Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, để biết người sử dụng đất có thể vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai được hay không hãy xem thế nào là khiếu nại, khởi kiện tranh chấp đất đai và thủ tục giải quyết để có câu trả lời, cụ thể:
Khiếu nại, khởi kiện tranh chấp đất đai là gì?
Khiếu nại trong giải quyết tranh chấp đất đai là gì?
Căn cứ khoản 1, Điều 2, Luật Khiếu nại 2011 quy định: "Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình".
Do đó, có thể hiểu, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của mình người người sử dụng đất hoặc người có quyền lợi liên quan có thể thực hiện khiếu nại theo thủ tục tại Luật Khiếu nại.
Theo đó, đối tượng khiếu nại trong giải quyết tranh chấp đất đai gồm quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan hành chính khi giải quyết tranh chấp đất đai, cụ thể:
- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định từ chối giải quyết tranh chấp đất đai dù có đủ căn cứ giải quyết,…
- Hành vi hành chính trong giải quyết tranh chấp đất đai là hành vi của cá nhân có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp đai như chậm thực hiện, thực hiện không đúng, gây khó dễ cho người sử dụng đất,…
Như vậy, khi các bên xảy ra tranh chấp đất đai thì không thể khiếu nại để giải quyết vì đây là việc xung đột về quyền và lợi ích giữa hai hoặc nhiều bên trong tranh chấp đó.
Khiếu nại trong giải quyết tranh chấp đất đai chỉ được thực hiện khi các bên đề nghị cơ quan hành chính nhà nước giải quyết theo quy định nhưng cơ quan đó, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan không giải quyết, chậm giải quyết hoặc giải quyết nhưng không đồng ý với quyết định đó.
Khởi kiện tranh chấp đất đai gì?
Khởi kiện tranh chấp đất đai là việc chủ thể tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật đất đai, Bộ luật Tố tụng dân sự quyết định đưa tranh chấp đất đai ra TAND để giải quyết.
Như vậy, có thể thấy khiếu nại trong giải quyết tranh chấp đất đai và khởi kiện tranh chấp đất đai thực hiện theo quy định của các luật khác nhau. Khiếu nại sẽ căn cứ theo Luật Khiếu nại, trong khi đó khởi kiện tranh chấp đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên thủ tục, căn cứ pháp lý giải quyết khác nhau không đồng nghĩa với việc được tiến hành song song để giải quyết một tranh chấp.
Vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai được không?
Điều 203, Luật Đất đai 2013 quy định tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất mà không thành thì được giải quyết như sau:
(1) Khởi kiện tại TAND theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự
Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100, Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết.
(2) Lựa chọn giải quyết tại Tòa án hoặc UBND cấp có thẩm quyền giải quyết
Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100, Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
- Khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền, cụ thể:
+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương)
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết;
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Như vậy, không thể vừa khởi kiện vừa khiếu nại tranh chấp đất đai.
Nội dung này cũng được khẳng định rõ trong thủ tục khiếu nại quy định tại Điều 7, Luật Khiếu nại 2011 như sau:
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Kết luận: Mặc dù được giải quyết theo thủ tục khác nhau nhưng không thể vừa khiếu nại vừa khởi kiện tranh chấp đất đai. Điều này cũng không khó hiểu, bởi lẽ nếu giải quyết đồng thời theo nhiều thủ tục sẽ tốn thời gian, nguồn lực và không thể có 02 quyết định giải quyết đồng thời có hiệu lực.
TRẦN QUÝ