Sự cố vỡ đường ống tạm sau khi UBND huyện Nghĩa Hưng tiến hành cưỡng chế đã gây "mất nước" trên 8 xã trong các ngày 24, 25/5. Ảnh: TV.
UBTV Quốc hội chỉ đạo xem xét
Tại Thông báo nêu trên, UBTV Quốc hội kết luận: Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND tỉnh Nam Định xem xét, rà soát lại toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng khi thực hiện hoàn trả công trình Hệ thống đường ống nước sạch của Công ty Mai Thanh để đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sự an toàn cho toàn bộ hệ thống cấp nước và đời sống, sinh hoạt của 27.000 hộ dân thuộc 9/10 xã vùng nhiễm mặn của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Thanh.
Cũng liên quan vụ việc này, trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi Bộ GTVT truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các bộ, cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu, kiểm tra, giải quyết Đơn kêu cứu của Công ty Mai Thanh, bảo đảm xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý, không để xảy ra diễn biến phức tạp, khiếu kiện kéo dài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/5/2022.
Doanh nghiệp phải khởi kiện ra tòa
Công ty Mai Thanh là chủ sở hữu nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân, có công suất 28.000m3/ngày đêm, phục vụ 27.000 hộ dân thuộc 9 xã vùng hạ huyện nhiễm mặn của huyện Nghĩa Hưng. Ngày 11/5, huyện Nghĩa Hưng thực hiện cưỡng chế di dời đường ống cấp nước sạch của nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân để lấy mặt bằng thi công Kênh nối Đáy - Ninh Cơ, thuộc Dự án WB6 do Bộ GTVT quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty Mai Thanh cho biết, đây là vấn đề tồn tại dai dẳng suốt từ năm 2019 đến nay chưa có hồi kết và hai bên vẫn chưa thống nhất phương án hoàn trả tuyến ống đi nổi hay đi chìm dưới đáy kênh. Vẫn theo bà Thanh, ngày 29/4, Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định Hà Lan Anh đã chủ trì Hội nghị đối thoại gữa các bên nhưng nhiều vấn đề tranh chấp giữa 2 phương án đi nổi, đi chìm vẫn chưa được kết luận rõ ràng. Sau Hội nghị, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản nêu 4 nội dung về phương án đi nổi mà Công ty Mai Thanh đề nghị tại Hội nghị gửi Bộ GTVT xem xét, trả lời vì Phó Chủ tịch Hà Lan Anh cho rằng 4 vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, chỉ sau đó 6 ngày, khi Biên bản Hội nghị ký chưa ráo mực và Bộ GVT cũng chưa kịp trả lời thì UBND huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức cưỡng chế cắt đường ống nước chính và đấu nối vào đường ống tạm. Và như Công ty đã cảnh báo, đường ống tạm này đã nứt vỡ, gây mất nước trên diện rộng 8 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng vào các ngày 24 - 25/5.
Diễn biến sự việc đã Công ty Mai Thanh phải làm Đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định. Tòa đã ký Giấy xác nhận số 35/2022/GXN-TA với nội dung đã nhận được đơn khởi kiện kèm các tài liệu, chứng cứ có liên quan do cán bộ của Công ty Mai Thanh nộp trực tiếp tại tòa. Người bị khởi kiện là ông Trần Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng vì ông này đã ban hành 3 quyết định hành chính số 755, 756 và 1256 không đúng quy định pháp luật liên quan vụ việc tranh cãi về vấn đề cưỡng chế giải phóng mặt bằng, phương án hoàn trả đường ống nước sạch đi ngầm dưới đáy kênh.
Đơn khởi kiện yêu cầu toà tuyên huỷ bỏ toàn bộ các quyết định nói trên; buộc UBND huyện Nghĩa Hưng phải bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Thanh bị xâm phạm trái pháp luật.
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng nói rằng: "Công ty Mai Thanh có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng. Cá nhân tôi thực hiện theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển chung. Tất cả đều được pháp luật quy định”.
Thẩm quyền hoàn trả công trình nước sạch?
Dự án nước sạch của Công ty Mai Thanh được UBND tỉnh Nam Định ra các quyết định cho phép triển khai từ năm 2015 đến nay, đã phát huy hiệu quả, cấp nước sạch cho 27.000 hộ dân thuộc 9/10 xã vùng nhiễm mặn của hạ huyện Nghĩa Hưng. Lãnh đạo tỉnh Nam Định nhiều lần khẳng định: Các quyết định của UBND tỉnh Nam Định cho phép triển khai Dự án nước sạch là đúng pháp luật. Có nghĩa, Dự án nước sạch của Công ty Mai Thanh là hợp pháp.
Như vậy, việc hoàn trả đường ống nước sạch do Dự án WB6 của Bộ GTVT cắt ngang khi đào Kênh nối Đáy - Ninh Cơ phải thuộc trách nhiệm của Chủ Dự án WB6. Công trình nước sạch là công trình thiết yếu, đồng thời là công trình hạ tầng kỹ thuật tham gia vào kết cấu của công trình giao thông Kênh nối Đáy - Ninh Cơ, dĩ nhiên, Chủ Dự án WB6 phải làm 2 việc.
