Ảnh minh họa.
Việc các học sinh lớp 7 ở Tuyên Quang tấn công, sỉ nhục cô giáo bằng cả lời nói và hành động đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ từ dư luận xã hội. Bên cạnh đó là một sự lo ngại sâu sắc về tình trạng học sinh hỗn hào, coi thường những người dạy dỗ mình và có những hành vi quá trớn không thể chấp nhận được đã và đang xảy ra khá phổ biến trong nhà trường hiện nay.
Lý giải tình trạng đáng lo ngại này cần tìm ra căn nguyên của nó nhưng cái thấy rõ ràng nhất là giáo dục của chúng ta thiếu đi sự nghiêm khắc cần thiết để ngăn chặn những hành vi quá trớn của học trò. Sự nghiêm khắc phải được duy trì đồng bộ, trong toàn ngành giáo dục, trong tất cả các nhà trường và trong mỗi lớp học, tạo được sự đồng thuận xã hội và thực hành đối với từng trường hợp cụ thể. Hiện tại, nếu có thầy cô nào nghiêm khắc sẽ lập tức bị học trò ghét bỏ, đồng nghiệp xa lánh, phụ huynh phản ứng, thậm chí bị kỷ luật. Nên nhớ, nghiêm khắc chính là cách tốt nhất để giáo dục con người và đó là cách thể hiện sự tôn trọng nhân cách của đối tượng giáo dục mà ở đây là học sinh. Nghiêm khắc không tạo ra sự cách biệt của tình thầy trò mà tạo ra khoảng cách cần thiết giữa thầy và trò, đó là ranh giới đạo lý buộc tất cả mọi người phải tuân thủ.
Chúng ta đã thiên quá nhiều về việc tôn trọng nhân cách học sinh mà bỏ qua sự nghiêm khắc cần thiết để xây dựng nhân cách. Đó là một phần nguyên nhân gây nên nạn bạo lực học đường và tạo ra những cái “nhờn” trong học sinh, đặc biệt “nhờn” với thầy cô giáo. Một số trường hợp có xung đột giáo dục xảy ra giữa thầy và trò thì lại chăm chăm vào việc xử lý giáo viên hoặc ra sức “bênh” giáo viên của mình. Cả hai thái độ ứng xử này đều gây ra sự bất bình xã hội và hệ lụy của nó là làm độ “nhờn” đạo lý ngày một tăng.
Mới đây, tại một trường tiểu học miền núi, phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội là con mình bị cô giáo đánh vào đầu, sau đó yêu cầu nhà trường không cho cô giáo dạy lớp con mình nữa, nếu không, sẽ cho con bỏ học. Nhà trường đã vội vã làm theo yêu cầu đó, trong khi hỏi ý kiến thì 100% học sinh của lớp đó đều muốn cô giáo tiếp tục dạy lớp đó (tất nhiên, trừ em "bị đánh). Đánh hay không cần phải xác minh rõ ràng và nếu cần thiết thì chuyển lớp cho học sinh có yêu cầu chứ sao lại điều chuyển cô giáo? Dẫn ra trường hợp này để thấy tồn tại một tình trạng là nhà trường rất sợ sự tố cáo của phụ huynh và tập trung xử lý vào chính giáo viên của mình. Cách ứng xử này mang lại hệ lụy là học sinh không còn biết sợ là gì nữa và sao có thể giáo dục được những người không biết sợ
Cũng như trong một gia đình, sự nghiêm khắc đối với con cái là cần thiết của những bậc cha mẹ yêu thương con mình, nhà trường càng cần phải vậy. Xã hội thiếu đi sự nghiêm khắc trong quản trị đất nước, hệ lụy là đốt lò thiêu tham nhũng mãi không hết. Đó là bài học nhãn tiền cho việc giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai của đất nước.