Công văn nêu rõ, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội hiện có gần 5.000 Luật sư, đang hành nghề tại gần 1.500 tổ chức hành nghề Luật sư, hoạt động trong phạm vi cả nước. Thông qua hoạt động của mình, Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã và đang góp phần tích cực bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư luôn phải thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án), tiếp xúc với bị can, bị cáo từ giai đoạn điều tra trong trại tạm giam cho đến khi tham gia xét xử tại phiên tòa; tiếp xúc với các cơ quan tổ chức khác, với các tầng lớp nhân dân khi tiến hành các hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý.
Chính vì đặc thù nghề nghiệp đó nên khả năng Luật sư bị lây nhiễm Covid-19 là rất cao, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc tiêm vắc xin Covid-19 cho các thành viên trong Đoàn Luật sư là hết sức cần thiết.
Theo quy định tại Công văn số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ ngày 03/4/2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid 19 thì các tổ chức hành nghề Luật sư được xếp vào diện “các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động”. Tại Quyết định số 1210/2021 ngày 9/02/2021 của Bộ Y tế cũng có quy định “nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu...” cũng là một trong 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi vắc xin về Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, Luật sư không được xếp vào nhóm các đối tượng được tiêm chủng và cho đến thời điểm hiện tại, đội ngũ Luật sư Thành phố cũng chưa được đưa vào diện ưu tiên tiêm chủng trong các đợt tiêm vaccine phòng dịch Covid-19.
Vì vậy, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, Sở Y tế TP. Hà Nội và Hanoi CDC xem xét, giải quyết, bổ sung danh sách ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho toàn bộ Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ Luật sư Thành phố được ưu tiên tiêm chủng trong các đợt tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, tạo điều kiện cho đội ngũ Luật sư Thủ đô an tâm, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
HỒNG HẠNH
Nâng mức phạt về hành vi mua dâm, bán dâm có đủ sức răn đe?
Tiêu chí mới xác định doanh nghiệp công nghệ cao để được hưởng ưu đãi đầu tư
(LSVN) – Quy định mới này đã giới hạn các khoản được tính vào tổng chi cho hoạt động R&D, hạn chế tình trạng doanh nghiệp muốn được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao có thể tùy ý cộng các khoản vào chi phí cho hoạt động R&D.
Ngày nay, hoạt động công nghệ cao luôn là hoạt động được Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao sẽ vừa được hưởng các ưu đãi đầu tư như ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, vừa được xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm,... Với sự quan tâm, ưu đãi “đặc biệt” trên, việc nhận diện “doanh nghiệp công nghệ cao” cũng tương đối quan trọng. Do đó, ngày 16/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao (“Quyết định 10”), thay thế các tiêu chí tại Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 (“Quyết định 19”). Với sự thay đổi này, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn để được coi là “doanh nghiệp công nghệ cao”.
Theo Quyết định 10, bên cạnh những tiêu chí không thay đổi khi xác định doanh nghiệp công nghệ cao như doanh nghiệp phải (i) sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quy định pháp luật, (ii) áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất,... và (iii) có doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp, có 02 tiêu chí thay đổi nổi bật, quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, tiêu chí tỉ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (“R&D”) của doanh nghiệp trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào đã có sự thay đổi lớn.
Cụ thể, việc xác định tỉ lệ này tại Quyết định 19 được phân loại thành 02 trường hợp (i) doanh nghiệp vừa và nhỏ và (ii) doanh nghiệp có nguồn vốn trên 100 tỉ đồng và có tổng số lao động trên 300 người có tỉ lệ tương ứng là 1% và 0,5%. Trong khi đó, Quyết định 10 đã có sự phân định rõ ràng hơn thành 03 trường hợp cùng với việc thay đổi tăng tỉ lệ tổng chi cho hoạt động R&D. Cụ thể, (i) đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỉ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên, tỉ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%; (ii) đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỉ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên, tỉ lệ phải đạt ít nhất 1%; và (iii) với doanh nghiệp không thuộc các trường hợp nêu tại điểm (i) và (ii) trên, tỉ lệ này phải đạt ít nhất 2%.
Bên cạnh đó, việc xác định chi cho hoạt động R&D của doanh nghiệp đã được hướng dẫn cụ thể hơn, bao gồm các khoản chi sau: khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam.
Quy định mới này đã giới hạn các khoản được tính vào tổng chi cho hoạt động R&D, hạn chế tình trạng doanh nghiệp muốn được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao có thể tùy ý cộng các khoản vào chi phí cho hoạt động R&D.
Thứ hai, Quyết định 10 đã thay đổi tiêu chí liên quan đến chất lượng nhân sự. Cụ thể, trước đây quy định số lượng lao động trực tiếp thực hiện R&D có trình độ từ đại học trở lên trên tổng số lao động của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 5% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và 2,5% đối với doanh nghiệp có nguồn vốn trên 100 tỉ đồng và tổng số lao động trên 300 người.
Tuy nhiên, quy định mới chỉ yêu cầu lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên và tỉ lệ số lao động này trên tổng số lao động của doanh nghiệp theo luật mới cũng được chia thành 03 trường hợp: (i) đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỉ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên, tỉ lệ này phải đạt ít nhất 1%; (ii) đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỉ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên, tỉ lệ phải đạt ít nhất 2,5%; và (iii) đối với doanh nghiệp không thuộc cả hai trường hợp trên phải đạt tỉ lệ ít nhất 5%.
Nhìn chung, việc thay đổi các tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao nêu trên giúp góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có mức vốn, năng lực đầu tư công nghệ cao hạn chế thì khó có thể đạt được tiêu chí về tỉ lệ chi R&D cũng như chất lượng nhân sự. Ngay cả những “người khổng lồ” trong ngành công nghệ cao như LG hay Samsung cũng đang phải nỗ lực trong việc tăng chi phí R&D để duy trì “danh hiệu” doanh nghiệp công nghệ cao bằng cách xây dựng các trung tâm R&D lớn tại Việt Nam,...
Công ty Luật TNHH TGT
Các trường hợp chưa được thay đổi nơi cư trú
Bàn về người giám hộ trong tố tụng hình sự
(LSVN) - Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam không có chế định người giám hộ. Người giám hộ không phải là người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, pháp luật có quy định người giám hộ có thể là người đại diện của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập đến một số quy định của pháp luật về người giám hộ của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi và những vướng mắc, bất cập trong xác định người giám hộ.
Quy định của pháp luật về người giám hộ là người đại diện của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi thì ngoài cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, người do tòa án chỉ định thì người giám hộ có thể là người đại diện của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi (bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng). Người giám hộ của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi bao gồm người giám hộ đương nhiên hoặc người được ủy ban nhân dân cấp xã nơi người dưới 18 tuổi cư trú cử hoặc tòa án chỉ định theo quy định tại các Điều 46, 47, 48, 52 và 54 Bộ luật Dân sự.
Về người giám hộ đương nhiên
Theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Dân sự, người chưa thành niên (hay người dưới 18 tuổi) nếu có yêu cầu người giám hộ thì có người giám hộ đương nhiên trong những trường hợp sau:
- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
- Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con.
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo thứ tự quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự, cụ thể như sau:
- Trường hợp thứ nhất: Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
- Trường hợp thứ hai: Nếu không có người giám hộ là anh cả hoặc chị cả hoặc anh ruột hoặc chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
- Trường hợp thứ ba: Nếu không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Như vậy, tùy trường hợp mà xác định ai là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên. Cần lưu ý là chỉ trong trường hợp thứ nhất, người giám hộ đương nhiên là 01 người (anh cả hoặc chị cả). Các trường hợp còn lại thì bao gồm tất cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột. Những người này có quyền thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ đương nhiên.
Về người giám hộ được ủy ban nhân dân cấp xã cử
Nếu người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và không có người giám hộ đương nhiên thì ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cử người giám hộ cho họ. Việc cử người giám hộ của người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ. Trường hợp cử người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người chưa thành niên.
