Ảnh minh họa.
Ngày 05/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cho rằng, dự thảo Luật đã quy định khá chi tiết về xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng hay do doanh nghiệp đầu tư xây dựng cũng như quản lý vận hành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đại biểu cho rằng đây là những sửa đổi, bổ sung mới, rất tích cực.
Đại biểu dẫn chứng, chính sách nhà ở xã hội của Singapore là một ví dụ thành công về mô hình nhà ở xã hội. Chính sách đảm bảo cả xã hội được hưởng quyền lợi về nhà ở và khoảng 85% dân số của Singapore sống trong nhà ở công.
Từ đó, Đại biểu nêu rõ, cần phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối. Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định bố trí tỉ lệ diện tích đất nhất định (theo quy định của luật hiện hành là 20%) trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội...
Đại biểu cũng đồng tình với quy định tại Điều 84 về xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng. Trên cơ sở tính đủ chi phí của nhà đầu tư và tỉ lệ lợi nhuận hợp lý vào giá bán để thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do khả năng đảm bảo quỹ đất, giá cả nguyên vật liệu và nguồn nhân lực cho các dự án nhà ở xã hội ở mỗi địa phương cũng khác nhau.
Do đó, Đại biểu ủng hộ việc ghi vào Luật tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội. Bởi vì chỉ khi đó đối tượng của Nhà ở xã hội mới có thể tiếp cận, hay lựa chọn được nhà ở với diện tích hợp lý, chất lượng xây dựng với giá cả phải chăng.
Ngoài ra, Đại biểu Tạ Thị Yên cũng đề nghị, khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế thì cần tính toán đến khả năng mua/thuê nhà ở xã hội. Thậm chí, có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để các doanh nghiệp có nhiều công nhân chưa có chỗ ở có thể đóng góp vào quỹ để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động.
Liên quan đến vấn đề này, theo Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương), về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, khoản 6, Điều 73, dự thảo Luật quy định công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Đại biểu cho rằng, hiện nay, các cụm doanh nghiệp đang xuất hiện nhiều, phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động. Để đảm bảo đủ điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, cần bổ sung thêm đối tượng công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.
Đại biểu phản ánh thực tế hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp đều được triển khai, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014. Việc đáp ứng nhu cầu thuê của doanh nghiệp, công nhân là việc rất quan trọng.
Về đất để xây dựng nhà ở xã hội, khoản 3, Điều 80 trong dự thảo Luật có quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc dành một tỉ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi địa bàn.
Đại biểu cho rằng, quy định này chưa rõ ràng, chưa định lượng cụ thể được dành “tỉ lệ nhất định” là bao nhiêu, dẫn đến không thống nhất trong triển khai thực hiện. Vì vậy, cần quy định rõ tỉ lệ cụ thể để đảm bảo tính rõ ràng trong văn bản pháp luật, giúp các địa phương triển khai một cách nhất quán, đồng bộ.
Cùng có ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho rằng, việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cần có sự tham gia của UBND cấp tỉnh để đảm bảo điều kiện nhà ở cho người dân địa phương. Đồng thời, cũng cần có mức độ can thiệp hợp lý, không hành chính hóa thái quá, can thiệp quá sâu dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển của thị trường bất động sản của địa phương.
Theo đó, Đại biểu đề nghị rà soát các kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đối chiếu với các loại quy hoạch đang thực hiện như quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch tỉnh để đảm bảo hài hòa, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đại biểu cho biết, Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến đã nêu trong phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, quy định trong dự thảo Luật cơ bản khắc phục được những vướng mắc hiện tại.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng.
NGUYÊN VŨ