/ Trợ giúp pháp lý
/ Chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19

Chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cả nước chung sức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn có không ít người vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh và theo quy định sẽ bị xử lý.

Hành vi không tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi không tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 2.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức).

Điều 5. Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm

1. Phạt tiền đối với hành vi không tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động dưới 100 người;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 100 người đến dưới 300 người;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 300 người đến dưới 500 người;

d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 500 người đến dưới 1.000 người;

đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 1.000 người đến dưới 1.500 người;

e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 1.500 người đến dưới 2.500 người;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 2.500 người trở lên.

Hành vi đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19

Căn cứ tại Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh Covid-19 sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức). Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật".

Hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19

Về xử phạt hành chính: Mức phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật" theo quy định tại Điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Về xử lý hình sự: Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh Covid-19

Tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định rõ: "Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm".

Như vậy, hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh Covid-19 sẽ bị phạt cánh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh Covid-19

Theo điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;

Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh Covid-19:

Về xử phạt hành chính, theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Về xử lý hình sự: Trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19

Hành vi có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế" theo quy định tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".

Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Về xử phạt hành chính, theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với cá nhân (từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tố chức) đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Về xử lý hình sự: Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như: quán bar, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi cản trở, chống lại người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định rõ, hành vi cản trở; xúi giục, lôi kéo; kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức).

Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đổi với tổ chức).

Về xử lý hình sự: Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

THANH THANH

Ép người lao động đi làm dịp 30/4 - 01/5 sẽ bị phạt như thế nào?

Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

(LSVN) - Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. 

Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo quy định trên mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

- Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

- Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Theo Khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 12 trên, đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định trên.

HỒNG HẠNH

Một số vấn đề về thử việc theo quy định của pháp luật hiện hành


Biện pháp xử lý khi có vi phạm trong biên bản phiên tòa hình sự

(LSVN) - Ngày 22/4/2021, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn 23/HD-VKSTC về kiểm sát biên bản phiên tòa xét xử các vụ án hình sự.

Theo đó, sau khi phát hiện thiếu sót, vi phạm của biên bản phiên tòa xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải đánh giá, phân loại tính chất, mức độ của vi phạm để thực hiện quyền yêu cầu sửa chữa, bổ sung hoặc báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Viện có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa

Quá trình kiểm sát biên bản phiên tòa nếu phát hiện biên bản phiên tòa ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ về thủ tục tố tụng, nội dung xét hỏi, tranh luận hoặc nhận định, quyết định của Hội đồng xét xử về việc giải quyết vụ án nhưng chưa đến mức gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án, thì Kiểm sát viên yêu cầu Thư ký Tòa án sửa đổi, bổ sung vào cuối biên bản phiên tòa và đề nghị chủ tọa phiên tòa ký xác nhận.

- Ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục thiếu sót, vi phạm

Khi phát hiện biên bản phiên tòa có thiếu sót, vi phạm do không phản ánh chính xác, đầy đủ các trình tự, thủ tục, diễn biến của phiên tòa xét xử vụ án hình sự, nhưng chưa đến mức hoặc không cần thiết phải kháng nghị, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất Lãnh đạo có kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục. Đối với những vi phạm mang tính phổ biến, Viện kiểm sát các cấp cần tổng hợp kiến nghị ngay hoặc kiến nghị theo chuyên đề. Nội dung, đối tượng kiến nghị cần được cân nhắc, quyết định phù hợp với mục đích, yêu cầu của vấn đề cần kiến nghị.

Đối với trường hợp Chủ tọa, Thư ký không cho kiểm tra hoặc không bổ sung, sửa chữa biên bản phiên tòa cho đúng với thực tế diễn biến phiên tòa và nội dung giải trình không có căn cứ, không đảm bảo tính thuyết phục; hoặc không ký vào biên bản về việc không cho kiểm tra, không bổ sung, sửa chữa, Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện kịp thời ban hành kiến nghị gửi Chánh án Tòa án đã xét xử vụ án, Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp đề nghị chấn chỉnh, yêu cầu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa và Thư ký thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về biên bản phiên tòa.

- Ban hành kháng nghị khi phát hiện biên bản phiên tòa hình sự vi phạm nghiêm trọng

Khi phát hiện biên bản phiên tòa được sửa để làm cơ sở sửa bản án khác với bản án đã tuyên công khai, thì Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với Viện trưởng để xem xét kháng nghị.

- Ban hành thông báo rút kinh nghiệm về những vi phạm, thiếu sót trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự

Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có trách nhiệm phát hiện, tổng hợp và thông báo rút kinh nghiệm về những vi phạm, thiếu sót liên quan đến trách nhiệm của Ngành; việc thông báo rút kinh nghiệm thực hiện đồng thời hoặc sau khi kháng nghị, kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm; có thể thông báo rút kinh nghiệm tổng hợp hoặc thông báo rút kinh nghiệm cá biệt.    

Đối với những vi phạm phát hiện được trong quá trình kiểm sát biên bản phiên tòa, nhưng xét thấy chưa cần thiết phải kháng nghị, kiến nghị thì phải tập hợp, phân loại thành các dạng vi phạm để rút kinh nghiệm chung đối với Viện kiểm sát cấp dưới.

VĂN QUANG

Một số vấn đề về thử việc theo quy định của pháp luật hiện hành

Admin