Giảm diện tích đất trồng lúa, tăng diện tích đất phi nông nghiệp: Xu hướng tất yếu để sử dụng hiệu quả đất đai

27/10/2021 10:39 | 2 năm trước

(LSVN) – Với mục tiêu phát triển đất nước trở thành quốc gia công nghiệp thì việc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất nông nghiệp và các loại đất khác sang loại đất phi nông nghiệp, đất kinh doanh, đất ở đô thị là xu hướng tất yếu để sử dụng hiệu quả đất đai.

Ảnh minh họa.

Trước đó, chiều ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia. Trong đó, Chính phủ dự kiến quy hoạch diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348,77 nghìn ha, tập trung giảm tại vùng Đồng bằng Sông Hồng (101,8 nghìn ha), vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (88,56 nghìn ha),… và nhiều diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Đất nông nghiệp giảm, diện tích đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,9 triệu ha, tăng 965.370 ha so với năm 2020. Quy hoạch cũng đặt ra đến năm 2030 có 45 khu kinh tế với 1,65 triệu ha, tăng 15.400 ha; đất khu công nghệ cao có 6 khu với 4,14 triệu ha; đất đô thị tăng lên 2,95 triệu ha, thêm 925.780 ha, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.

Cần rà soát kỹ lưỡng việc sử dụng đất lúa để làm các khu công nghiệp

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng việc lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) phải gắn với mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững, tính liên kết liên vùng, liên tỉnh, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn và thống nhất, đồng bộ giữ các địa phương.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia với các quy hoạch có liên quan, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn.

Đề cập đến đất trồng lúa, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đây là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn (48,4 nghìn ha). “Khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất lúa đó, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để làm các khu công nghiệp”, ông Thanh nói.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai

Liên quan đến Tờ trình 375/TTr-CP của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025), trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, hài hòa lợi ích tổng thể, linh hoạt trong từng thời kỳ và gắn với thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đảm bảo đồng bộ thống nhất từ trung ương đến địa phương, đáp ứng nguyên tắc phát triển bền vững. Việc lập quy hoạch phải căn cứ vào cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn (thành tựu đạt được, tồn tại hạn chế, kết quả điều tra thu thập thông tin,…) cũng như dự báo được bối cảnh, tình hình.

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Luật Đất đai 2013, quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

“Theo tôi, về cơ bản thì Tờ trình 375/TTr-CP của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) đã xác định được mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2045, xác định được định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng các nhóm đất lớn, từ đó tạo ra được quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; đưa ra được các giải pháp về chính sách, khoa học công nghệ, nguồn lực, ứng phó biến đổi khí hậu,... thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Có thể nói, quy hoạch sử dụng đất như trên là phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng phát triển kinh tế xã hội theo chính sách của Nhà nước giai đoạn tới. Với mục tiêu phát triển đất nước trở thành quốc gia công nghiệp thì việc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất nông nghiệp và các loại đất khác sang loại đất phi nông nghiệp, đất kinh doanh, đất ở đô thị là xu hướng tất yếu để sử dụng hiệu quả đất đai”, Luật sư Cường đánh giá.

Hiện nay diện tích đất trồng lúa giảm tập trung chủ yếu tại hai vựa lúa lớn nhất của cả nước là đồng bằng Sông Hồng giảm để phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ; Đồng bằng sông Cửu Long giảm chủ yếu để phát triển hạ tầng, đô thị, khu công nghiệp, chuyển mục đích sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản để thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc giảm diện tích đất trồng lúa cũng phải tính toán đến lộ trình và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trên quy mô dân số, nhu cầu về lương thực và dự trữ quốc gia, xuất khẩu, chăn nuôi, chế biến, dự phòng thiên tai, mất mùa, biến đổi khí hậu,… sao cho phát huy tối đa các nguồn lực, sử dụng có hiệu quả đất đai.

Việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất sang đất phi nông nghiệp cũng là nhằm phục vụ mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Thực tế trong 10 năm qua thì diện tích đất phi nông nghiệp đã tăng nhiều do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị, đảm bảo an ninh quốc phòng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, then chốt. Việc tăng diện tích đất phi nông nghiệp được tính toán dựa trên tốc độ tăng trường GDP, chỉ số phát triển kinh tế xã hội, hệ số sử dụng đất cũng như kịch bản tổng thể của nền kinh tế, khả năng thu hút đầu tư, đánh giá tác động kinh tế-xã hội.

Thời gian tới làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và hệ thống giao thông được hoàn thiện cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động và quá trình đô thị hóa thì việc tăng chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia là tất yếu. Bên cạnh đó với chính sách phát triển kinh tế ven biển và kinh tế cửa khẩu thì diện tích đất khu kinh tế sẽ tăng. Việc hình thành các khu công nghệ cao cũng dẫn đến chỉ tiêu đất khu công nghệ cao tăng lên.

Cùng với nhu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế thì việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ tầng giao thông là vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như tạo không gian phát triển, thúc đẩy đầu tư. Khi nền kinh tế đã phát triển, tốc độ đô thị hóa tăng cao thì nhu cầu về phát triển, thụ hưởng văn hóa; nâng cao chất lượng cuộc sống; chăm sóc y tế; giáo dục đào tạo; thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí,. cũng vì thế mà tăng cao. Quỹ đất để phục vụ xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng các nhu cầu này cũng tất yếu tăng theo.

Diện tích đất quy hoạch cho khu vực xử lý, tái chế chất thải cũng phải được nghiên cứu bổ sung nhằm đáp ứng sự phát triển của kinh tế cũng như tốc độ đô thị hóa.

Như vậy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được tính toán, phân bổ dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới của nước ta, nhu cầu sử dụng đất, cũng như dự báo các tác động về dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu,… Để thực hiện quy hoạch sử dụng đất thì thời gian tới nước ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp đã đưa ra và tận dụng triệt để những thuận lợi của khoa học công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc quản lý đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

THANH THANH

Cho phép UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Cần thiết nhưng phải hết sức cẩn trọng

Từ khoá : lsvn.vn LSVN