Chính phủ điện tử góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

10/03/2021 08:05 | 3 năm trước

(LSVN) - Nhiều kết quả tích cực được xác định sau thời gian xây dựng Chính phủ điện tử vừa qua, nổi bật là nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng tới Chính phủ không giấy tờ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chạy thử nghiệm hệ thống e-Cabinet trên máy tính bảng. Ảnh: VGP. 

Hoàn thiện thể chế phục vụ triển khai Chính phủ điện tử

Chiều nay (10/3), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì phiên họp của Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT). Đối với nhiệm vụ triển khai CPĐT do Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai và đạt một số kết quả tích cực trong xây dựng CPĐT.

Từ những chủ trương lớn được vạch ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc cụ thể” trong xây dựng, triển khai CPĐT, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện.

VPCP đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ các nút thắt về thể chế, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, đồng thời đưa ra cách làm phù hợp để bảo đảm triển khai hiệu quả.

VPCP đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển CPĐT, còn tại các bộ, ngành, địa phương cũng thiết lập các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban.

Trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai xây dựng CPĐT đã ban hành như: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử, Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg quy định về chế độ họp…

Nâng cao chất lượng phục vụ qua vận hành Cổng DVC Quốc gia

VPCP đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) trở thành đầu mối kết nối với các Cổng DVC, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, qua đó, người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin, hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương mà không bị hạn chế về thời gian, không gian địa lý.

Cổng dịch vụ công quốc gia góp phần chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; tiết kiệm chi phí đầu tư của các bộ, ngành, địa phương thông qua cung cấp 04 phân hệ dùng chung tại Cổng dịch vụ công quốc gia, bao gồm (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, (2) Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, (3) Nền tảng trao đổi định danh điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia, (4) Hệ thống thanh toán trực tuyến.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (ngày 09/12/2019) với 8 dịch vụ công ban đầu, đến ngày 08/3/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, hơn 468.000 tài khoản đăng ký; hơn 42,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67.000 giao dịch thanh toán điện tử (tổng số tiền hơn 26,7 tỉ đồng) trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 53.000 cuộc gọi, hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị.

“Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ. Chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia là hơn 8.100 tỉ đồng/năm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, xây dựng CPĐT thời gian qua đã góp phần thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng. Cụ thể là triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là bước đi quan trọng để thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường mạng, góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản, thời gian xử lý công việc (tiết kiệm trên 1.200 tỉ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian…), nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Trục liên thông văn bản quốc gia đến nay đã kết nối, liên thông phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền với 94/94 bộ, ngành, địa phương. Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Hệ thống ngày 12/3/2019 đến ngày 08/3/2021, đã có hơn 4,5 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong năm 2020 gấp 2,5 lần so với năm 2019.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống e-Cabinet đã được đưa vào vận hành kết nối đến 22 bộ, cơ quan ngang bộ, giúp quản lý đồng bộ, đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy. Từ ngày khai trương (ngày 24/6/2019) đến ngày 08/3/ 2021, Hệ thống e-Cabinet đã phục vụ 28 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử) và thực hiện xử lý 685 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 253.000 hồ sơ, tài liệu giấy. Việc sử dụng Hệ thống giúp tiết kiệm chi phí là hơn 169 tỉ đồng/năm.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương tháng 8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, hệ thống đã kết nối với Hệ thống báo cáo của 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương. Tương tác, điều hành trực tuyến thông qua hệ thống mạng dữ liệu của Bộ Quốc phòng, mạng chuyên dùng, Internet với gần 57 điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối 32 camera giám sát các hồ đập thủy điện…; cung cấp dữ liệu của 105/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng tháng.

Các hệ thống thông tin do VPCP chủ trì triển khai nêu trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỉ đồng/năm (theo cách tính của OECD) và nhận được phản hồi tích cực của xã hội; tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

GIA HUY/VGP

Ba Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia hội đàm trực tuyến