Để quản lý hoạt động sản xuất gỗ dăm đúng quy định pháp luật, từ đầu năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) đã có Văn bản số 2775/BNN-CB chỉ đạo rõ đối với các địa phương thuộc Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ không xem xét đầu tư đối với các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu không có (không bao gồm), hợp phần đầu tư chế biến, chế tạo sản phẩm từ gỗ dăm (chế biến sản phẩm sau dăm gỗ) do dự án tạo ra.
Ngoài ra, Bộ NN và PTNT cũng nêu rõ, đối với các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu có hợp phần đầu tư chế biến, chế tạo sản phẩm từ dăm gỗ (chế biến sản phẩm sau dăm gỗ) do dự án tạo ra, thực hiện từ năm 2016: Thực hiện thẩm định theo các tiêu chí cụ thể.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu kịp thời giải quyết.
Vi phạm quy định pháp luật
Quy định là vậy, tuy nhiên, tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Thậm chí, những cơ sở này còn bất chấp “lệnh cấm” của chính quyền địa phương gây bất bình trong nhân dân.
Xưởng sản xuất dăm gỗ "mọc" trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.Đạt.
Mới đây, Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được phản ánh của người dân về việc cơ sở hoạt động sản xuất dăm gỗ của Công ty TNHH và DV Trà My ở thôn Bình Thành, xã Hương Bình, huyện Hương Khê gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm vệ sinh môi trường.
Xe tải chất hàng cao hơn thành thùng, dấu hiệu quá khổ, quá tải tại xưởng rồi lưu thông qua đường làng ra đường mòn Hồ Chí Minh vào chiều 08/3. Ảnh T.Đạt.
Tại đây, vào chiều 08/3, xe cộ ra vào nhập hàng tấp nập, trong khuôn viên của nhà máy, gỗ dăm được chất thành từng đống cao nhưng không có bạt che chắn. Dăm gỗ bay tứ tung gây nên tình trạng ô nhiễm cho khu vực xung quanh. Cùng với đó là những cỗ máy dăm gỗ hoạt động liên tục, gây tiếng ồn lớn “hành hạ” người dân cả ngày lẫn đêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Hương Bình, huyện Hương Khê khẳng định cơ sở sản xuất gỗ dăm của Công ty TNHH và DV Trà My chưa có bất cứ giấy phép cũng như chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dăm gỗ tại địa phương.
Chủ tịch UBND xã Hương Bình Đặng Quốc Bảo xác nhận cơ sở sản xuất dăm thuộc Công ty TNHH và DV Trà My hoạt động trên diện tích đất cấp trồng cây lâu năm cho anh Dương Đức Kiên. Ảnh: PV.
Theo ông Bảo, thửa đất mà Công ty Trà My sử dụng để sản xuất, chế biến gỗ dăm có diện tích khoảng 2ha, được giao cho anh Dương Đức Kiên quản lý, sử dụng với mục đích đất trồng cây lâu năm.
Dù đã bị cơ quan chức năng lập biên bản, yêu cầu đình chỉ hoạt động hơn 1 năm nay, nhưng cơ sở sản xuất dăm gỗ này vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: T.Đ.
"Xã đã lập đoàn công tác vào kiểm tra, lập biên bản tạm đình chỉ và báo cáo UBND huyện. Trách nhiệm của xã đã để sai sót không phát hiện kịp thời khi doanh nghiệp xây dựng trái phép. Kế hoạch tới xã sẽ lập đoàn công tác vào kiểm tra tiếp và có báo cáo cụ thể phương án xử lý đối với cơ sở này", Chủ tịch Đặng Quốc Bảo thông tin thêm.
Những cơ sở chế biến gỗ keo không phép, nhưng vẫn hoạt động sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường nước, không khí mà còn làm tăng nguy cơ cháy nổ, trước thực tế này, người dân sống gần các điểm chế biến gỗ keo không khỏi lo lắng, bất an, thế nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì mà chính quyền địa phương và ngành chức năng vẫn để các cơ sở này ngang nhiên, hoạt động.
Máy móc, nhà xưởng được xây dựng, lắp rạp hoạt động rầm rộ. Ảnh: T.Đạt.
Không chỉ vậy, những chiếc xe tải vào "ăn hàng" này lưu thông trên tuyến đường qua xã Hương Bình có dấu hiệu quá khổ, quá tải. Cung đường chật hẹp, chiều cao hạn chế nhưng vẫn bị "cày phá" bởi những chiếc xe vào chở dỗ dăm này mỗi ngày.
Xe tải mang biển kiểm soát 38H - 014.07 chở hàng cao hơn thành thùng lưu thông trên đường làng qua xã Hương Bình vào chiều 08/3. Ảnh: T.Đạt.
Vi phạm mục đích sử dụng đất
Không chỉ vi phạm quy định về hoạt động sản xuất kinh doanh, thửa đất nông nghiệp rộng 2ha (thôn Bình Thành, xã Hương Bình, huyện Hương Khê) được giao cho hộ ông Dương Đức Kiên quản lý, sử dụng mục đích trồng cây lâu năm, nhưng lại lấy danh nghĩa hoạt thu mua phế phẩm lâm nghiệp. Song, doanh nghiệp này đã đầu tư máy móc, thiết bị có công suất lớn để sản xuất dăm gỗ.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Trưởng văn phòng Luật sư Tuổi Trẻ cho hay, đất trồng cây lâu năm là một trong những loại đất Nông nghiệp được quy định tại khoản 1, Điều 10, Luật Đất đai 2013.
Nếu sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, cá nhân, tổ chức phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm... Ảnh: T.Đạt.
Như vậy, đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi và các hoạt động khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất nông nghiệp ngoài những mục đích nêu trên nếu không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì được xác định là sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích (ví dụ: sử dụng đất nông nghiệp để xây nhà tạm, nhà ở, nhà máy sản xuất…).
Theo luật sư Liêm, tại Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau:
"Điều 6. Nguyên tắc sử dụng đất
1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan".
Như vậy, trường hợp sử dụng đất sai mục đích được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Mức xử phạt với hành vi sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích được quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP.
Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP) thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt đối với tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân có cùng hành vi. Mức phạt trên áp dụng đối với khu vực nông thôn, tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt...
Ngoài ra, Luật sư Liêm cũng phân tích thêm, mỗi loại đất sẽ có mục đích sử dụng khác nhau. Nếu sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, cá nhân, tổ chức có thể đối diện mức phạt lên tới 250 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...
Lương Lương