/ Tin nổi bật
/ Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

20/12/2024 14:56 |

(LSVN) - Sáng 20/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 9 Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Dữ liệu; Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nhước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 9 Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 9 Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 92.48%. Từ Luật Công đoàn đầu tiên được ban hành năm 1957, đây là lần thứ tư Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Công đoàn.

Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn 2012; thể chế hóa Hiến pháp, các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Luật Công đoàn 2024 gồm 6 chương, 37 Điều (tăng 4 Điều so với Luật Công đoàn 2012), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Luật Thuế GTGT 2024 đã đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng cải cách thủ tục hành chính tuy nhiên vẫn đảm bảo tính ổn định của chính sách; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN. Khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Thuế GTGT gồm 4 chương, 18 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Ngoài những nội dung kế thừa quy định Luật hiện hành, luật có những quy định mới về: người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế GTGT, giá tính thuế, thuế xuất,…

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2024 với tỷ lệ tán thành cao (94.99%).

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2025, có bố cục gồm 5 Chương và 59 Điều, đã bao quát và cụ thể hóa 03 nội dung chính sách cơ bản là: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Ngày 26/11/2024, Quốc hội khoá đã thông qua Luật Công chứng số 46/2024/QH15 năm 2024, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 và thay thế Luật Công chứng số 63/2015/QH13

Việc sửa đổi và ban hành Luật Công chứng năm 2024 nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật Công chứng năm 2024 gồm 8 chương 76 Điều (giảm 2 chương và 5 điều so với Luật Công chứng năm 2014), với các nội dung mới cơ bản như: Xác định đúng phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên; quy định về các giao dịch phải công chứng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về công chứng viên, về hành nghề công chứng;…

Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (Luật số 55/2024/QH15).

Việc xây dựng dự án Luật PCCC và CNCH nhằm mục đích: thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải pháp phòng ngừa, phân công, phân cấp gắn trách nhiệm trong hoạt động PCCC, CNCH. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

Để triển khai Luật PCCC và CNCH, từ nay đến ngày 01/7/2025, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC và CNCH. Bộ Công an, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình ban hành các Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý PCCC và CNCH cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho Nhân dân để hiểu và thực hiện đúng quy định của Luật PCCC và CNCH.

Ngày 28/11/2024, Quốc hội khóa đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (Luật số 53/2024/QH15).

Luật được ban hành nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và trong thời gian tới, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều (tăng 5 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng mới 10 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 51 điều, bỏ 7 điều.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tại Kỳ họp thứ 8.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Dữ liệu (gồm 5 chương với 46 điều), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (Luật số 60/2024/QH15).

Luật Dữ liệu được xây dựng và ban hành nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Điều chỉnh toàn diện về hoạt động xử lý, quản trị, điều phối dữ liệu; xác định rõ công tác quản lý nhà nước về dữ liệu. Phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính. Cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia giúp phát triển Chính phủ số, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng dữ liệu số…

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024 đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa. Luật thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đồng thời cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Luật Di sản văn hóa đã cụ thể hóa từ ba chính sách được Chính phủ và Quốc hội thông qua trong Dự án xây dựng Luật Di sản văn hóa: Hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn. Tăng cường cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hóa gồm 9 chương, 95 điều, tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành (7 chương, 73 điều) đã thể chế hoá đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hoá và di sản văn hoá, thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính với những điểm mới, thay đổi, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hoá, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của cả nước, của các địa phương, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nhước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 56/2024/QH15) gồm 11 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025, để đảm bảo các quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn tạo các văn bản quy định chi tiết Luật. Xây dựng và ban hành Kế hoạch thi hành Luật. Tổ chức xây dựng để ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật.

PV

Các tin khác