Ảnh minh họa.
Theo chương trình, trong đợt 2 Kỳ họp thứ 6 vào ngày 27/11, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Căn cước. Đây là tên gọi mới sau khi sửa Luật Căn cước công dân.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào nội dung quy định thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho hay, khoa học hiện nay đã chứng minh cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.
Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt (nơi xác định màu mắt của con người), hiện đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực.
Hiện nay nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website... Đồng thời công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp.
Do đó, bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (với các trường hợp khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng do các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan). Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Trước đó, trong dự thảo Luật Căn cước đã đề xuất quy định 05 thông tin về sinh trắc học được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói.
Theo đó, thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người dân.
Khi làm thủ tục cấp căn cước, người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp căn cước.
Dự thảo Luật quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói chỉ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp.
Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hay thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trước đó, cũng nêu ý kiến về nội dung này tại phiên thảo luận của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước ngày 25/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp.
Theo Đại biểu, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát.
Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.
TRẦN VŨ
Rà soát văn bản gỡ khó cho bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp