/ Tin nổi bật
/ Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt: Chào mừng Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III

Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt: Chào mừng Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tiếp nối thành công của những ấn phẩm trước đó, hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (2021-2026), Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt tháng 12/2021 với những bài viết vô cùng đặc sắc của các tác giả là những Luật sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu,… về nghề Luật sư; các vấn đề kinh tế, xã hội; các vấn đề pháp lý đang được quan tâm.

Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III là dấu mốc quan trọng của giới Luật sư Việt Nam, trên cơ sở Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, được sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp các ngành, sau một thời gian chuẩn bị, theo kế hoạch, Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III sẽ chính thức diễn ra từ ngày 25-26/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội. 

Với tôn chỉ, mục đích là phản ánh hoạt động nghề nghiệp của giới Luật sư, hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, Tạp chí Luật sư Việt Nam ra mắt số đặc biệt tháng 12/2021 với nhiều nội dung mới, đặc sắc chào mừng Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (2021-2026). 

Trước thềm Đại hội, Phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cơ quan được giao thống nhất quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư trong toàn quốc về một số kết quả hoạt động nhiệm kỳ qua của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và định hướng quản lý, phát triển nghề Luật sư trong thời gian tới với bài viết "Tiếp tục coi trọng công tác bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn và tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp Luật sư".

Bài viết với những chia sẻ, đánh giá của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu về nhiệm kỳ II của Liên đoàn Luật sư Việt Nam - một nhiệm kỳ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó công tác xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư cả về số lượng và chất lượng ngày càng được quan tâm hơn. Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kiến nghị một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần tập trung.

Luật sư, Tiến sĩ Luật học Phan Trung Hoài là một trong 67 Luật sư đầu tiên gia nhập Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh (10/1989), kiêm nhiệm Trưởng ban Chính trị xã hội Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Năm 1995, ông chuyển sang hoạt động Luật sư chuyên nghiệp. Hiện ông là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ Tòa án nhân dân tối cao.

Là một Luật sư giàu kinh nghiệm nghề và có nhiều thời gian gắn bó với hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hướng đến chào mừng Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, ông gửi đến độc giả Tạp chí Luật sư Việt Nam đôi điều tâm sự về nghề qua bài viết "Được trưởng thành trong nghề nghiệp là một cơ duyên lớn...".

Với 12 năm làm việc gắn bó với Liên đoàn, nhân dịp Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư kí Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhớ lại một vài kỷ niệm như một lời tâm sự gửi đến các Luật sư đồng nghiệp qua bài viết "Vài kỷ niệm khó quên".

Việc xây dựng mối quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các tổ chức Luật sư quốc tế, tổ chức Luật sư các nước đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc xác định cần phải thực hiện song song cùng với các nhiệm vụ quan trọng khác của Liên đoàn. Chủ trương của Liên đoàn là mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế nhưng phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bài viết "Quan hệ và hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Hai nhiệm kỳ xây dựng và phát triển" của Tiến sĩ, Luật sư Lưu Tiến Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế - Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã làm rõ vấn đề này.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Quá trình công tác, ông đã góp phần tích cực trong xây dựng Luật Doanh nghiệp; bộ Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của 14 bộ (MEI). Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của Luật sư Trần Hữu Huỳnh đã góp phần đưa cộng đồng doanh nghiệp trở thành một bộ phận quan trọng trong việc tham gia xây dựng và thi hành pháp luật. Trước thềm Đại hội nhiệm kỳ III của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, với tư cách là Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Luật sư Trần Hữu Huỳnh có một số ý kiến về mối quan hệ giữa Luật sư và doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến sự tương tác hỗ trợ để cùng phát triển giữa hai chủ thể này qua bài viết  "Vài gợi ý nhỏ cho một định hướng lớn"

Ngoài ra, còn có những bài viết hấp dẫn khác của các Luật sư hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (2021-2026), như: "Chuyển đổi số là phương tiện đưa nghề Luật sư về đích nhanh và bền vững nhất" của Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang;"Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư" của Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa; "Luật sư Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" của Tiến sĩ Châu Huy Quang, Luật sư điều hành RAJAH & TANN LCT LAWYERS,...

Để làm rõ hơn nguyên nhân, bất cập và đề xuất các giải pháp tháo gỡ và định hướng cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị để Nhà nước, hệ thống ngân hàng kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định, trình tự, thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 20/12, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề: “Tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19”.

Chương trình Tọa đàm, có sự tham gia của các chuyên gia, Luật sư và các doanh nghiệp: PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính; ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; TS. Luật sư Ngô Ngọc Diễm – Công ty Luật Thinksmart; bà Hoàng Thám Hoa - Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Địa hóa Ô tô 1-5.

Bài viết "Tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19" với những nội dung thông tin hấp dẫn tại buổi Tọa đàm. Những ý kiến phân tích, đánh giá tại buổi Tọa đàm hi vọng sẽ đóng góp đối với các cơ quan Nhà nước trong việc xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, đưa nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới.

Tại chuyên mục Diễn đàn với chủ đề cải cách hành chính với những bài viết đặc sắc như: "Công tác rà soát cải cách thủ tục hành chính luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam" của Thạc sĩ, Luật sư Lê Hồng Lam, Tổ trưởng Tổ Công tác rà soát cải cách thủ tục hành chính - Liên đoàn Luật sư Việt Nam; "Cải cách thủ tục hành chính phục vụ thị trường, người dân và doanh nghiệp" của Luật sư Trần Văn Chương; "Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động tư pháp" của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân,...

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... (Điều 2); “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân” (Điều 3); “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). 

Trong các văn bản pháp luật hiện hành đều có quy định về khả năng để mọi công dân tham vào hoạt động tư pháp và giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trong hoạt động tư pháp được thể hiện bằng việc tham gia hoạt động xét xử của hội thẩm. Đây là chế định thể hiện rõ nét nhất quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động tư pháp. Chế định hội thẩm mặc dù đã được pháp luật quy định, tuy nhiên trong thực tế áp dụng vẫn còn những bất cập nhất định. Bài viết "Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động tư pháp" của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân đã làm rõ vấn đề này.

Vấn đề nghiên cứu pháp luật còn có các bài viết: "Luật sư trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay" của NCS, Thạc sĩ Tôn Thất Nhân Tước, Khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Luật - Đại học Huế; "Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với những đóng góp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh" của Nguyễn Hữu Châu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về VHXH Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam;

Chuyên mục “Nhìn ra thế giới”, tác giả Lê Hùng với bài viết "Thương lượng lời khai trong thủ tục tố tụng hình sự Hoa Kỳ". Theo đó, tố tụng hình sự bắt đầu khi một đạo luật bị vi phạm và trải qua các giai đoạn bắt giữ, cáo trạng, xử sơ thẩm và phúc thẩm. Thương lượng lời khai được thực hiện trước khi xử sơ thẩm, điều đó có nghĩa là có khả năng không phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và xa hơn nữa là phúc thẩm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đã nêu một số vấn đề pháp lý trọng tâm về thương lượng lời khai trong thủ tục tố tụng hình sự Hoa Kỳ.

Với những nội dung đa dạng, hấp dẫn, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trong cả nước Ấn phẩm đặc biệt số tháng 12/2021 của Tạp chí Luật sư Việt Nam.

THANH THANH

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt tháng 10/2021 Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam

Lê Minh Hoàng