Ảnh minh họa.
Thứ nhất, đề nghị làm rõ mức độ nghiêm trọng của sự cố thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Tại Khoản 2, Điều 2 dự thảo định nghĩa cụm từ “sự cố” theo hướng đây là sự kiện bất thường do thiên tai, dịch bệnh, con người, hậu quả chiến tranh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại về con người, tài sản, môi trường. Dự thảo chưa đề cập đến mức độ thiệt hại của sự kiện đến cấp độ nào, mức độ nào thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Ví dụ một vụ tai nạn giao thông gây chết người có thuộc trường hợp điều chỉnh của dự thảo Luật này hay không. Nếu chỉ hiểu theo câu chữ trong dự thảo vụ việc tai nạn giao thông cũng đã thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự và như vậy chưa phù hợp. Đoàn đề xuất dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh khi sự cố đó gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thứ hai, đề nghị bỏ đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn ra khỏi nhóm đối tượng dễ bị tổn thương được quy định trong dự thảo.
Vì người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn không phải luôn luôn là chủ thể yếu thế, dễ gặp bất lợi, tổn hại hơn so người, nhóm người khác trong một số trường hợp cụ thể. Ví dụ, khi có thảm họa tự nhiên như bão, lũ, động đất người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn hoặc người không phải là người dân tộc thiểu số cùng sinh sống và tại khu vực đó cùng bị ảnh hưởng và sẽ cùng phải được hoặc bị áp dụng các biện pháp tương ứng.
Việc quy định người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn mặc nhiên là đối tượng dễ bị tổn thương có mang tính chất phân biệt đối xử giữa các dân tộc, thiếu sự bình đẳng. Trong một số trường hợp cụ thể nếu cần phải xem xét người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn là đối tượng yếu thế chúng ta có thể vận dụng thuộc trường hợp khác mà dự thảo Luật đã quy định.
Thứ ba, đề nghị bổ sung nguyên tắc: Bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân vào dự thảo.
Điều 1 của dự thảo Luật đã quy định rõ: Phòng thủ dân sự bao gồm yếu tố bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Mặt khác, khi thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự có thể sẽ trực tiếp áp dụng các biện pháp hạn chế, can thiệp vào quyền dân sự của tổ chức, cá nhân.
Do vậy, để làm rõ hơn bản chất, mục đích của biện pháp phòng thủ dân sự là để bảo vệ quyền lợi ích của đất nước, người dân, đồng thời, để hạn chế, ngăn ngừa sự tùy tiện có thể có, Đoàn kiến nghị bổ sung vào dự thảo Luật nguyên tắc hoạt động của công tác phòng thủ dân sự: Bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Thứ tư, đề nghị bỏ hoặc cơ cấu lại Điều 5 dự thảo.
Nhiều quy định tại điều luật không phù hợp với nguyên tắc xây dựng pháp luật và kỹ thuật lập pháp chưa phù hợp. Cụ thể, khoản 1 dự thảo quy định áp dụng theo luật này và luật khác có liên quan. Quy định như vậy vừa thừa, vừa thiếu vì khi đã là luật đương nhiên. Khoản 2 dự thảo quy định áp dụng theo luật khác khi luật đó có quy định về phòng thủ dân sự nhưng lại yêu cầu không trái với nguyên tắc của dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ khó thi hành và rất khó xác định là áp dụng Luật nào thì đúng, ưu tiên áp dụng Luật nào.
Khoản 3 Điều Luật quy định các luật ban hành sau này phải tuân thủ Luật này… là trái quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc ưu tiên luật chung, luật riêng; việc luật sau có hiệu lực,… đã được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đoàn kiến nghị sửa đổi theo hướng bỏ Điều luật này hoặc nếu giữ lại cũng chỉ quy định chung chung theo hướng công việc phòng thủ dân sự áp dụng theo quy định của pháp luật này, trường hợp quy định Luật khác nhau ưu tiên áp dụng theo luật này.
Về hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, Đoàn đề nghị xem xét các biện pháp phòng thủ dân sự ngoài lãnh thổ, phòng thủ từ xa.
PV
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số ý kiến đóng góp về phân loại và định giá đất