Ảnh minh họa.
Khám bệnh, chữa bệnh từ xa (Telehealth) là hình thức khám bệnh, chữa bệnh giữa người hành nghề và người bệnh ở các địa điểm cách xa nhau thông qua thiết bị, công nghệ thông tin và viễn thông[1]. Đây là hình thức khám, chữa bệnh không giới hạn về không gian và thời gian, giúp một chuyên gia y tế tiếp xúc với một hoặc nhiều chuyên gia y tế khác, giữa họ hoặc với người bệnh và nếu cần thiết, bao gồm cả các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhằm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe thuận tiện cho người dân.
Khám bệnh, chữa bệnh từ xa đã trở thành xu hướng trên thế giới. Nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách và phát triển loại hình khám, chữa bệnh từ xa nhằm tận dụng lợi thế của loại hình khám, chữa bệnh này vào giải quyết nhiều vấn đề bất cập của hệ thống y tế mỗi nước. Tại Việt Nam, mô hình khám, chữa bệnh từ xa đang bước đầu được triển khai thử nghiệm quy mô rộng trên toàn quốc và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên do nước ta chưa có chính sách hoàn thiện nên gây ra nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc triển khai rộng rãi và hiệu quả loại hình khám, chữa bệnh này tới số đông người dân. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách về khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Chúng ta là nước đi sau nên việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này là điều cần thiết, vừa học tập và tận dụng được nguồn tri thức, kinh nghiệm có sẵn, vừa giúp giảm bớt rủi ro trong việc triển khai mô hình khám, chữa bệnh này.
1. Chính sách khám bệnh, chữa bệnh từ xa của một số quốc gia trên thế giới
1.1. Chính sách khám bệnh, chữa bệnh từ xa của Trung Quốc (China)
Bắt đầu triển khai thí điểm tại tỉnh Quảng Đông vào năm 2012, với 20 bệnh viện tham gia kết nối với các trạm y tế và các loại hình chăm sóc ban đầu tại thôn, bản, làng, xã vùng xa trong tư vấn chuyên môn và hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Loại hình “bệnh viện internet”- (tên gọi của chương trình khám, chữa bệnh qua nền tảng trực tuyến) đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân góp phần giảm tải cho các bệnh viện.
Trung Quốc có hệ thống chăm sóc sức khỏe ba cấp: các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ cung ứng dịch vụ chăm sóc ban đầu với giá phải chăng, trong khi các cơ sở chăm sóc cấp hai và cấp ba cung cấp các dịch vụ đặc biệt, chuyên sâu. Tuy nhiên, tại Trung Quốc không có “người gác cổng” trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân có thể tự do lựa chọn bất kỳ cơ sở y tế nào và nhiều người thường xuyên sử dụng các dịch vụ ngoại trú của các cơ sở y tế tuyến trên để tiếp xúc lần đầu khi có vấn đề về sức khoẻ. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (cơ sở y tế tuyến dưới) ở Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm cả việc kê đơn thuốc quá mức các thuốc có thể tạo ra lợi nhuận và chỉ định các xét nghiệm khi chưa thật cần thiết để cạnh tranh bệnh nhân và sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh dân số già ngày càng tăng ở quốc gia này.
Chính phủ Trung Quốc coi sức khỏe kỹ thuật số (digital health) là một giải pháp để giải quyết những thách thức này. Tại Trung Quốc, người dùng in-tơ-net (Internet) tăng nhanh từ 22,7% trong năm 2008 tăng lên 59,6% vào năm 2018, tạo cơ hội để phát triển các dịch vụ tư vấn và sàng lọc trực tuyến. Quảng Đông là tỉnh đã triển khai ứng dụng nền tảng bệnh viện trực tuyến đầu tiên tại Trung Quốc, những thách thức mà nền tảng này phải đối mặt đó là vai trò tiềm năng của sức khỏe kỹ thuật số trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu [2].
Nền tảng “bệnh viện internet” hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cộng đồng ra các quyết định chẩn đoán và điều trị. Nhà cung cấp có thể kết nối bệnh nhân của họ với các bác sĩ của các bệnh viện qua ứng dụng video của nền tảng trực tuyến. Nếu chẩn đoán không thể được thực hiện qua tư vấn trực tuyến, bệnh nhân được chuyển đến một bệnh viện thuộc mạng lưới đã kết nối ứng dụng này. Chính nền tảng kết nối từ xa này sẽ làm tăng tỉ lệ người dân sử dụng các dịch vụ chăm sóc ban đầu và tạo ra một cơ chế “gác cổng” ở địa phương. Từ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Đông, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành chỉ thị cấp quốc gia đầu tiên về phát triển y học kỹ thuật số vào tháng 4/2018. Chỉ thị này khuyến khích các bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc ban đầu và hệ thống giới thiệu chuyển viện cho bệnh nhân mắc các bệnh thông thường và bệnh mạn tính thông qua các nền tảng trực tuyến. Cách tiếp cận này hoạt động như một hệ thống sàng lọc đối với các dịch vụ của bệnh viện. Ngoài ra, một loạt các quy tắc hành chính cũng đã được Ủy ban Y tế Quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cục Quản lý Y học Cổ truyền Trung Quốc ban hành vào ngày 17 tháng 7 năm 2018 căn cứ theo Ý kiến của Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm thúc đẩy chăm sóc sức khỏe cộng đồng với internet ban hành vào ngày 25 tháng 4 năm 2018. Các quy tắc hành chính này bao gồm những điều sau đây:
- Các biện pháp Hành chính để chẩn đoán và điều trị trên internet;
- Các biện pháp Hành chính cho các Bệnh viện Internet;
- Thực hành Quản lý Tốt cho các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.
