Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, công ty tài chính, tổ chức tín dụng nếu có vi phạm và bị xử lý theo quy định pháp luật, thì người vay vẫn phải trả khoản vay theo giao dịch hợp đồng vay đã giao kết.
Trường hợp lãi suất quá định mức theo quy định lãi suất của Bộ luật Dân sự (quá 20%/năm) thì người vay không phải trả khoản chênh lệch quá 20%, nếu đã bị công ty tài chính thu thì được xem là khoản thu lợi bất chính nên khoản thu đối với phần lãi suất quá 20%/năm sẽ được trả lại cho người vay.
Luật sư cũng cho hay, theo quy định tại Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng (công ty tài chính), tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó, tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm: Công ty tài chính; Công ty cho thuê tài chính, đây là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cụ thể là công ty tài chính cần đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định theo quy định của chính phủ từng thời kỳ. Doanh nghiệp có vốn tối thiểu là 500 tỉ Việt Nam đồng; đối với tập đoàn kinh tế sẽ phải có vốn tối thiểu là 1000 tỉ đồng và phải có cam kết hỗ trợ công ty tài chính.
Công ty tài chính để có thể thực hiện hoạt động ngân hàng quy định tại khoản 1, Điều 108, Luật Các tổ chức tín dụng cần đáp ứng các điều kiện. Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Còn với loại hình kinh doanh cầm cố tài sản, cầm đồ thì doanh nghiệp không chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp loại hình này được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và đáp ứng các điều kiện chuyên ngành theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam, cầm đồ được xếp vào nhóm các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Hoạt động kinh doanh cầm đồ thường được đăng ký theo mã ngành nghề cấp 4 với mã 6492: Hoạt động cung cấp tín dụng khác.
Cũng theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, hoạt động cung cấp tín dụng khác (6492), bao gồm: Các hoạt động dịch vụ tài chính chủ yếu liên quan đến việc hình thành các khoản cho vay của các thể chế không liên quan đến các trung gian tiền tệ (như là các công ty đầu tư vốn mạo hiểm, các ngân hàng chuyên doanh, các câu lạc bộ đầu tư). Các tổ chức này cung cấp các dịch vụ sau đây: Cấp tín dụng tiêu dùng; Tài trợ thương mại quốc tế; Cấp tài chính dài hạn bởi các ngân hàng chuyên doanh; Cho vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng; Cấp tín dụng cho mua nhà do các tổ chức không nhận tiền gửi thực hiện; Dịch vụ cầm đồ.
Theo khoản 4, Điều 3, Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định: "Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố".
Theo đó, đối với những trường hợp "núp bóng" công ty tài chính, tổ chức tín dụng không minh bạch không thuộc quy định tại Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 trên thì các khoản vay với khách hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 với lãi suất được quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 là lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được phép vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay và không quá 1,666%/tháng đối với khoản tiền vay.
Trường hợp lãi suất cao hơn quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì vi phạm pháp luật về lãi suất, trường hợp bên cho vay bị xử lý theo quy định pháp luật thì người vay chỉ phải trả khoản lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự, phần chênh lệch là khoản thu lợi bất chính nên có thể sẽ bị cơ quan chức năng xử lý tích thu hoặc trả lại cho người vay.
Trường hợp khoản thu lợi bất chính vào từ lãi suất cho vay trái quy định, nếu hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bên cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Theo đó, khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 05 lần trở lên thì cầu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự.
Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại khoản 4, Điều 12, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trường hợp doanh nghiệp cho vay qua hình thức cầm đồ có các vi phạm như: Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỉ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm mức xử phạt sẽ gấp đôi quy định tại Điều 4, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Cũng theo Luật sư, Điều 385, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Tuy nhiên, không phải tất cả các hợp đồng giao kết đều có giá trị pháp lý và được thực hiện. Trên thực tế rất nhiều hợp đồng không đáp ứng các điều kiện của pháp luật và bị tuyên vô hiệu.
Trường hợp vi phạm về hợp đồng vay, hợp đồng có vi phạm các điều cấm của pháp luật dẫn đến vô hiệu thì áp dụng các quy định khởi kiện tuyên bố hợp đồng vô hiệu và xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 122; Điều 131, Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Phân tích thêm, Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho hay, bản chất của việc vay, mượn tiền chính là một giao dịch dân sự. Theo đó, căn cứ Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
Hợp đồng cho vay có thể được giao kết thông qua lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Quy định là vậy, tuy nhiên, trên thực tế, việc vay - cho vay tiền được thực hiện dưới nhiều cách thức khá đa dạng, phong phú, chủ yếu là theo hình thức cho vay tín chấp.
Theo đó, để thu hút người vay, bên cho vay thường chỉ yêu cầu người vay cung cấp một số thông tin như: CCCD, sổ hộ khẩu, yêu cầu truy cập danh bạ điện thoại,… để thu thập thông tin khách hàng. Thậm chí, có nhiều trường hợp bỏ qua việc xác thực thông tin khách hàng cung cấp. Lợi dụng việc này, bên vay hoàn toàn có thể sử dụng thông tin giả, sim rác, giấy tờ giả,... để vay tiền rồi dễ dàng không trả nợ. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp vay tiền nhưng không có giấy tờ hay minh chứng xác nhận, nên đến khi không thể liên hệ với khách hàng, khi đến địa chỉ mà khách hàng cung cấp phát hiện ra thông tin giả, các công ty tài chính - bên cho vay cũng khó có thể thu hồi lại được khoản nợ này.
Trường hợp người vay có hành vi vay mượn tiền rồi không trả nợ, pháp luật đã quy định rất rõ hành vi vi phạm và chế tài xử phạt đối với từng hành vi. Trong đó, căn cứ vào tính chất, mức độ và số tiền chiếm đoạt, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", với mức phạt tù cao nhất là tù chung thân, căn cứ Điều 174, Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo Luật sư, công tác xác minh, điều tra và khởi tố đối với loại tội danh này còn gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các trường hợp cho vay tiền đều ở trong hoàn cảnh như: Số tiền cho vay quá nhỏ, cho vay bằng miệng, không có văn bản xác nhận khoản vay hay chữ ký của các bên, không xác định được thông tin người vay (do cung cấp giấy tờ giả),...
TRẦN MINH
Vụ khách hàng mất gần 47 tỉ đồng gửi tại Sacombank: Trách nhiệm của ngân hàng như thế nào?