Dấu hiệu pháp lý và cách phân loại các tội xâm phạm sở hữu theo Bộ luật Hình sự 2015

30/11/2017 08:28 | 6 năm trước

LSVNO - Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Bảo vệ quyền sở hữu về tài sả...

LSVNO - Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Bảo vệ quyền sở hữu về tài sản là bảo vệ các quyền nói trên, hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quyền sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 và được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hình sự.

Các tội phạm xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện gây thiệt hại hoặc đe dọạ gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng điện tử. Ảnh: Báo CT

Khách thể của các tội xâm phạm sở hữu

Các tội phạm này xâm phạm vào quyền sở hữu đối với tài sản, làm mất đi quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản. Tùy theo từng tội phạm cụ thể mà có thể làm mất đi một hoặc cả ba quyền năng nêu trên.

Đối tượng tác động của các tội phạm xâm phạm sở hữu là tài sản, Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

* Vật là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể cảm nhận bằng giác quan của mình. Vật là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu phải có thực, là sản phẩm lao động của con người và chưa bị từ bỏ quyền sở hữu (không phải do chủ sở hữu đánh rơi hay bỏ quên). Tuy nhiên, không phải mọi vật đều là đối tượng tác động của các tội phạm này, mà những vật như: tài nguyên thiên nhiên (rừng, khoáng sản), vật có tính năng công dụng đặc biệt (ma túy, vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật, chất nổ, chất phóng xạ…) là đối tượng tác động của những tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự.

* Theo kinh tế chính trị, tiền là vật ngang giá chung, có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi hàng hóa, dịch vụ nhằm thỏa mãn những nhu cầu của con người. Tiền bao gồm nội tệ (tiền Việt Nam) và ngoại. Tiền luôn là đối tượng của các tội xâm phạm sở hữu.

* Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 không quy định thế nào là giấy tờ có giá, tuy nhiên theo điểm 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với chủ sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, thỏa mãn điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Giấy tờ có giá bao gồm 02 loại: giấy tờ có giá hữu danh và giấy tờ có giá vô danh. Giấy tờ có giá hữu danh không phải là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu bởi các loại giấy tờ này gắn liền với cá nhân, tổ chức có tên trong chính giấy tờ có giá đó. Về nguyên tắc, chỉ người có tên trên giấy tờ có giá mới xác lập được quyền sở hữu đối với loại tài sản này và do đó việc chiếm đoạt được các giấy tờ có giá này chưa xâm phạm được đến quyền của chủ sở hữu. Theo Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24/3/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì “Giấy tờ có giá vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ giấy tờ có giá”, chính vì vậy, giấy tờ có giá vô danh luôn là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu.

* Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Quyền tài sản hiểu theo nghĩa rộng là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình. Xét theo ý nghĩa này, quyền sở hữu (vật quyền) cũng là một loại tài sản.

Khi nghiên cứu đối tượng tác động trong chương Các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự, cần chú ý:

Một là, tài sản có thể là hợp pháp nhưng cũng có thể là bất hợp pháp. Tài sản hợp pháp là những tài sản mà chủ thể có được theo quy định của pháp luật, còn tài sản bất hợp pháp có thể là do phạm tội hoặc vi phạm pháp luật mà có. Khi tác động vào những tài sản bất hợp pháp này, người phạm tội vẫn gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, bởi luật hình sự bảo vệ các quan hệ xã hội chứ không phải bảo vệ đối tượng cụ thể, cái mà Nhà nước muốn bảo vệ ở đây là trật tự, ổn định của xã hội mà Nhà nước mong muốn thiết lập. Hành vi xâm phạm vào những đối tượng cụ thể đã xâm phạm vào những quan hệ xã hội được bảo vệ.

Hai là, tài sản có thể là tài sản của cá nhân hoặc Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, nếu chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước mà họ có trách nhiệm quản lý thì sẽ phạm tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật Hình sự).