Để giải quyết các mối lo ngại về chẩn đoán sai qua trực tuyến, Trung Quốc đã ban hành các quy định khi ứng dụng nền tảng trực tuyến trong khám, chữa bệnh từ xa. Người thực hành nền tảng trực tuyến chỉ có thể áp dụng cho 98 tình huống được liệt kê trong danh sách được ban hành. Nếu tình trạng bệnh nhân không có trong danh sách 98 tình huống này, thuật toán sẽ yêu cầu các bác sĩ giới thiệu bệnh nhân đến bệnh viện trực tiếp. Ngoài ra, tất cả các tư vấn qua video đều được ghi lại, cho phép kiểm soát một cách ngẫu nhiên về chất lượng khám, chữa bệnh từ xa. Kể từ khi thành lập vào năm 2012, nền tảng khám, chữa bệnh trực tuyến đã xử lý hơn 8 triệu lượt tư vấn[3].
Việc tìm nguồn tài trợ cho nền tảng khám, chữa bệnh từ xa từ nguồn tài trợ của ngân sách, quỹ bệnh viện và các công ty công nghệ y tế, điều này gây ra mối lo ngại về tính bền vững tài chính. Thay vào đó, Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch hành động để đảm bảo trong tương lai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được cung cấp thông qua các nền tảng kỹ thuật số sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.
1.2. Chính sách khám bệnh, chữa bệnh từ xa của Đan Mạch (Denmark)
Ở Đan Mạch không có Luật cụ thể nào về khám, chữa bệnh từ xa. Thay vào đó, dịch vụ khám, chữa bệnh này được quy định bởi văn bản Luật y tế ở Đan Mạch nói chung.
Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Đan Mạch (LBKG 2019-08-26, nr. 903) quy định các khía cạnh chính của hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia này bao gồm quyền của người bệnh, việc sử dụng và xử lý dữ liệu sức khỏe cá nhân, duy trì và chịu trách nhiệm đối với hạ tầng số chung.
Hơn nữa, Bộ Y tế Đan Mạch đã thông qua các yêu cầu về bảo mật hệ thống mạng và thông tin trong Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe. Đạo luật áp dụng các điều của Chỉ thị (EU) 2016/1148 của Nghị viện Châu Âu vào ngày 6 tháng 7 năm 2016 với mục đích đảm bảo mức độ bảo vệ cao của các hệ thống hạ tầng số để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Việc phát triển và triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa đã được ưu tiên hàng đầu ở Đan Mạch trong nhiều năm qua. Do đó, các nhà chức trách Đan Mạch đã phát triển một số giải pháp số bao gồm quyền truy cập vào nền tảng y tế số có địa chỉ “sundhed.dk” và các ứng dụng số như “Min læge” và “Medicinkortet”, nơi người bệnh có thể truy cập vào một trong số các dịch vụ có sẵn, như là liên hệ bác sĩ tại địa phương của họ, gia hạn đơn thuốc và được nhắc nhở sử dụng thuốc.
Các giải pháp số mới có mặt trong hầu hết các khía cạnh trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đan Mạch gồm cả hai khu vực công lập và tư nhân, đã tăng lên một cách tự nhiên trong giai đoạn dịch hiện nay, ví dụ: giải pháp cho phép các bác sĩ tư vấn cho người bệnh trực tuyến như một phần trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Một số bác sĩ địa phương cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa như đặt lịch trực tuyến, tư vấn qua email và tư vấn trực tuyến (videoconference). Ứng dụng “Min læge” nói trên đã được Bộ Y tế Đan Mạch và Tổ chức Bác sĩ Đa khoa (PLO - Organization of General Practitioners) ban hành và cho phép người dân liên hệ bác sĩ cá nhân của họ và các giải pháp số được bác sĩ cung cấp một cách nhanh chóng. Các dịch vụ như vậy được miễn phí trong hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí của Đan Mạch.
Sự chuyển đổi sang khám, chữa bệnh từ xa cũng đã được người dân chấp nhận, có 71.508 cuộc tư vấn trực tuyến qua video (dân số của quốc gia này hiện là 5,4 triệu người) trong cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, việc điều trị, kiểm tra sức khỏe, phục hồi chức năng, thăm khám bác sĩ và tư vấn tâm thần sẽ tiếp tục diễn ra tại nhà. Điều này phù hợp với chiến lược số hóa của quốc gia này và đang được duy trì và mở rộng [4].
