Hành vi ‘Chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước’ sẽ bị xử lý như thế nào?

13/07/2020 20:01 | 3 năm trước

(LSO) - Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, được hiểu là hành vi lấy các tài liệu được xác định là bí mật Nhà nước làm của riêng bằng bất kỳ thủ đoạn nào (tài liệu bí mật Nhà nước là một dạng vật chất đã ghi nhận những thông tin ở dạng thành văn bản, âm thanh, hình ảnh có chứa đựng các nội dung được xác định là bí mật Nhà nước).

Ảnh minh họa.

Hành vi "Chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước" là hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể xác định chính xác mức hình phạt đối với hành vi này thì cần căn cứ cụ thể vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra. Từ đó xác định động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi...

Trong trường hợp, hành vi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước"; tội "Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

- Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

- Có tổ chức;
- Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh này là 15 năm tù.

Về khách thể, tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính, bí mật nhà nước trong các lĩnh vực.

Chủ thể của tội danh này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.

Về mặt khách quan, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thể hiện thông qua việc sử dụng thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu bí mật đó.

Tội phạm hoàn thành khi tài liệu bí mật nhà nước thoát khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm giữ, quản lý nó.

Mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Ngày 13/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của các cá nhân về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, các đối tượng bị khám xét bao gồm: Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974), trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên – Phòng Thư ký biên tập và Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983), trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng – lái xe của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Người thứ ba liên quan đến hành vi phạm tội là Phạm Quang Dũng (SN 1983), trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
Hiện, vụ việc trên đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.

LÂM HOÀNG - THANH LOAN

/kham-xet-khan-cap-van-phong-can-bo-ubnd-tp-ha-noi-vi-chiem-doat-tai-lieu-bi-mat-cua-nha-nuoc.html