Vỉa hè tại số 11 phố Lê Phụng Hiểu (cả mặt phố Lý Thái Tổ) được UBND quận Hoàn Kiếm cho Khách sạn Capella Hà Nội thuê để bán Café.
Cụ thể,05 tuyến phố đã được UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm cho thuê từ năm 2022 (không vào mục đích giao thông) gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu. Trong đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã chấp thuận cho Công ty TNHH Bất động sản mặt trời Thủ đô, Công ty Cổ phần Prodigy pacific Việt Nam và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu “sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh”.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật khác, việc thực hiện này của UBND quận Hoàn Kiếm là không thuộc mục đích sử dụng theo quy định về “sử dụng đường bộ vào các hoạt động văn hóa” và “sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông”,… Rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, thì việc sử dụng lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông hiện nay tại Hà Nội nói chung và thí điểm tại quận Hoàn Kiếm nói riêng liệu có đảm bảo quy định của pháp luật?.
Trước hết, theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (được Văn phòng Quốc hội hợp nhất Luật Giao thông đường bộ tại Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH ngày 05/7/2019), có giải thích từ ngữ: Đường phố là đường đô thị, gồm lòng đường và hè phố.
Trong đó, hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến (theo khoản 2 Mục II Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ xây dựng).
Còn lòng đường là bộ phận của đường đô thị, được giới hạn bởi phía trong hai bên bó vỉa, có thể bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến khi cần thiết (theo khoản 4 Mục II Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng).
Theo đó, việc sử dụng lòng đường, hè phố đúng mục đích theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ, gồm:
"1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường (theo khoản 1 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ năm 2008);
2. Người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố (theo khoản 1 Điều 33 Luật Giao thông đường bộ năm 2008);
3. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông (theo khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008);
4. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, gồm: Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ; trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông (theo khoản 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008);
5. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố theo đúng quy định tại Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định; Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định (theo khoản 3 Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008);
6. Bảo đảm hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt cho các loại phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ (theo khoản 2 Mục III Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng)".
Vỉa hè số 30A phố Lý Thường Kiệt được Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu thuê để bán Café.
Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác (hay là không vào mục đích giao thông) theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT ngày 21/4/2022 của Bộ Giao thông Vận tải hợp nhất Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) được quy định:
Thứ nhất, sử dụng đường bộ vào các hoạt động văn hóa (theo Điều 25 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT).
Thứ hai, sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông (theo Điều 25a Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT): Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông; Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
“a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;
c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;
d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;
đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”.
Thứ ba, vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
"a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời".
Thứ tư, đối với trường hợp sử dụng hè phố quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, d, đ khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.
Mặt khác, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông (theo Điều 25b Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT ngày 21/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải):
"1. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông;
2. Lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;
b) Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị, thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau;
3. Vị trí lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị;
b) Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 02 làn xe cho một chiều đi;
c) Lòng đường có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời;
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời lòng đường được quy định tại Điều này".
Bên cạnh đó, việc sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe (theo Điều 25c Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT ngày 21/4/2022 của Bộ Giao thông Vận tải):
"1. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe có thu phí không được gây mất trật tự, an toàn giao thông;
2. Vị trí hè phố, lòng đường được phép sử dụng tạm thời có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời và phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị;
b) Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 02 làn xe cơ giới và 01 làn xe thô sơ cho một chiều đi;
c) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường đến năm 2023; quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường quy định tại Điều này;
4. Giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, khai thác sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông giữ xe, việc thu phí và nộp ngân sách nhà nước;
5. Khi sử dụng hoặc tạm thời sử dụng một phần đường đô thị vào mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời có giải pháp để bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị (theo khoản 3 Mục III Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2009/TT - BXD ngày 30/6/2009 của Bộ xây dựng)".
Cùng với đó, các hành vi bị cấm trong hoạt động sử dụng lòng đường, lề phố cũng được quy định:
Thứ nhất, các hành vi bị nghiêm cấm: Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép theo quy định khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH ngày 05/7/2019 của Văn phòng Quốc hội hợp nhất Luật Giao thông đường bộ);
Thứ hai, các hành vi bị cấm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị (theo Mục IV Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng):
"1. Thiết kế, xây dựng đường đô thị không tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2. Tự ý xây dựng, đào bới đường đô thị;
3. Tự ý mở đường nhánh hoặc đấu nối trái phép vào đường chính;
4.Sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hoá, vật liệu;
5. Đổ rác, phế thải và các hành vi gây mất vệ sinh môi trường đường đô thị;
6. Lắp đặt, xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông và người đi bộ, gây mất mỹ quan đô thị;
7. Lắp đặt, xây dựng các công trình, biển quảng cáo, trang trí, đường dây trái phép, ảnh hưởng đến kết cấu đường đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị và gây mất mỹ quan đô thị;
8. Xây dựng các công trình trái phép vi phạm chỉ giới đường đỏ, hành lang an toàn của đường đô thị;
9. Trông, giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường không có giấy phép; để xe đạp, xe máy, đỗ ô tô không đúng nơi quy định".
Từ các quy định và căn cứ pháp luật nêu trên, đối chiếu với việc UBND TP. Hà Nội sẽ thí điểm cho thuê vỉa hè cũng như cho phép quận Hoàn Kiếm sử dụng hè phố kinh doanh hàng ăn uống sẽ được áp dụng và thực hiện như thế nào? Trong đó, việc thực hiện này có tính đến bối cảnh sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh, phục vụ du khách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng như việc rà soát lại các căn cứ pháp lý sao cho việc thực hiện được đúng luật?
Vỉa hè số 94 phố Lý Thường Kiệt được Công ty Cổ phần Prodigy pacific Việt Nam - Mercure Hanoi Hotel thuê để bán Café.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), qua đối chiếu và rà sát việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh, phục vụ du khách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, thì việc UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận cho Công ty TNHH Bất động sản mặt trời Thủ đô, Công ty Cổ phần Prodigy pacific Việt Nam và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu “sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh” là không thuộc mục đích sử dụng theo quy định về “sử dụng đường bộ vào các hoạt động văn hóa” và “sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông”) tại Điều 25 và Điều 25a Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT ngày 21/4/2022 của Bộ Giao thông Vận tải) và các quy định của pháp luật khác đã nêu ở trên.
Mặt khác, về mục đích “sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh” hay thí điểm “sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh” là sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép và là các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT ngày 21/4/2022 của Bộ Giao thông Vận tải).
Trong khi đó, việc 05 tuyến phố được đề xuất/thí điểm cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu phải xem xét có đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn như sau hay không:
Thứ nhất, sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông theo Điều 25a Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT ngày 21/4/2022 của Bộ Giao thông Vận tải);
Thứ hai, Sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe theo Điều Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT ngày 21/4/2022 của Bộ Giao thông Vận tải).
Ngoài ra, việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh, phục vụ du khách (kinh doanh, cho thuê) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phải tuân theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả (theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ); giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (theo Điều 5 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019). Phương thức và nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (theo Điều 11 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019); Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản (theo Điều 12 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019). Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo Điều 13 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019; Giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (theo Điều 15 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019). Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (theo Điều 17 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ).
Từ các quy định của pháp luật nêu trên và đối chiếu với thực trạng thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, thì việc UBND quận Hoàn Kiếm đang cho các đơn vị (Công ty TNHH Bất động sản mặt trời Thủ Đô, Công ty Cổ phần Prodigy pacific Việt Nam và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu) sử dụnglòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông (cho thuê để kinh doanh) đã và đang có dấu không phù hợp với rất nhiều các quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là, chúng ta sẽ phải bổ sung hoặc sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp hay giữ nguyên, tuân thủ và làm đúng như quy định của pháp luật trong việc sử dụng lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông.
MINH TUẤN - THÀNH TRUNG