1.3. Chính sách khám bệnh, chữa bệnh từ xa của Đức (Germany)
Khám, chữa bệnh từ xa được cho phép như một phần của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường ở Đức trong phạm vi một số hạn chế nhất định.
Khám, chữa bệnh từ xa phải tuân theo một số hạn chế nhất định theo luật pháp của Đức. Theo nguyên tắc chung, bác sĩ, nha sĩ, nhà trị liệu tâm lý cũng như các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác có thể tư vấn và điều trị riêng cho người bệnh khi thăm khám trực tiếp. Tuy nhiên, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT-Information & Communication Technologies) ví dụ như: e-mail hoặc nền tảng trò chuyện âm thanh - video được cấp phép, có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị trực tiếp và giao tiếp với người bệnh. Ngược lại, các cuộc thăm khám, chẩn đoán và/hoặc điều trị từ xa hoàn toàn, tức là chưa có bất kỳ tương tác trực tiếp nào trước đó giữa các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và người bệnh, chỉ được cấp phép trong những giới hạn rất nghiêm ngặt và yêu cầu phải được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể phù hợp về mặt chuyên môn.
Ở Đức, các yêu cầu của khám, chữa bệnh từ xa không được quy định trong một Luật cụ thể mà được quy định rải rác trong các Luật và Chỉ thị khác nhau.
Các khía cạnh cơ bản của khám, chữa bệnh từ xa như điều trị từ xa, kê đơn, thanh toán bảo hiểm, lập tạo hồ sơ và các yêu cầu về sự đồng ý khi có thông tin đầy đủ và được quy định trong Quy tắc Ứng xử Xã hội của Đức - Sách V (“SGB V”), Thỏa thuận Khung của Liên bang Đức dành cho Bác sĩ (“BMV-Ä”), Đạo luật về Thuốc của Đức (“AMG”), Đạo luật về Quảng cáo Thuốc của Đức (“HWG”), Quy tắc Hành nghề Mẫu (model) cho Bác sĩ ở Đức (“MBO-Ä”) và Quy tắc Hành nghề Mẫu cho Bác sĩ Trị liệu Tâm lý và Bác sĩ Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Thanh thiếu niên (“MBO-P”).
Ngoài ra, vào tháng 12 năm 2019, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe số của Đức (“DVG”) bắt đầu có hiệu lực, giới thiệu các ứng dụng y tế số như một danh mục mới về quyền lợi y tế có thể được bác sĩ kê đơn và phải được Cơ quan bảo hiểm bắt buộc chi trả (“fSHI ”-“ GKV ”) và tùy thuộc vào các yêu cầu khác theo Mục Sec. 33a của SGB V.
Phạm vi ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa được cấp phép ở Đức rất rộng và không có giới hạn đối với các lĩnh vực cụ thể như nha khoa hoặc tâm lý trị liệu. Y học từ xa có thể là một phần không thể thiếu trong hầu hết các chuyên khoa y.
Các ứng dụng/công nghệ từ xa phải được Văn phòng Bảo mật Thông tin Liên bang Đức (“BSI”) và/hoặc Hiệp hội Viễn thông (“gematik”) phê duyệt. Các ứng dụng/công nghệ khám, chữa bệnh từ xa hiện được cấp phép ở Đức bao gồm các cuộc hẹn sử dụng âm thanh-video trực tuyến, chẩn đoán và theo dõi từ xa (ví dụ: áp dụng với người bệnh được cấy ghép liệu pháp tái đồng bộ tim (“CRT”) hoặc đang sử dụng máy khử rung tim cấy ghép (“ICD”) và cuộc họp trực tuyến qua video của các chuyên gia khác nhau để hội chẩn, trao đổi về ca bệnh cụ thể tùy trường hợp (ví dụ: các cuộc thảo luận đồng thời về hình ảnh X-quang, chụp CT & MRI). Ngược lại, các ứng dụng và nền tảng họp từ xa (videoconference) phổ biến như Skype, Zoom, v.v. không được chấp thuận cho các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa ở Đức.
Ở Đức, Bảo hiểm y tế (theo luật định hoặc tư nhân) là bắt buộc. Khoảng 90% dân số ở Đức được Bảo hiểm Y tế theo Luật định (“SHI” - “GKV”) và chỉ khoảng 10% (tổng thu nhập của nhóm này cao hơn ngưỡng thu nhập áp dụng cho bảo hiểm bắt buộc) có Bảo hiểm Y tế Tư nhân ( “PHI” - “PKV”).
SHI chi trả cho một số dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa. Nói chung, các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa phải được liệt kê trong Thang Giá trị Thống nhất của Đức (“EBM”) của SHI theo Mục. 87 đoạn. 1 trong SGB V để đủ điều kiện được SHI thanh toán dưới dạng các quyền lợi y tế tiêu chuẩn. Hiện tại, ngoài các dịch vụ y tế khác ra, việc theo dõi từ xa đối với người bệnh được cấy ghép liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT) hoặc sử dụng máy khử rung tim cấy ghép (ICD), thảo luận ca bệnh cụ thể về chụp X-quang, chụp CT & MRI cũng như các cuộc hẹn video trực tuyến, được liệt kê trong EBM. Ngoài ra, việc thanh toán bảo hiểm các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa có thể bị giới hạn bởi các quy định khác. Ví dụ, người bệnh có SHI chỉ có thể sử dụng một số dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa với tối đa ba lần cho mỗi lần ốm. EBM thường xuyên được sửa đổi và các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa có thể được bao gồm trong các quyền lợi tiêu chuẩn của SHI trong tương lai.
