/ Kết nối
/ Công khai rộng rãi bản kê khai tài sản, thu nhập để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Công khai rộng rãi bản kê khai tài sản, thu nhập để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

06/09/2022 15:37 |2 năm trước

(LSVN) - Triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (có hiệu lực từ 20/12/2020), thời gian qua, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật; nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cùng kiểm soát đối với một đối tượng dẫn đến trùng lắp; việc xác định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là Giám đốc Sở và tương đương trở lên, nhưng chưa quy định cụ thể đối tượng nào là tương đương; việc phát hiện và xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn hạn chế; việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập chưa được triển khai thường xuyên và hiệu quả không cao;… Do đó, công tác đấu tranh với hành vi tham nhũng, tiêu cực thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn hạn chế.

Thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính; hiện nay, một số địa phương đã tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên hoặc lựa chọn một số cán bộ để tiến hành để xác minh tài sản, thu nhập. Đây là biện pháp nhằm hiện thức hóa quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Vấn đề đặt ra là, việc bốc thăm hay lựa chọn ngẫu nhiên một số cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập có phải là giải pháp căn bản, lâu dài để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hay không?. Việc này có thể dẫn đến không khách quan trong việc chọn người có nghĩa vụ kê khai để xác minh tài sản, thu nhập; đồng thời, một số địa phương có số người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện lựa chọn ngẫu nhiên tương đối lớn thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ không đủ khả năng để tổ chức thực hiện. Do đó, không thể kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn một cách toàn diện, đầy đủ.

Việc xác minh tài sản, thu nhập thông qua việc lựa chọn ngẫu nhiên chủ yếu dựa trên Bản kê khai, thu nhập của người có nghĩa kê khai. Tuy nhiên, với chế tài xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực như: Bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch,… có thể nói là rất nghiêm khắc nên người có nghĩa kê khai không dám hoặc không muốn kê khai không trung thực hoặc giấu giếm tài sản, thu nhập.

Vì vậy, đối với tài sản được hình thành một cách hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng và không liên quan đến tham nhũng thì người có nghĩa kê khai sẳn sàng kê khai trung thực, không dám vi phạm. Bên cạnh đó, không phải bất cứ cán bộ, công chức nào giàu có, nhiều tài sản là có thể quy chụp tài sản đó bắt nguồn từ tham nhũng, tiêu cực. Tài sản của họ có thể được hình thành từ việc thừa kế, tặng cho, kinh doanh, góp vốn hợp pháp hoặc đầu tư cổ phiếu, mua bán bất động sản,…Vì vậy, nhiều cán bộ, công chức rất muốn việc công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập của mình để chứng minh tài sản, thu nhập đó là trong sạch và không liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, đối với tài sản của người có nghĩa vụ kê khai có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thì họ luôn tìm cách che giấu; để không bị phát hiện bằng cách để người thân, họ hàng, bạn bè giữ hộ hoặc đứng tên quyền sở hữu và thống nhất về việc che giấu tài sản, thu nhập tham nhũng, tiêu cực đó. Do đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu chỉ xác minh tính trung thực dựa trên bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thì khó có thể phát hiện sự không trung thực hoặc tài sản bất minh của người có nghĩa vụ kê khai.

Để phát hiện tài sản bất minh và không trung thực trong các bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, ngoài việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập thì cần phải đa dạng các hình thức công khai, minh bạch đối với bản kê khai tài sản, thu nhập. Không chỉ dừng lại với các hình thức công khai theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng mà cần phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập trên Cổng/Trang thông tin điện tử hoặc niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú; đồng thời, phải có cơ chế tiếp nhận và xử lý đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tố giác về các hành vi vi phạm hoặc tội phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Do đó, bằng cách này, việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được giám sát một cách chặt chẽ, rộng rãi, qua đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tiếp nhận thông tin về hành vi không kê khai đầy đủ tài sản, thu nhập hoặc kê khai không chính xác về giá trị tài sản của người có nghĩa vụ kê khai thông qua việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức để có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

ĐỖ VĂN NHÂN

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh

Lê Minh Hoàng