Mặt khách quan của các tội xâm phạm sở hữu

Hành vi khách quan của các tội xâm phạm sở hữu được thể hiện ở các dạng sau đây:

Hành vi chiếm đoạt tài sản là người phạm tội cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác thành tài sản “của mình”… Hành vi chiếm đoạt bao giờ cũng thể hiện bằng hành động tích cực, cụ thể và luôn là cố ý trực tiếp, mong muốn biến tài sản của người khác thành tài sản của mình.

Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi chiếm tài sản của chủ thể đã mất khả năng thực tế quản lý tài sản, cũng được thể hiện bằng sự chuyển dịch tài sản từ chủ thể khác, chủ thể quản lý tài sản đã mất khả năng thực tế thực hiện quyền chiếm hữu đối với tài sản. Ở đây, chủ thể phạm tội khẳng định sự mong muốn chiếm hữu tài sản không phải của mình bằng việc tỏ những thái độ định đoạt với tài sản kể trên.

Hành vi sử dụng trái phép là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà khai thác giá trị, giá trị sử dụng các tài sản mà không được phép, không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người có chức năng quản lý về nghiệp vụ đối với loại tài sản bị khai thác trái phép đó.

Hành vi hủy hoại, làm hư hỏng, làm mất mát, lãng phí tài sản là những hành vi được thể hiện thông qua đối tượng tác động làm mất hoàn toàn giá trị, giá trị sử dụng của tài sản (hủy hoại); làm mất giá trị từng phần có thể khôi phục được (làm hư hỏng); làm thất thoát gây thiệt hại cho chủ sở hữu...

Các hành vi xâm phạm sở hữu có thể được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động. Riêng các tội phạm có tính chất chiếm đoạt chỉ có thể được thực hiện bằng hành động. Cách thức và hình thức chiếm đoạt rất đa dạng và được mô tả, khái quát thành những tội danh cụ thể.

Bộ luật Hình sự đã định lượng giá trị tài sản bị xâm hại tùy theo tính chất từng tội phạm - giá trị tài sản bị xâm hại là dấu hiệu định tội (có tội hoặc không có tội) trở thành căn cứ xác định tính chất từng tội phạm và quy định các khung hình phạt. Tuy nhiên, đối với một số tội phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao, các điều luật không quy định mức khởi điểm của giá trị tài sản để xử lý hình sự, chỉ quy định giá trị tài sản ở những cấu thành tăng nặng. Đối với những tội phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội khác nhau thì mức “khởi điểm” giá trị tài sản để xử lý hình sự cũng khác nhau.

Các dấu hiệu khác trong mặt khách quan của tội phạm như công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm... không phải là dấu hiệu bắt buộc trừ trường hợp luật định ở những cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

Mặt chủ quan của các tội xâm phạm sở hữu

Đa số các tội xâm phạm sở hữu được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích và động cơ phạm tội có thể là vụ lợi nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Chủ thể của các tội xâm phạm sở hữu

Các tội phạm xâm phạm sở hữu đều do các chủ thể có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, đạt độ tuổi theo luật định, cụ thể đối với các tội phạm quy định từ Điều 168 đến Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015.

Cách phân loại

Căn cứ vào đặc điểm của hành vi khách quan và những dấu hiệu trong mặt chủ quan có thể chia các tội xâm phạm sở hữu thành 3 nhóm: các tội phạm có tính chất chiếm đoạt gồm 8 tội danh: tội cướp tài sản (Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); tội cướp giật tài sản (Điều 171); tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175); các tội không có tính chất chiếm đoạt gồm 2 tội danh: tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176); tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177); các tội không có tính vụ lợi, không chiếm đoạt gồm 3 tội danh: tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178); tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179); tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180).

Việc nhận thức đúng các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội xâm phạm sở hữu và cách phân loại giúp cho việc xác định đúng tội danh, tránh được sự nhầm lẫn giữa các tội danh. Đặc biệt đối với các cơ quan có thẩm quyền trong điều tra chứng minh tội phạm được chính xác, bảo đảm xử lý đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.

Nguyễn Trường Giang