/ Dọc đường tố tụng
/ Hà Nội: Vụ án tranh chấp đất đai hơn 10 năm với 4 phiên tòa chưa hồi kết

Hà Nội: Vụ án tranh chấp đất đai hơn 10 năm với 4 phiên tòa chưa hồi kết

22/04/2024 14:18 |8 tháng trước

(LSVN) - Có đơn khởi kiện từ 2014, trải qua 4 phiên tòa, vụ kiện cáo đất đai giữa 2 anh em ruột tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) dường như chưa đến hồi kết.

Một trang Bản án phúc thẩm ngày 10/3/2020 của TAND TP. Hà Nội tuyên sửa Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức. 

Vụ kiện kéo dài 10 năm 

Theo nội dung vụ án, thửa đất 394m2 (thuộc thửa số 144, tờ bản đồ số 7, khu 5, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) do gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng sử dụng và đóng thuế từ năm 1990, có nguồn gốc là đất nông nghiệp do hợp tác xã (HTX) Đức Giang quản lý. Quá trình quản lý trước đó, HTX đã cho các cụ trong thôn mượn để trồng cây ăn quả. Ngày 29/12/1989, các cụ đã lập biên bản bán thửa đất này cho cụ Nguyễn Hữu Mùi (bố đ ông Nguyễn Hữu Hùng) với giá 600 nghìn đồng. 

Thực tế, thửa đất này là cụ Mùi mua chung với con gái cả là bà Nguyễn Thị An, nhưng bà An lấy chồng ở làng khác, nên không đứng tên trên giấy tờ mua bán. Sau khi mua thửa đất, cụ Mùi và bà An để bỏ hoang không sử dụng. Năm 1990, hai người thống nhất bán thửa đất này cho ông Nguyễn Hữu Hùng với giá 1 triệu  đồng nhưng không có giấy tờ mua bán, chỉ có lời khai làm chứng của bà An. Ông Hùng và vợ là bà Cao Thị Anh bắt đầu sử dụng đất từ thời điểm đó. Quá trình sinh sống, gia đình ông Hùng đã xây dựng một số công trình trên thửa đất. Năm 2011, do mâu thuẫn gia đình, cụ Mùi đòi lại thửa đất trên, nhưng chưa giải quyết xong thì cụ Mùi qua đời. 

Mâu thuẫn về thửa đất không vì thế mà chấm dứt khi ông Nguyễn Hữu Hải (SN 1971, là em trai ông Hùng) tiếp tục tranh chấp. Đỉnh điểm, ông Hải đã gây thương tích cho ông Hùng và bị đưa ra toà xét xử. Năm 2014, ông Hải lại có đơn kiện ông Hùng vì mảnh đất trên.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018 về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản", Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hoài Đức tuyên giao ông Nguyễn Hữu Hải sử dụng 173m2 đất thuộc thửa đất trên. Về phía ông Hùng được giao 217m2, ông Hùng có trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ tài sản trên phần đất được giao cho ông Hải. Tại tòa, ông Hùng đưa ra tài tài liệu để chứng minh toàn bộ mảnh đất là của mình, do ông mua lại từ bố là cụ Nguyễn Hữu Mùi và chị gái ông, nhưng căn cứ vào tài liệu thu thập được, Hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá chứng cứ của ông Hùng là không đủ cơ sở.  Gia đình ông Hùng không đồng ý với bản án và có đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Năm 2019, ông Hùng mất, vợ ông Hùng là Cao Thị Anh kế thừa quyền tố tụng của chồng.

Tại Bản án phúc thẩm ngày 10/3/2020, TAND TP. Hà Nội tuyên sửa Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức. Theo đó, tòa không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế thửa đất 144 của ông Hải. Nói cách khác, toàn bộ mảnh đất được xác định thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng. 

 Huỷ toàn bộ 2 bản án

Lần này, đến lượt gia đình ông Hải có đơn xin giám đốc thẩm. Theo đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội có Quyết định giám đốc thẩm số 63 ngày 15/9/2021 quyết định huỷ toàn bộ 2 bản án đã tuyên trước đó. Đồng thời, quyết định giao hồ sơ cho TAND huyện Hoài Đức sơ thẩm lại vụ án.

Đến ngày 13/9/2023, TAND huyện Hoài Đức mở lại phiên sơ thẩm (lần 2) và có bản án số 83. Bản án quyết định, phân thửa đất số 144 thành 9 phần bằng nhau (mỗi phần 40, 7m2) cho tất cả những người có quyền được thụ hưởng thừa kế. Sau khi ghi nhận sự tự nguyện nhường phần thừa kế của các đương sự, ông Hải đã được nhận tổng 162,9m2 gia đình bà Cao Thị Anh nhận 203,6m2. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ khi các bên tiếp tục kháng cáo và yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 18/12/2023, TAND TP. Hà Nội ra thông báo dự kiến đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (lần 2).

Ngày 23/1/2023, TAND TP. Hà Nội có Quyết định số 55 về việc đình chỉ vụ án trên. Nguyên nhân là bị đơn cũng là người kháng cáo trong vụ án đã được triệu tập 2 lần nhưng vẫn vắng mặt mà không vì sự kiện bất khả kháng. Ngày 20/3/2024, Chi Cục thi hành án dân sự huyện Hoài Đức có Quyết định số 603 để thi hành án. Theo đó, gia đình bà Cao Thị Anhphải tháo dỡ công trình để đảm bảo mặt bằng giao cho ông Nguyễn Hữu Hải.

Cùng ngày, gia đình bà Cao Thị Anh tiếp tục có đơn đề nghị Toà án, Viện Kiểm sát xem xét ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. 

 Vì sao các vụ án tranh chấp đất đai thường kéo dài, phức tạp

Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, sau khi phúc thẩm xong là bản án có hiệu lực thi hành. Trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị thì sau đó cấp giám đốc thẩm hoặc phúc thẩm xem xét có kháng nghị thì có thể tiến hành hủy và sửa lại bản án.

Theo Luật sư Vinh, hầu hết các vụ án đất đai thường kéo dài, phức tạp do khó xác định được đúng bản chất của nguồn gốc đất. Nếu không xác định được bản chất nguồn gốc đất thì sẽ không giải quyết được các tranh chấp đất đai.

Về nguồn gốc đất đai hiện nay có một số vướng mắc, bởi từ những năm 1980, bản đồ địa chính tại địa phương nhìn chung tương đối sát với tình hình, nhưng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân lại thường cấp thườngnhỏ hơn diện tích thực tế, để đóng thuế ít hơn. Cùng với đó, cán bộ địa chính cũng không làm kiên quyết dẫn đến chuyện diện tích trên sổ nhỏ hơn thực tiễn.

Chính vì thế, Nhà nước đã quy định việc xác minh diện tích thật là do đo đạc sai sót để giải quyết. Nhưng khi giải quyết, các địa phương còn lúng túng.

Luật sư Vinh nhận định, hiện nay, việc xác định nguồn gốc đất là vấn đề quan trọng bậc nhất trong giải quyết các vụ tranh chấp đất đai. Rất nhiều vụ án dạng này, sau khi xử sơ thẩm, hai bên tiếp tục kháng cáo để phúc thẩm rồi kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… Ngoài ra, những vụ kiện dạng này kéo dài do không xác định được bản chất tranh chấp dẫn đến khi xử lý chưa triệt để hoặc đúng đắn, làm cho cả hai bên không thỏa mãn, chưa thấu tính đạt lý. 

PV

Nguyễn Mỹ Linh