/ Góc nhìn
/ Giáo dục không nên chỉ được tiến hành từ phía đúng, phía hay, phía chính nghĩa

Giáo dục không nên chỉ được tiến hành từ phía đúng, phía hay, phía chính nghĩa

21/01/2021 03:34 |

(LSVN) - Chuyên gia giáo dục nhận định, khi chúng ta đưa ra một đề bình luận văn học, chúng ta thường suy nghĩ theo quan niệm của chính mình. Tuy nhiên, giáo dục không nên chỉ được tiến hành từ phía đúng, phía hay, phía chính nghĩa. Việc đưa ra các hiện tượng đa chiều trong xã hội là để trẻ suy nghĩ, phát biểu ý kiến và thậm chí, chỉnh sửa hành vi và quan niệm chưa thật chuẩn cũng là điều nên làm.

Sau câu chuyện sai sót SGK Tiếng Việt Lớp 1, việc ra đề thi gắn liền với những sự kiện xã hội gần đây đang gây ra không ít xôn xao trong dư luận.

Ngoài việc ra đề văn cho học sinh theo bài hát của nam ca sĩ Đen Vâu cho tới những bài văn phân tích chính trị qua câu nói của Tổng thống Donald Trump đều cho thấy hiệu ứng tích cực cũng như những bài bình luận có giá trị thực, gần gũi và gắn liền với xã hội ngày nay.

Đề thi Ngữ văn cuối học kỳ I dành cho học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Hưng Yên đã trích lời bài hát trong ca khúc "Đi về nhà" của ca sĩ Đen Vâu.

Thì trong một số trường hợp cá biệt, việc lạm dụng kiểu ra đề trên đã dẫn tới nhiều sự phản ứng trái chiều. Cụ thể, mới đây, trong phần đọc hiểu đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I của Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê, Gia Lai đã trích 1 câu chuyện được cho là không trong sáng và có phần dung tục.

"Mẹ chồng và con dâu nhà kia chẳng may đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu “Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu”. Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: “Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn”.

Một nữ giáo viên dạy Văn ở TP. HCM sau khi đọc đề đã rất bất bình. Giáo viên này cho rằng, ngữ liệu của đề thi là không thể chấp nhận được.

Theo nữ giáo viên nhận định thì đây là một đề thi cẩu thả, chứng tỏ giáo viên ít đầu tư cho chuyên môn và ít đầu tư trong cách thức ra đề thi.

Được biết, sau khi xem xét, Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê xác định, mức độ vụ việc chưa đến mức kỷ luật nên đã kiểm điểm giáo viên ra đề và đồng thời yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc.

Đề thi đưa ngữ liệu mẹ chồng ngoại tình.

Trong khi đó, cùng vấn đề trên, một đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 cấp thành phố Hà Nội cũng đã có ý kiến trái chiều với chi tiết "Khóc giùm".

“Cô bé đi học về muộn, cha mẹ rất lo lắng. Khi thấy con gái về người mẹ nhẹ nhàng hỏi: Con đã đi đâu và làm gì? Con dừng lại giúp bạn con ạ! Xe đạp của bạn ấy bị hỏng- cô bé trả lời. Nhưng con đâu có biết sửa xe đạp. Đúng ạ! Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc”.

Sau khi đọc xong đề thi trên, một giáo viên dạy Ngữ văn có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, đề thi lấy một câu chuyện dẫn link là không đúng vì đường link có thể biến mất. Và sự thật, khi người đọc kiểm tra thì đây có thể là đường link 'ma'. Thứ hai là thật vô lý khi lại đưa một trích đoạn trong đó có ngữ liệu “giúp bạn khóc”, một điều chưa từng có trong văn học và đời sống vào đề thi học sinh giỏi.

Giáo dục không nên chỉ được tiến hành từ phía đúng, phía hay, phía chính nghĩa

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, hiện nay, thanh niên Việt Nam được đánh giá là ít phản hồi, không biết chia sẻ các ý kiến khi được hỏi đến và vấn đề nằm ở chính cách giáo dục của gia đình cùng nhà trường.

Có thể thấy, việc chú trọng giáo dục trẻ về mọi phương diện để trẻ phát triển hoàn chỉnh là việc hết sức nên làm.

“Khi chúng ta đưa ra một đề bình luận văn học, chúng ta thường suy nghĩ theo quan niệm của chính mình. Tuy nhiên, giáo dục không nên chỉ được tiến hành từ phía đúng, phía hay, phía chính nghĩa. Việc đưa ra các hiện tượng đa chiều trong xã hội là để trẻ suy nghĩ, phát biểu ý kiến và thậm chí, chỉnh sửa hành vi và quan niệm chưa thật chuẩn cũng là điều nên làm. Vì thế, các đề văn gợi mở rất nên được phát huy”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho hay.

Với câu chuyện được trích nằm trong phần đọc hiểu đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I của Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê, Gia Lai đã nhận được nhiều ý kiến là không trong sáng và có phần dung tục. Về vấn đề này, Tiến sĩ Hương cho rằng, việc giáo dục nâng cao ý thức có thể đến từ phía nêu lên các hiện trạng không ổn, không đẹp để thay đổi quan niệm và hành động hướng tới đích tốt đẹp hơn.

Có thể câu chuyện đưa trong đề văn được đánh giá là dung tục, không trong sáng nhưng thực tế nó lại là một mảnh ghép trong cuộc sống. Từ đó, nó có thể cho học sinh biết rằng cuộc sống này cũng có mảng sáng, tối và đề nghị các em học sinh đưa ra những ý kiến của bản thân mình trước vấn đề gặp phải.

“Biết rằng, đề bài có thể hay, có thể dở nhưng sẽ tạo cho các em năng lực tư duy phản biện. Đây không hoàn toàn là điều xấu mà nên làm”, Tiến sĩ Hương chia sẻ.

Còn đối với câu chuyện “Khóc giùm”, chuyên gia giáo dục nhận định, đây được xem là câu chuyện vô thưởng vô phạt nhưng lại phản ánh đúng thực tế trong một số tình huống.

Việc trẻ không ở lại giúp bạn chữa xe nhưng ở lại cho bạn đỡ sợ cũng là điều hoàn toàn nên làm. Và các phản ứng của cha mẹ trong từng tình huống cũng có thể tạo ra các hành động, quan niệm, thậm chí là cả tính cách của trẻ.

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội năm 2021.

"Theo đó, việc bàn luận về chủ đề này có thể sẽ giúp học sinh mở rộng được cái nhìn đa chiều và thực tế hơn. Các dạng đề bài như thế này, học sinh có thể nâng cao tư duy phản biện, mở rộng tầm nhìn và định hướng hành động phù hợp. Rõ ràng, các đề văn cần được cởi mở đa chiều và việc này không nên hạn chế bằng quan niệm của người lớn", Tiến Sĩ Vũ Thu Hương cho hay.

LÂM HOÀNG

Dự án Athena Complex Xuân Phương và những nút thắt cần được tháo gỡ

Lê Minh Hoàng