Liên quan đến các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa được PHI chi trả, theo nguyên tắc chung, các quyền lợi y tế do PHI cung cấp ở Đức rộng rãi hơn các quyền lợi do SHI cung cấp. Do đó, các quyền lợi do SHI thanh toán bảo hiểm nói chung cũng đủ điều kiện để được PHI thanh toán bảo hiểm. Về nguyên tắc, điều này cũng áp dụng cho các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.
Kể từ khi nới lỏng một phần lệnh phong toả vào tháng 5/2020 giúp việc tham vấn trực tiếp trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên, dữ liệu từ Doctolib (dịch vụ quản lý cuộc hẹn kỹ thuật số cho bác sĩ) cho thấy người dân vẫn quan tâm đối với dịch vụ tư vấn trực tuyến: nếu có 4.133 lượt tư vấn qua video của Doctolib vào tháng 4/2020. Con số này đã tăng lên 4.870 lượt vào tháng 5/2020[5]. Có khoảng 19.500 lượt khám, chữa bệnh từ xa trong tháng 3/2020, so với 1.700 lượt khám, chữa bệnh từ xa vào tháng 1 và tháng 2/2020. Cổng thông tin bác sĩ-bệnh nhân lớn nhất nước Đức (“JAMEDA”) đã có sự gia tăng rất lớn về nhu cầu tư vấn trực tuyến qua video - tăng hơn 1.000% vào tháng 3 so với tháng 1 và tháng 2/2020 và số lượng bác sĩ, chuyên gia trị liệu tâm lý sử dụng cổng để cung cấp dịch vụ đã tăng gấp bốn lần[6].
Như vậy, dựa trên kinh nghiệm về triển khai khám, chữa bệnh từ xa, chúng ta có thể thấy ở mỗi quốc gia đều có những cách thức triển khai và phát triển mô hình khám, chữa bệnh này theo cách riêng nhưng nhìn chung các quốc gia trên đều tập trung vào một số vấn đề như: (i) xây dựng quy trình khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; (ii) vấn đề về bảo mật an toàn dữ liệu thông tin của bệnh nhân và (iii) vấn đề về chi trả cho khám, chữa bệnh từ xa liên quan đến Bảo hiểm y tế (BHYT). Ba vấn đề trên là những vấn đề mà nước ta hiện chưa có chính sách hoàn thiện và tình hình triển khai vẫn còn chưa hiệu quả, cụ thể nước ta chưa có quy trình khám, chữa bệnh từ xa một cách hợp lý và tình hình ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh còn chưa mạnh mẽ. Chưa có những phần mềm chuyên biệt để phục vụ khám, chữa bệnh từ xa mà vẫn chủ yếu sử dụng các phần mềm họp từ xa thương mại thông thường nên có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn dữ liệu thông tin của người bệnh. Vấn đề về chi trả BHYT hiện cũng chưa thể triển khai được do còn nhiều vướng mắc. Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm triển khai ba vấn đề trên của các quốc gia sẽ được phân tích cụ thể ở phần sau của bài viết.
2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc triển khai mô hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa
2.1. Kinh nghiệm trong vấn đề xây dựng quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai khám, chữa bệnh từ xa
Hiện nay, ở nước ta, mô hình khám, chữa bệnh từ xa chưa phát triển rộng rãi tới số đông người dân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên, tuy nhiên không thể không kể tới nguyên nhân do người dân vẫn còn chưa thật sự tin tưởng vào mô hình này, vẫn còn sự lo ngại liên quan đến chất lượng chẩn đoán bệnh thông qua loại hình khám, chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, hiện tại ở nước ta cũng chưa có một quy trình khám, chữa bệnh từ xa một cách hợp lý gây ra sự khó khăn trong việc triển khai có hiệu quả mô hình khám, chữa bệnh này.
Tại Trung Quốc, quốc gia này đã thiết kế ra một quy trình khám, chữa bệnh từ xa. Theo đó, bệnh nhân cần có nhu cầu khám, chữa bệnh sẽ đến cơ sở y tế tuyến dưới (Cơ sở y tế ban đầu) trước. Nếu như căn bệnh hoàn toàn có thể do cơ sở y tế tuyến dưới chữa trị được, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Nếu như căn bệnh đó cơ sở y tế tuyến dưới không thể tự điều trị được hoặc bệnh nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh của tuyến trên, các cơ sở này sẽ sử dụng hình thức khám, chữa bệnh từ xa để kết nối với các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên. Việt Nam có thể áp dụng quy trình khám, chữa bệnh này để triển khai mô hình khám, chữa bệnh từ xa một cách khoa học và hợp lý. Bởi khi áp dụng quy trình trên sẽ tạo ra một cơ chế “gác cổng”, giúp hạn chế tình trạng bệnh nhân vượt tuyến khám, chữa bệnh ngay từ lần đầu mà vẫn tạo điều kiện để cho người dân yên tâm hơn vào dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế tuyến dưới. Người dân hoàn toàn có thể hưởng các dịch vụ y tế của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới khi có nhu cầu hoặc khi cơ sở y tế tuyến dưới cần. Quy trình khám, chữa bệnh trên cũng góp phần tạo ra doanh thu cho cả cơ sở y tế nhận sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa và cơ sở y tế cung cấp dịch vụ đó. Tránh tình trạng bệnh nhân tập trung quá đông tại cơ sở y tế tuyến trên trong khi cơ sở y tế tuyến dưới lại “vắng” bệnh nhân đến thăm khám ảnh hưởng tới doanh thu của cơ sở y tế tuyến dưới.
Bên cạnh đó, vấn đề cần được quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh từ xa có được đảm bảo hay không và nguy cơ có thể bị chẩn đoán sai qua trực tuyến có thể xảy ra. Vì vậy, chúng ta cũng nên chuẩn bị những phương án phòng ngừa những rủi ro đó. Kinh nghiệm của Trung Quốc để giải quyết các mối lo ngại về chẩn đoán sai qua trực tuyến, quốc gia này đã ban hành các quy định khi ứng dụng nền tảng trực tuyến trong khám, chữa bệnh từ xa. Người thực hành nền tảng trực tuyến chỉ có thể áp dụng cho 98 tình huống được liệt kê trong danh sách được ban hành. Nếu tình trạng bệnh không có trong danh sách 98 tình huống này, thuật toán sẽ yêu cầu các bác sĩ giới thiệu bệnh nhân đến trực tiếp bệnh viện. Do đặc thù của khám, chữa bệnh từ xa, bác sĩ không thể trực tiếp khám các triệu chứng bệnh nên nếu gặp phải những loại bệnh phức tạp, bác sĩ có thể gặp khó khăn và nguy cơ xảy ra nhầm lẫn trong việc chẩn đoán bệnh. Hoặc do các bác sĩ ở tuyến trên không thể trực tiếp khám bệnh cho bệnh nhân nên tình trạng bệnh sẽ dựa vào bệnh án do các bệnh viện tuyến dưới khám. Mà đôi khi cơ sở vật chất lạc hậu cùng trình độ chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới chưa đủ khả năng chẩn đoán đúng tình trạng bệnh nên đôi khi cũng sẽ làm ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh từ xa của các bệnh viện tuyến trên. Bài học rút ra ở đây, thứ nhất, ở những giai đoạn đầu Việt Nam nên nghiên cứu kĩ lưỡng và đề ra danh mục các bệnh được phép khám, chữa bệnh từ xa để đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, tránh tình trạng các bệnh viện do quá đề cao lợi nhuận mà khám, chữa bệnh từ xa những loại bệnh không phù hợp do tính phức tạp và rủi ro của nó. Trong tương lai xa, có thể mở rộng thêm danh mục bệnh được phép khám, chữa bệnh từ xa phụ thuộc vào trình độ chuyên môn y học và sự phát triển công nghệ của nước ta. Thứ hai, để đảm bảo tiết kiệm thời gian và phòng ngừa tiêu cực, chúng ta cũng nên ứng dụng công nghệ vào việc phân loại, phân tuyến khám, chữa bệnh từ xa. Cụ thể sau khi xây dựng được danh mục bệnh để khám, chữa bệnh từ xa, ta sẽ xây dựng những phần mềm với các thuật toán thông minh có thể phân loại người bệnh vào các khoa khám bệnh, các bác sĩ chuyên môn mà người bệnh đang cần hoặc nếu người bệnh không thuộc danh mục bệnh trong khám, chữa bệnh từ xa được cơ quan ban hành, thuật toán sẽ giới thiệu người bệnh đến khám, chữa bệnh trực tiếp tại bệnh viện. Đây là quy trình khám, chữa bệnh từ xa hoàn thiện, có sự phân loại hợp lý, từ khi người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh đến khi họ được khám, chữa bệnh từ xa với bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên.
Các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trên có tính khả thi cao bởi hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ cùng trình độ khoa học công nghệ thông tin của nguồn nhân lực nước ta, chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ xây dựng và phát triển các ứng dụng, giải pháp kỹ thuật trong khám, chữa bệnh từ xa có chất lượng và độ tin cậy cao, hơn nữa nhìn chung giá thành của những sản phẩm này sẽ hợp lý hơn so với những sản phẩm cùng loại của nước ngoài góp phần tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc khám, chữa bệnh ở nước ta.
2.2. Kinh nghiệm về đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu thông tin của người bệnh trong khám, chữa bệnh từ xa
Ngoài lợi ích to lớn mà công nghệ thông tin mang lại, còn có mặt trái mà chúng ta gặp phải, đó là vấn đề nguy cơ rò rỉ dữ liệu thông tin của người bệnh. Thực tế, để áp dụng mô hình khám, chữa bệnh từ xa, yêu cầu bắt buộc phải số hóa thông tin người bệnh và có sự chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ sở y tế với nhau. Điều này làm tăng rủi ro về an toàn thông tin, rò rỉ dữ liệu thông tin cá nhân của người bệnh trên môi trường mạng. Trong khi hiện nay các cơ sở y tế đặc biệt là các cơ sở ở vùng kinh tế còn khó khăn, việc triển khai hệ thống an ninh an toàn thông tin rất hạn chế. Do đó, tính bảo mật của thông tin bệnh nhân và an toàn dữ liệu trong hồ sơ bệnh án điện tử hiện cũng là vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm mạng tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến và mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm, tinh vi.
Kinh nghiệm từ Đan Mạch và Đức về vấn đề đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu thông tin của bệnh nhân: các cơ quan quản lý về y tế của các quốc gia này sẽ xây dựng những phần mềm chuyên biệt dành cho khám, chữa bệnh từ xa và kiểm soát chất lượng cũng như tiêu chuẩn của những phần mềm này. Các nền tảng, phần mềm như vậy sẽ được áp dụng rộng rãi, có thể ở phạm vi toàn quốc. Tại Đan Mạch, Bộ Y tế nước này đã thông qua các yêu cầu về bảo mật hệ thống mạng và thông tin trong Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe. Đạo luật áp dụng các điều của Chỉ thị (EU) 2016/1148 của Nghị viện Châu Âu vào ngày 6 tháng 7 năm 2016 với mục đích đảm bảo mức độ bảo vệ cao của các hệ thống hạ tầng số để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các nhà chức trách Đan Mạch đã phát triển giải pháp số bao gồm quyền truy cập vào nền tảng y tế số có địa chỉ “sundhed.dk” và các ứng dụng số như “Min læge” và “Medicinkortet”, nơi người bệnh có thể truy cập vào một trong số các dịch vụ có sẵn như liên hệ bác sĩ tại địa phương của họ, gia hạn đơn thuốc và được nhắc nhở sử dụng thuốc. Hoặc nếu như các cơ sở y tế bao gồm cả cơ sở y tế công và tư nhân muốn tự xây dựng các nền tảng cho riêng mình, sẽ phải thông qua sự kiểm tra, giám sát chất lượng và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ví dụ như ở Đan Mạch, các ứng dụng, nền tảng y tế số sẽ do Bộ Y tế Đan Mạch và Tổ chức Bác sĩ Đa khoa (PLO - Organization of General Practitioners) phê duyệt và ban hành. Ở Đức, các ứng dụng hoặc công nghệ từ xa phải được Văn phòng Bảo mật Thông tin Liên bang Đức (“BSI”) và/hoặc Hiệp hội Viễn thông (“gematik”) phê duyệt. Nhà chức trách các quốc gia này cũng lưu ý rằng các ứng dụng và nền tảng họp từ xa (videoconference) phổ biến như Skype, Zoom, Microsoft teams… tiềm ẩn nhiều rủi ro và các nền tảng thương mại này cũng không thực sự phù hợp với các giao tiếp nhạy cảm trong y khoa. Ở Đức, các ứng dụng và nền tảng họp từ xa (videoconference) phổ biến như Skype, Zoom…không được chấp thuận cho các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.
Đối với Việt Nam, hiện nguồn lực của các cơ sở y tế ở nước ta hầu như chưa thể đủ để xây dựng một ứng dụng công nghệ chuyên biệt về khám, chữa bệnh từ xa bởi vậy, Bộ Y tế nên đầu tư nguồn lực về mặt phần mềm như các ứng dụng công nghệ khám, chữa bệnh từ xa và qua đó áp dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế, quản lý và đảm bảo chất lượng cũng như độ tin cậy của các ứng dụng này. Ở Việt Nam, hiện các bệnh viện vẫn sử dụng các phần mềm họp từ xa (videoconference) để khám, chữa bệnh từ xa. Cụ thể đến năm 2021, có 26 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa kết nối với 1261 bệnh viện tuyến dưới qua phần mềm Zoom[7]. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thông tin cá nhân của người bệnh do những phần mềm thương mại trên chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất đặc thù của khám, chữa bệnh. Về lâu dài các cơ sở y tế nên sử dụng các phần mềm chuyên biệt cho khám, chữa bệnh từ xa do Bộ Y tế cung cấp và dần không chấp nhận sử dụng các phần mềm thương mại họp từ xa thông thường. Trường hợp các cơ sở y tế muốn tự đầu tư ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, cần được sự kiểm tra, đánh giá, đảm bảo về chất lượng từ Bộ Y tế và các cơ quan khác có liên quan.
