/ Tích hợp văn bản mới
/ Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?

Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?

05/01/2021 18:02 |

(LSO) - Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi rất quan trọng đối với các bạn sĩ tử, nó quyết định 12 năm đèn sách, không chỉ là cơ sở để xét tốt nghiệp mà còn căn cứ để bước vào cánh cửa đại học. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ việc xảy ra sai sót, tiêu cực trong kỳ thi như vụ việc sửa điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: "Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không?".

Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?

Không có kỳ thi này, hầu hết học sinh vẫn tốt nghiệp

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét, tỉ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc năm 2018 đạt 97,57% (trên tổng số hơn 879.700 thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp). Trong đó, tỉ lệ tốt nghiệp của hệ giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%. Như vậy, dù không có kỳ thi này, hầu hết học sinh vẫn tốt nghiệp.

Mất thời gian và kinh phí

Có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì một kỳ thi chỉ để loại bỏ hơn 2% học sinh không đủ điều kiện, điều này rất mất thời gian và kinh phí. Theo Bộ GD-ĐT, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được tính toán mức phí trên 35 tỉ đồng, bao gồm từ việc tập huấn nghiệp vụ thi, ra đề, chi phí địa điểm làm việc, ăn ở, thuê hạ tầng, vận hành, nâng cấp phần mềm quản lý thi, vận chuyển đề, chấm thi, kiểm tra thi.

Tuy nhiên, điểm thi tốt nghiệp THPT là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học. Nếu bỏ kỳ thi này, học sinh sẽ không cố gắng học, các trường sẽ chạy theo bệnh thành tích làm đẹp học bạ để tốt nghiệp. Mặt khác, quy định tại Luật Giáo dục (Điều 31), học sinh phải thi THPT mới đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp.

"Chưa thể yên tâm với kết quả thi"

Theo PGS. TS. Ngô Văn Giá - Đại học Văn hóa Hà Nội, bằng kinh nghiệm sau nhiều năm đứng trên giảng đường, vẫn chưa thể yên tâm với kết quả thi của sinh viên sau khi đỗ vào đại học. Ông Giá cho biết, có những sinh viên đỗ vào đại học với điểm số rất cao, nhưng sau khi cho làm kiểm tra đánh giá thì kết quả lại rất thấp, có thể nói là “thảm hại”.

Ông Giá cũng cho rằng, không biết có câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” hay không, nhưng đây là một thực tế rất đáng báo động.

"Luật không phù hợp với thực tế thì phải sửa luật"

GS. TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng ý với việc không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: "Nếu có phương án bỏ kỳ thi quốc gia thì tôi đồng ý. Nhiều người bạn của tôi cùng đồng ý. Việc thi xong có đánh trượt thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nếu có trượt thì cũng không thiếu gì cách học, học theo trung tâm giáo dục thường xuyên, rồi cũng có những điều kiện khác để có thể vào đại học được."

Tại Điều 31 Luật Giáo dục quy định, học sinh phải thi THPT mới đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp. Theo ông Dong, thực tế hiện nay, luật không phù hợp với thực tế thì phải sửa luật.

"Vì vậy, phương án bỏ kỳ thi này đi là đúng. Hơn nữa, dịch Covid-19 như thế này ai cho phép ngồi cạnh nhau để làm bài thi, cố thi để làm gì", ông Dong nói.

Tình trạng học để thi trở nên phổ biến

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng điều mà chúng ta không thể không nhìn thấy là ngành giáo dục đã để tình trạng học để thi trở nên phổ biến. Khi kỳ thi không được tiến hành, các học sinh lập tức buông bỏ việc ôn luyện đèn sách.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều ý kiến đã so sánh việc các nước như Anh, Mĩ hay Pháp cũng đang xét tuyển hoặc bỏ kỳ thi THPT để làm cơ sở cho Việt Nam tiến hành công việc này. Tuy nhiên, dư luận lại có phần “tỉnh táo” hơn khi cho rằng nền giáo dục các nước khác “một trời, một vực” với nền giáo dục của chúng ta, nên sự so sánh đó là “vô cùng khập khiễng”.

“Tôi cảm thấy thất vọng một lần nữa. Dường như cơ quan giáo dục của chúng ta chỉ nhìn quanh xem thế giới làm sao rồi vội vã làm theo vậy. Mỗi quốc gia đều có đặc thù riêng”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Không nên bỏ thi

Theo quan điểm của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước thì không nên bỏ thi THPT. Bởi vì thi sẽ tạo động lực học sinh trong học tập. Nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay.  Những năm qua kỳ thi đã mang lại sự đồng thuận cao của xã hội. Tạo điệu kiện cho tất cả các học sinh được dự thi tại nơi mà học sinh học, tạo sự công bằng và giảm tốn kém cho gia đình và xã hội.

Ông Dương Minh Châu - Hiệu trưởng trường THPT Phú Riềng (huyện Phú Riềng, Bình Phước) cũng đồng ý với quan điểm này: "Câu chuyện bỏ thi tốt nghiệp THPT đã được đề cập trong nhiều năm, tuy nhiên vấn đề này không có tính khả thi. Theo tôi đã học thì phải thi, có học thì có thi. Nếu nói rằng thi thì cũng không đánh giá đúng được chất lượng học sinh thì hoàn toàn không đúng mà ngược lại thi mới đánh giá chất lượng học sinh cả trên phương diện ý thức học tập và kiến thức của mỗi học sinh. Vấn đề là cách thức và hình thức tổ chức thi như thế nào cho phù hợp. Việc này đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh trong những đã qua bước đầu đã có tính khả thi được sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân".

Anh Nguyễn Văn Sơn, phụ huynh học sinh, ở phường Tân Phú , Đồng Xoài, Bình Phước cũng có ý kiến là không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp. "Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT thì dễ nảy sinh tiêu cực bởi cơ chế “xin, cho”,  đồng thời chi phí cho học sinh thi Đại học sẽ tăng cao bởi các em phải về các thành phố lớn dự thi, thay vì thi trong địa phương như hiện nay".

Dự kiến vẫn tổ chức kỳ thi THPT nhưng chỉ để xét tốt nghiệp
Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về phương án thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 khi mà học sinh cả nước phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid -19. Theo đó, cuộc họp đã chọn phương án vẫn tổ chức thi nhưng sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì kỳ thi hai mục đích như hiện hành. Năm nay các trường ĐH chính thức tự chủ tuyển sinh.

NHÓM PV

/du-kien-van-to-chuc-ky-thi-thpt-nhung-chi-de-xet-tot-nghiep.html