/ Luật sư - Bạn đọc
/ Hành vi bói toán trên không gian mạng: Dễ phát sinh, khó giải quyết

Hành vi bói toán trên không gian mạng: Dễ phát sinh, khó giải quyết

30/03/2023 11:06 |

(LSVN) – Luật sư kiến nghị, cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu, cảnh giác đối với những chiêu trò lừa đảo liên quan đến hoạt động bói toán, tướng số trên mạng xã hội. Đồng thời cần phải kiên quyết kiểm tra, rà soát và kịp thời phát hiện ra những đối tượng thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động mê tín, bói toán.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, hoạt động bói toán trên không gian mạng diễn ra rất nhiều và rất khó kiểm soát. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội

Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Theo đó, mọi người đều có quyền có niềm tin tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đó. Hành vi mê tín dẫn đến thực hiện những hành động phản khoa học, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì đó là "dị đoan" và sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Hành vi mê tín dị đoan có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với xã hội và nếu người nào hành nghề mê tín dị đoan, tuyên truyền những điều không đúng, làm cho người khác tin vào những điều đó gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, đời sống, sức khỏe của họ, thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Người thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Hành nghề mê tín dị đoan". Cụ thể, việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ được thực hiện theo điểm đ Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Nếu người nào hành nghề mê tín dị đoan mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 320. Tội hành nghề mê tín dị đoan

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, hành vi hành nghề mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, nếu đưa ra thông tin gian dối, sai sự thật có tính chất mê tín dị đoan để chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Mặc dù có nhiều người đã bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có những người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành nghề mê tín dị đoan”, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tuy nhiên hành vi này vẫn diễn ra nhiều trong đời sống xã hội và đặc biệt là trên không gian mạng thời gian gần đây bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động giao tiếp của con người trên không gian mạng ngày càng nhiều thì các hoạt động bói toán, tướng số trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Thông qua mạng xã hội, thông tin được lan tỏa nhanh chóng, lượng tiếp cận thông tin rất nhiều, nhiều người nhẹ dạ cả tin dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Từ hoạt động bói toán tướng số online, nhiều người nhẹ dạ cả tin đã tìm đến các đối tượng này để nộp tiền làm lễ, thực hiện các hoạt động bói toán, cúng bái mê tín dị đoan. Nhiều đối tượng còn xem bói và thu tiền trực tiếp trên không gian mạng gọi là xem bói online và thanh toán tiền qua tài khoản, không ít đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người trước khi bị bắt.

Vì vậy, Luật sư Cường kiến nghị, cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu, cảnh giác đối với những chiêu trò lừa đảo liên quan đến hoạt động bói toán, tướng số trên mạng xã hội. Đồng thời cần phải kiên quyết kiểm tra, rà soát và kịp thời phát hiện ra những đối tượng thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động mê tín, bói toán.

TIỀN HƯNG

Quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Bùi Thị Thanh Loan