Về người giám hộ do tòa án chỉ định
Theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Dân sự thì tòa án có trách nhiệm chỉ định người giám hộ của người chưa thành niên trong những trường hợp sau:
Khi có tranh chấp giữa những người giám hộ
Khi có sự tranh chấp về người giám hộ giữa những người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự thì tòa án sẽ chỉ định người giám hộ. Đối với người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì khi tòa án chỉ định người giám hộ cho họ phải xem xét nguyện vọng của người này.
Khi có tranh chấp về việc cử người giám hộ
Trong quá trình ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên cứ trú cử người giám hộ cho người chưa thành niên mà xảy ra tranh chấp việc cử người giám hộ thì tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên.
Thực tiễn thực hiện việc xác định người giám hộ của người chưa thành niên
Qua thực tiễn xét xử và áp dụng pháp luật về người giám hộ của người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự, tác giả thấy có những khó khăn, vướng mắc như sau:
Thời hạn điều, truy tố, xét xử đã hết mà tòa án chưa chỉ định người giám hộ
Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến người chưa thành niên có trường hợp tòa án phải chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nhưng thời hạn điều, truy tố, xét xử đã hết thì giải quyết như thế nào. Hiện nay, có quan điểm cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng trong mỗi giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sẽ tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án để chờ tòa án có thẩm quyền chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 và khoản 1 Điều 281 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc tạm đình chỉ điều tra hay tạm đình chỉ vụ án không có trường hợp chờ tòa án chỉ định người giám hộ.
Một người thực tế nuôi dưỡng người chưa thành niên từ nhỏ nhưng không làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi theo quy định pháp luật thì có được làm người giám hộ đương nhiên không?
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự trước tiên là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi. Thực tiễn có trường hợp người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi không còn cha mẹ đẻ nhưng có người khác nhận nuôi từ nhỏ. Tuy nhiên, việc nuôi con nuôi không thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật thì có được làm người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi không. Vấn đề này hiện cũng còn quan điểm khác nhau do nhận thức khác nhau. Có quan điểm cho rằng trường hợp này cha mẹ nuôi thực tế có quan hệ nuôi dưỡng người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi từ nhỏ nên được xác định là người giám hộ đương nhiên của họ. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại. Điều này gây khó khăn trong việc xác định người giám hộ đương nhiên của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi trong một số vụ án hình sự hiện nay.
Người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi có nơi đăng ký thường trú và nơi thường xuyên sinh sống khác nhau thì việc cử người giám hộ cho họ thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 thì nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi đăng ký thường trú một nơi nhưng sinh sống một nơi (có đăng ký hoặc không có đăng ký tạm trú). Như vậy, trong trường hợp này thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi đăng ký thường trú hay nơi thường xuyên sinh sống có trách nhiệm cử người giám hộ cho họ. Thực tiễn vẫn còn nhận thức khác nhau về vấn đề này.
Tòa án chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng chưa thành niên theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Mặc dù pháp luật có quy định về việc tòa án chỉ định người giám hộ, nhưng hiện nay thì pháp luật không có quy định cụ thể nào về trình tự, thủ tục để tòa án chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Từ đó, phát sinh khó khăn cho tòa án trong việc chỉ định ai là người giám hộ. Hoặc là khi có sự tranh chấp về thẩm quyền giữa các tòa án trong việc chỉ định người giám hộ thì trình tự, thủ tục giải quyết như thế nào?
Thế nào là cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Dân sự, người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì có người giám hộ đương nhiên. Tuy nhiên, thế nào là đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể. Đây cũng là khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác định người giám hộ đương nhiên cho người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi.
Việc xác định người giám hộ của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, để xác định đúng người đại diện hợp pháp cho người tham gia tố tụng là người dưới 18, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của người chưa thành niên. Thiết nghĩ những vướng mắc trên cần được Tòa án nhân dân tối cao hoặc các cơ quan tư pháp Trung ương sớm hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.
DƯƠNG TẤN THANH
Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh