Việc định tội danh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự, ảnh hưởng trực tiếp đến người bị buộc tội và định tội danh sai là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai, hủy án… trong tố tụng hình sự. Có thể nói, định tội danh là tiền đề cho mọi hoạt động tố tụng hình sự từ xác định thẩm quyền và các hoạt động tố tụng khác trong điều tra, truy tố, xét xử đến phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt. Tuy nhiên, các vụ án mà dấu hiệu khách quan của tội phạm không rõ ràng và có sự chồng lấn giữa các tội dẫn đến gây khó khăn, lúng túng dẫn đến nhầm lẫn trong định tội danh của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vụ án sau đây là một ví dụ.
Nội dung vụ án
Chiều tối, ngày 07/05/2020, Phạm Văn K. tổ chức liên hoan khao mua xe mới với 01 nhóm bạn thân. Sau khi đã uống nhiều rượu, bia Phan Thanh B. (một người trong nhóm bạn của K.) mời mọi người đi hát Karaoke và gọi Nguyễn Phúc T. ra để bàn bạc và nhờ đi mua ma tuý về để mời mọi người sử dụng nhân ngày sinh nhật của B. K. rủ thêm một số đối tượng khác đến quán karaoke để sử dụng ma túy. Sau khi T. mua ma tuý gồm thuốc lắc và Ketamin về có đưa cho K. K. chia thuốc lắc cho mỗi người 01 viên trong đó có B. Hậu quả là sau khi sử dụng thuốc lắc, B. có biểu hiện tím tái và đã tử vong tại bệnh viện. Khi khám nhiệm hiện trường, Cơ quan điều tra thu giữ 01 viên nén màu xanh có khối lượng 0,33g sau khi giám định cho kết quả là ma tuý MDMA. Ngoài ra, quá trình giám định pháp y tử thi cho kết quả nguyên nhân tử vong của B. là do sốc ma tuý.
Các quan điểm khác nhau trong định tội danh
Quan điểm thứ nhất: K. phạm tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý" với tình tiết tặng nặng định khung là gây chết người theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 255 Bộ luật Hình sự (BLHS) vì xác định hành vi chia thuốc của K. cho B. là hành vi “cung cấp trái phép chất ma túy” cho B. sử dụng theo Điều 6.1 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 (được sửa đổi bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015) (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 17) hướng dẫn chi tiết về đồng phạm của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy:... cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy…”.
Quan điểm thứ hai: K. phạm tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" với tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội đối với 02 người trở lên theo điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS vì hành vi K. rủ một số đối tượng đến địa điểm đã được B. định sẵn đề sử dụng ma túy. Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu định tội theo hướng dẫn tại Điều 6.1 Thông tư liên tịch số 17 nêu trên hướng dẫn chi tiết về đồng phạm của tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy": “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: … tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ”.
Quan điểm thứ ba: Các đối tượng này cùng là người nghiện ma tuý và việc sử dụng ma tuý là tự nguyện rủ nhau để cùng sử dụng do đó có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự về "Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý" (nếu thỏa mãn về trọng lượng theo Điều 249 BLHS) hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý do BLHS đã bỏ quy định về "Tội sử dụng trái phép chất ma túy" theo quy định tại điểm a Điều 6.2 Thông tư liên tịch số 17.
Quan điểm của nhóm tác giả
Thứ nhất, K. có hành vi rủ rê một số đối tượng đến tụ điểm để cùng nhau sử dụng ma túy đã thỏa mãn dấu hiệu định tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" theo hướng dẫn tại hướng dẫn tại Điều 6.1 về hành vi “tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ”. Do đó, quan điểm thứ 3 là không có cơ sở.
Thứ hai, sự khác nhau của quan điểm thứ nhất và thứ hai ở chỗ xác định hành vi của K. chia ma túy cho B. có phải là hành vi “cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác” hay không? Theo chúng tôi, hành vi “Cung cấp trái phép chất ma tuý” hiện chưa có văn bản pháp luật có hiệu lực nào giải thích cụ thể.
Tuy nhiên, theo Từ điển Tiếng việt, Viện Ngôn ngữ, Chủ biên Giáo sư Hoàng Phê giải nghĩa từ “cung cấp” là: đem lại, làm cho có thứ cần để sử dụng. Dựa trên định nghĩa này, chúng tôi cho rằng hành vi “cung cấp trái phép chất ma tuý” cần được hiểu là hành vi có ý nghĩa quyết định đến việc có hay không chất ma tuý để các cá nhân cùng tổ chức sử dụng. Trong vụ án đã nêu, K. nhận ma tuý từ T. (một cá nhân trong nhóm tham gia sử dụng ma tuý) để đưa lại cho các cá nhân trong nhóm, về bản chất, hành vi của K. là trung gian để chất ma tuý được chuyển từ T. sang cho từng cá nhân có mặt trong nhóm chứ không quyết định đến việc có hay không có ma tuý để cả nhóm sử dụng.
Mặt khác, cần nhận thức rõ K. tham gia vụ án ngoài hành vi rủ rê người khác tham gia sử dụng trái phép chất ma túy thì K. và các đối tượng khác cũng là người sử dụng trái phép chất ma túy. Điều này được thể hiện ở việc các đối tượng có mặt ở quán karaoke, do đó khi T. mang ma túy về dù K. có chia hay không thì các thành viên cũng đều sẽ sử dụng chỉ khác là cách thức họ lấy lượng ma túy từ T. như thế nào mà thôi (và không loại trừ trường hợp mỗi người tự lấy lượng ma túy cho riêng mình). Do đó, hành vi tổ chức sử dụng chất ma túy của K. bắt đầu từ khi K. nhận yêu cầu của B. về việc rủ một số đối tượng đến tụ điểm karaoke để cùng sử dụng ma túy và kết thúc khi các thành viên đó có mặt tại tụ điểm còn các hành vi nối tiếp sau là “quy trình” của nhóm sử dụng trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, chỉ dựa vào kết quả giám định tử thi trong máu và nước tểu của nạn nhân có chứa ma tuý MDMA mà không xác định hàm lượng ma túy bao nhiêu để kết luận nguyên nhân tử vong do sốc ma tuý là chưa toàn diện, khách quan và chưa đầy đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi của K. và hậu quả là B. tử vong. Vì vậy, chúng tôi cho rằng chưa đủ căn cứ để nhận định và xử lý trách nhiệm hình sự (TNHS) của K. về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý theo quy định tại khoản 3 Điều 255 BLHS.
Một số khuyến nghị
Đối với vụ án thuộc những trường hợp "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" có các đồng phạm đồng thời là người sử dụng trái phép chất ma túy, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có trình độ lý luận cơ bản và vững chắc, trên cơ sở đánh giá, phân tích, tổng hợp từng yếu tố của vụ án và lựa chọn, giải thích, áp dụng các văn bản quy định pháp luật liên quan một cách chính xác.
Thứ nhất, cần xác định các chứng cứ vật chất liên quan đến các hành vi mang tính định tội trong một loạt các hành vi như: i) hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;ii) hành vi cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; iii) hành vi chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; iv) hành vi chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); v) hành vi chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; vi) hành vi tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.
Thứ hai, khi giải quyết vụ án cần tiến hành giám định tình trạng nghiện ma tuý của các đối tượng để phục vụ cho việc điều tra, giải quyết vụ án. Theo hướng dẫn tại điểm a Điều 6.2 mục II của Thông tư liên tịch 17 hướng dẫn: “Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt: Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" hoặc tội "Sử dụng trái phép chất ma túy”.
Thứ ba, trong trường hợp có người sử dụng trái phép chất ma túy chết cần làm rõ loại chất ma túy đã sử dụng, nồng độ ma túy có trong máu, nước tiểu của tử thi và tiến hành đối chiếu với hàm lượng chất này mà cơ thể của một người bình thường có thể chịu đựng. Đồng thời đánh giá tác động của các dấu vết khác trên tử thi đến nguyên nhân tử vong của nạn nhân tránh trường hợp kết luận phiến diện, sai lầm trong xác định nguyên nhân chết người của người sử dụng ma túy. Bởi hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp này là tình tiết tăng nặng định khung tại khoản 3 Điều 255 BLHS với khung hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm tương ứng với tội đặc biệt nghiêm trọng.
Trên đây là một vụ án cụ thể và các quan điểm định tội danh khác nhau và đề xuất một số khuyến nghị đến các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án về tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhằm xử lý đúng người đúng tội, tránh oan sai. Đồng thời, cần có sự giải thích và hướng dẫn chi tiết của nhà làm luật đối với hành vi “cung cấp trái phép chất ma túy” được quy định trong Thông tư liên tịch số 17 để tránh trường hợp có nhiều hơn một cách hiểu về cùng một hành vi dẫn đến không đồng nhất trong quá trình áp dụng pháp luật vào các vụ việc thực tế.
Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯỢNG
Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn
NGUYỄN VĂN LÂM
Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội