(LSVN) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 06/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án.
Theo Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, trong 5 nghị quyết về giám sát của Quốc hội, có 5 nhóm nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Đó là, chống oan sai trong truy tố và thực hiện tốt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em; ban hành thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Về kết quả thực hiện các nghị quyết, ngành kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Qua đó, VKS đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời, VKSt đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự; trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án; hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật. Kết quả công tác kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai.
Trong giai đoạn điều tra, ngành kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra. Thông qua kiểm sát, VKSNDTC đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 2.898 bị can; hủy 1.119 quyết định khởi tố bị can và 138 quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra thiếu căn cứ, trái pháp luật. Tiến độ, chất lượng giải quyết án của VKSNDTC đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Trong đó, tỉ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 4,9%; tỉ lệ truy tố đúng tội danh vượt 9,9%; số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm dần theo từng năm (năm 2017 giảm 36%; năm 2018 giảm 47,8%, năm 2020 giảm 42,1%); các trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm dần (năm 2016: 10 bị cáo; năm 2017: 09 bị cáo; năm 2018: 08 bị cáo; năm 2019: 04 bị cáo; năm 2020: 03 bị cáo). Qua công tác kiểm sát đã kịp thời phát hiện nhiều bản án, quyết định vi phạm pháp luật và ban hành hơn 5.600 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội, qua đó, góp phần quan trọng khắc phục oan, sai trong giải quyết án hình sự.
VKSNDTC đã tích cực tham gia xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các nghị định, thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành luật; chủ động xây dựng Quy trình giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của VKSNDTC và tổ chức 2 hội nghị để quán triệt, hướng dẫn thi hành trong toàn ngành; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị còn tồn đọng yêu cầu bồi thường. Kết quả, ngành kiểm sát thụ lý 94 trường hợp yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 79 trường hợp.
Giảm tỉ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung
Về nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, Viện trưởng VKSNDTC cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo ngành kiểm sát thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng chất lượng điều tra, truy tố để giảm tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo đó, yêu cầu phân loại vụ, việc ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do có lỗi của kiểm sát viên; quan tâm công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cấp dưới trong giải quyết vụ án; quản lý chặt chẽ chuyên đề về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; kiểm điểm rõ trách nhiệm của lãnh đạo, kiểm sát viên trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung do bỏ lọt tội phạm và người phạm tội… Kết quả chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ trả hồ sơ năm 2018 là 3,02%, giảm 0,65%; năm 2020 còn 2,7%, giảm 0,8%.
Theo Viện trưởng Viện KSNDTC, VKSND các cấp đã truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị.
Theo đó, toàn ngành kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; đã phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai đượcdư luận xã hội quan tâm (như vụ Nguyễn Thành Tài, vụ Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TPHCM; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP. Đà Nẵng). Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSNDTC đã ban hành kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đến đất đai (như kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM, TP. Đà Nẵngvà Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em
Một trong những vấn đề mà dư luận bức xúc là hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em, ông Lê Minh Trí cho hay, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em. Cụ thể: Chủ trì phối hợp với TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
VKSNDTC đã tham gia góp ý xây dựng các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em quy định trong Bộ luật Hình sự, như: Nghị quyết số 02 ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng các Điều 150, 151 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 06 ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi.
Đã ban hành hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; “Sổ tay kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi” để thực hiện trong toàn ngành. Tổ chức nhiều lớp tập huấn về “Phòng, chống bạo lực gia đình” và “Phòng, chống bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em” cho cán bộ trong ngành.
Đề cập đến việc xây dựng thông tư liên tịch phối hợp trong giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, Viện trưởng VKSNDTC đã thực hiện nghị quyết của Quốc hội, VKSNDTC đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; dự kiến ban hành vào cuối năm 2020.
Một số kiến nghị
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, thông qua thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, ngành Kiểm sát trân trọng kiến nghị Quốc hội một số vấn đề sau: Tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề; tập trung giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm trong các ngành, giúp cho các cơ quan, người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát có cơ sở đánh giá, nhìn nhận khách quan, toàn diện hoạt động của ngành mình để có giải pháp khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế.
Đề cao vai trò giám sát của các Đại biểu Quốc hội, nhất là đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương, nhằm giúp cho các cơ quan tư pháp nắm bắt kịp thời, chính xác những hạn chế, tồn tại trong công tác, nhất là những nội dung gây bức xúc trong dư luận tại địa phương để từ đó có giải pháp chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh kịp thời ngay từ cấp sơ sở. Bảo đảm cho ngành Kiểm sát có đủ các nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật (về biên chế, chế độ đãi ngộ, về tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính chất lao động đặc thù của Ngành; về cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin).
THANH THANH (t/h)