Thứ nhất, phải đánh giá lại tác động môi trường để xem Kênh nối Đáy – Ninh Cơ khi đi vào hoạt động kéo theo nguồn nước nhiễm mặn đang cách xa Nhà máy nước sạch của Dự án từ 40km còn 6km sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống của Dự án nước sạch như thế nào. Việc này rất quan trọng vì Dự án nước sạch còn tuổi thọ tới 48 năm và có tới hàng trăm ngàn cư dân huyện Nghĩa Hưng đang hưởng lợi.
Thứ hai, công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch phải được Chủ đầu tư Dự án WB6 cập nhật vào hồ sơ khi thiết kế cụm công trình Kênh nối Đáy – Ninh Cơ, trên cơ sở đó sẽ lựa chọn các phương án thiết kế khả thi và hiệu quả nhất (đi nổi hoặc đi ngầm dưới đáy kênh).
Tuy nhiên, Chủ đầu tư Dự án WB6 đã không hề làm 2 việc trên. Hồ sơ triển khai Cụm công trình Kênh nôi Đáy - Ninh Cơ của Bộ GTVT đã “bỏ quên” Dự án nước sạch, dù công trình này đã hiện hữu trước thời điểm khởi công Kênh nối Đáy – Ninh Cơ tới gần 3 năm. Về lý do “bỏ quên”, trong các buổi làm việc với Công ty Mai Thanh, phía Bộ GTVT không nói tỉnh Nam Định ra quyết định triển khai Dự án nước sạch là sai, nhưng lại nói rằng, Dự án WB6 được triển khai liên tục từ năm 2008 tới nay, có trước Dự án nước sạch, nên việc hoàn trả công trình cho Dự án nước sạch thuộc thẩm quyền của tỉnh Nam Định.
Thẩm quyền của UBND tỉnh Nam Định là giải phóng mặt bằng. Do đó, tỉnh Nam Định chỉ có thể làm công trình hoàn trả cho Công ty Mai Thanh theo một cách duy nhất là giải phóng mặt bằng và không được làm ảnh hưởng tới kết cấu thiết kế của Kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Điều này đã được phía Bộ GTVT khẳng định trong buổi làm việc trực tiếp với Công ty Mai Thanh ngày 07/4/2022 do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chủ trì.
Phát biểu trên Truyền hình Quốc hội (ngày 23/4/2022), bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, thừa nhận: “Việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nước sạch là thực hiện sau khi có Dự án WB6 và trong quá trình triển khai chúng tôi có thiếu sót là chưa xin ý kiến Bộ GTVT vì có liên quan đến Kênh nối Đáy”.
“Chúng tôi cay đắng nhận ra rằng, vì “thiếu sót” kể trên mà công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch không được đối xử đúng pháp luật mà phải “làm chui” sang phần giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định với kết quả là tuyến ống hoàn trả chỉ duy nhất được lựa chọn 1 phương án “chui ngầm dưới đáy kênh” đầy rủi ro cho Công ty Mai Thanh và 27.000 hộ dân đang thụ hưởng nước sạch.” – Công ty Mai Thanh nêu trong Đơn kêu cứu.
Chính UBND huyện Nghĩa Hưng cũng từng “kêu khổ” khi phải làm công trình hoàn trả này. Tại Văn bản số 587/UBND-TNMT, ngày 30/9/2020, gửi Bộ GTVT, huyện này đã thừa nhận: “Để bồi thường bằng công trình thay thế phụ thuộc rất nhiều yếu tố kỹ thuật ngoài chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Nghĩa Hưng (nếu đi trên cầu phụ thuộc thiết kế chịu lực, yếu tố thẩm mỹ; nếu đi ngầm dưới đáy kênh phụ thuộc phương án thi công kênh…)”; vì vậy “đề nghị Bộ GTVT giao cho Ban quản lý Dự án đường thủy xác định đây là gói thầu độc lập như đường điện để hoàn trả đồng bộ cùng gói xây dựng cho đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của Dự án”.
Ngoài ra, Bộ GTVT cho rằng công văn kể trên là vượt cấp nên đã chuyển trả tỉnh Nam Định. UBND tỉnh Nam Định sau đó đã có công văn gửi Bộ GTVT xin nhận làm công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch. Đến ngày 21/7/2021, Bộ GTVT mới có công văn gửi UBND tỉnh Nam Định chính thức công nhận tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh là công trình hiện hữu cần hoàn trả nhưng “thống nhất chuyển sang phần giải phóng mặt bằng” để UBND tỉnh Nam Định làm.
Ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Nam Định có công văn giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư Công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch. Lúc này Kênh nối Đáy – Ninh Cơ đã khởi công gần 1 năm và đang vào “đường găng tiến độ” khi chỉ còn 8 tháng nữa là đến thời hạn kết thúc tín dụng của Ngân hàng Thế giới.
PV