Giải pháp xây dựng một ứng dụng chuyên biệt về khám, chữa bệnh từ xa nhằm tăng tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin của người bệnh nêu trên có tính khả thi bởi hiện nay, các công ty công nghệ ở nước ta đang có một sự phát triển mạnh mẽ cùng trình độ khoa học công nghệ thông tin của nguồn nhân lực trong nước cũng tiến bộ đáng kể nên chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ xây dựng và phát triển các ứng dụng dành cho khám bệnh, chữa bệnh từ xa có chất lượng và độ tin cậy cao, mang tính đặc thù sản phẩm của người Việt, hơn nữa nhìn chung giá thành của những sản phẩm này sẽ hợp lý hơn so với những sản phẩm cùng loại của nước ngoài nên góp phần tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc khám, chữa bệnh nói chung và tăng cường bảo đảm an toàn thông tin của bệnh nhân.
2.3. Kinh nghiệm liên quan đến vấn đề Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh từ xa
Khám, chữa bệnh từ xa chủ yếu hướng tới người bệnh ở cơ sở y tế tuyến dưới. Tại các vùng sâu, vùng xa, các vùng kinh tế còn khó khăn, đa số các bệnh nhân ở vùng này thường được hưởng mức hỗ trợ BHYT rất cao, thậm chí lên tới 100% bởi người dân nơi đây còn khó khăn về kinh tế nên được Nhà nước quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ. Vì vậy, rất cần sự tham gia chi trả của BHYT trong hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.
Khám bệnh, chữa bệnh từ xa được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới, củng cố niềm tin của người dân với bệnh viện, giảm tỉ lệ chuyển tuyến/vượt tuyến lên bệnh viện tuyến trên, giảm thời gian, kinh phí đi lại cho người bệnh. Tuy nhiên, để khuyến khích hơn nữa người dân tham gia khám, chữa bệnh từ xa, vấn đề về BHYT cần được lưu tâm giải quyết. Trong thực tế, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa bằng BHYT vẫn còn gặp khó. Kinh nghiệm của Trung Quốc và Đức cũng cho thấy vai trò của BHYT trong khám, chữa bệnh từ xa là rất quan trọng và các quốc gia rất quan tâm tới vấn đề này. Ngoài ra, các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa phải được liệt kê trong Thang Giá trị Thống nhất của Đức (Giá dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa). Ở Đức, Bảo hiểm y tế (theo luật định hoặc tư nhân) là bắt buộc. Cả BHYT theo luật định - BHYT công (SHI) và BHYT tư nhân (PHI) đều chi trả cho hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, các quyền lợi y tế do PHI (BHYT tư nhân) cung cấp ở Đức rộng rãi hơn các quyền lợi do SHI (BHYT công) cung cấp. Do đó, các quyền lợi do SHI thanh toán bảo hiểm nói chung cũng đủ điều kiện để được PHI thanh toán bảo hiểm.
Nhóm tác giả kiến nghị cần nghiên cứu và xác định kỹ danh mục các bệnh mà BHYT chi trả trong khám, chữa bệnh từ xa. Đến thời điểm hiện tại ở nước ta đã có quy định để chi trả cho khám, chữa bệnh từ xa nhưng đang thiếu quy định xây dựng giá cho từng loại hình nên chưa thể triển khai. Chính vì vậy, vụ BHYT cần phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh từ xa do BHYT chi trả, xây dựng các hướng dẫn chi tiết về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ xa và thanh toán BHYT. Việc chi trả BHYT cho bệnh nhân cần rõ ràng để tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, đồng thời bảo vệ quỹ BHYT, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Sau khi tính toán giá phải xác định đối tượng chi trả khám, chữa bệnh từ xa. Sự tham gia chi trả của BHYT trong hoạt động khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp bệnh nhân yên tâm chữa bệnh bằng loại hình khám, chữa bệnh này hơn, giảm gánh nặng về chí phí khám, chữa bệnh của người dân.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm y tế ở nước ta đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 91,01% dân số[8]. Về tình hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2020, cả nước có 2.612 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT[9]. Việc khám, chữa bệnh bằng BHYT được nhiều cơ sở y tế áp dụng. Các số liệu trên cho thấy việc áp dụng BHYT chi trả cho hoạt động khám, chữa bệnh từ xa là có khả thi. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, ngoài BHYT công hiện nay người dân cũng có thể lựa chọn hình thức BHYT tư nhân. Một số BHYT tư nhân hiện có trên thị trường tại Việt Nam như Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe Dai-ichi Life, Bảo hiểm sức khỏe Manulife, bảo hiểm Y tế PVI, Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện Prudential…giúp người dân có thêm sự lựa chọn BHYT phù hợp với tình hình của mình, giảm tải cho quỹ BHYT công.
Tóm lại, để phát triển mô hình khám, chữa bệnh từ xa thành công và hiệu quả đòi hỏi cần phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, thống nhất, nhanh chóng và kịp thời. Chỉ như vậy mới giúp mô hình này phát triển nhanh và phát huy hiệu quả thực sự phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe thực tiễn của người dân; giúp các cơ sở y tế có thể triển khai khám, chữa bệnh từ xa một cách thường xuyên và người dân được khám, chữa bệnh từ xa khi cần thiết. Hiện nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách về khám, chữa bệnh từ xa, nhóm tác giả mong muốn những kết quả thu được từ bài viết này sẽ là nguồn tài liệu hữu ích để các cơ quan tham khảo, góp phần phát triển hơn nữa mô hình khám, chữa bệnh từ xa ở nước ta.
[1] Trần Long Hải, Trần Nguyễn Ngọc Ánh, Đặng Khánh Linh (2023), “Đánh giá tác động của chính sách khám bệnh, chữa bệnh từ xa ở Việt Nam hiện nay”, Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, trường Đại học Luật Hà Nội, tr.21 [2] Sở Y tế TP. HCM (2020), “Kinh nghiệm của Trung Quốc về triển khai loại hình khám, chữa bệnh từ xa”, đăng trên trang thông tin của Bệnh viện Quận 11, truy cập lần cuối ngày 22/12/2022, từ https://benhvienquan11.vn/so-y-te-tpho-chi-minh/kinh-nghiem-cua-trung-quoc-ve-trien-khai-loai-hinh-kham-chua-benh-tu-xa-n1043.html [3] “Description of an online hospital platform, China” - Bull World Health Organ 2019;97:578–579 [4] “Keeping what works: remote consultations during the Covid-19 pandemic”- Eurohealth - Vol.26 No.2 2020. [5] Sở Y tế TP. HCM (2020), “Tìm hiểu dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa tại các nước Châu Âu trong thời kỳ đại dịch Covid-19”, đăng trên trang thông tin của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, truy cập lần cuối ngày 14/01/2022, từ https://medinet.hochiminhcity.gov.vn/phong-chong-dich-benh/tim-hieu-dich-vu-kham-chua-benh-tu-xa-tai-cac-nuoc-chau-au-trong-thoi-ky-dai-di-c2-37290.aspx [6] “Keeping what works: remote consultations during the Covid-19 pandemic” - Eurohealth -Vol.26 No.2 2020 [7] Báo cáo thực hiện đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa của Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế năm 2021 [8] Anh Chi (2022), “tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,1% dân số”, đăng trên báo Nhân Dân điện tử, truy cập lần cuối ngày 15/01/2022, từ https://nhandan.vn/ty-le-bao-phu-bao-hiem-y-te-dat-911-dan-so-post728779.html [9] Nguyễn Hoàng (2021), “Tỉ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế chưa bền vững”, đăng trên Báo Điện tử Chính phủ, truy cập lần cuối ngày 15/01/2022, từ https://baochinhphu.vn/ti-le-nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-chua-ben-vung-102301444.htm |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tài liệu Tiếng Việt 1. Trần Long Hải, Trần Nguyễn Ngọc Ánh, Đặng Khánh Linh (2023), “Đánh giá tác động của chính sách khám bệnh, chữa bệnh từ xa ở Việt Nam hiện nay”, TS. Đoàn Thị Tố Uyên hướng dẫn, Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, trường Đại học Luật Hà Nội, tr.21 2. Sở Y tế TP. HCM (2020), “Kinh nghiệm của Trung Quốc về triển khai loại hình khám, chữa bệnh từ xa”, đăng trên trang thông tin của Bệnh viện Quận 11, truy cập lần cuối ngày 22/12/2022, từ https://benhvienquan11.vn/so-y-te-tpho-chi-minh/kinh-nghiem-cua-trung-quoc-ve-trien-khai-loai-hinh-kham-chua-benh-tu-xa-n1043.html 3. Sở Y tế TP. HCM (2020), “Tìm hiểu dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa tại các nước Châu Âu trong thời kỳ đại dịch COVID-19”, đăng trên trang thông tin của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, truy cập lần cuối ngày 14/01/2022, từ https://medinet.hochiminhcity.gov.vn/phong-chong-dich-benh/tim-hieu-dich-vu-kham-chua-benh-tu-xa-tai-cac-nuoc-chau-au-trong-thoi-ky-dai-di-c2-37290.aspx 4. Báo cáo thực hiện đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa của Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế năm 2021. 5. Anh Chi (2022), “tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,1% dân số”, đăng trên báo Nhân Dân điện tử, truy cập lần cuối ngày 15/01/2022, từ https://nhandan.vn/ty-le-bao-phu-bao-hiem-y-te-dat-911-dan-so-post728779.html 6. Nguyễn Hoàng (2021), “Tỉ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế chưa bền vững”, đăng trên Báo Điện tử Chính phủ, truy cập lần cuối ngày 15/01/2022, từ https://baochinhphu.vn/ti-le-nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-chua-ben-vung-102301444.htm II. Tài liệu Tiếng Anh 7. “Description of an online hospital platform, China” - Bull World Health Organ 2019;97:578–579) 8. “Keeping what works: remote consultations during the COVID-19 pandemic”- Eurohealth - Vol.26 No.2 2020. |
TS. ĐOÀN THỊ TỐ UYÊN - TRẦN LONG HẢI - TRẦN NGUYỄN NGỌC ÁNH - ĐẶNG KHÁNH LINH
Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp