(LSVN) - Đình chỉ, tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn là những biện pháp áp dụng trong một số trường hợp cần thiết và có căn cứ pháp luật. Vậy, theo quy định, người có chức vụ, quyền hạn có thể bị đình chỉ, tạm đình chỉ công tác trong những trường hợp nào?.
Tạm đình chỉ công tác khi xem xét, xử lý kỷ luật
Căn cứ Khoản 1 Điều 81 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.
Đình chỉ, tạm đình chỉ công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng cũng có thể bị tạm đình chỉ công tác. Cụ thể tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/07/2029 quy định định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng. Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2015 đã giải thích rõ khái niệm "Tham nhũng", theo đó: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi".
Về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước được quy định tại Điều 41 Nghị định 59/2019/NĐ-CP. Cụ thể, trường hợp người bị tạm đình chỉ công tác là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Về căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ, Điều 43 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác, cụ thể việc quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc.
Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định về căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có văn bản yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân;
- Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng;
- Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng;
- Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham những là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.(Điều 47 Nghị định 59/2019/NĐ-CP).
Tùy thuộc vào việc đình chỉ, tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật hoặc khi có căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng mà căn cứ ban hành quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức là khác nhau.
HỒNG HẠNH