người hành nghề chân chính và nghề Luật sư càng phải đề cao những quy tắc ấy để xứng đáng là một nghề cao quý.

THANH THỊNH

Thư ký Tòa án quân sự Khu vực Hải quân

Luật sư không được sử dụng các chức danh khác ngoài danh xưng Luật sư để mưu cầu lợi ích

Bùi Thị Thanh Loan