/ Tư vấn
/ Hành vi mua bán lại, chuyển nhượng nhà ở xã hội trái phép sẽ bị xử lý thế nào?

Hành vi mua bán lại, chuyển nhượng nhà ở xã hội trái phép sẽ bị xử lý thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Hiện nay, hành vi mua bán lại, chuyển nhượng nhà ở xã hội trái phép đang diễn ra ngày càng phức tạp, "núp" dưới dạng nhiều loại hợp đồng, văn bản. Vậy theo quy định của pháp luật, hành vi này sẽ bị xử lý thế nào và trách nhiệm của các cơ quan trong việc để xảy ra tình trạng này ra sao? Bạn đọc P.T. hỏi.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.

Một trong những nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội được quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014 là bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, nếu bên thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội bán, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian thuê, thuê mua hoặc bán lại nhà không đúng quy định thì đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi nhà ở xã hội đối với hành vi trên theo quy định tại điểm b Khoản 2 và điểm d Khoản 6 Điều 63 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Về trách nhiệm của các cơ quan trong việc để xảy ra tình trạng này, căn cứ theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.

Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý trong vấn đề này. Việc mua bán nhà ở xã hội trái phép thường xảy ra rất kín đáo, chủ sở hữu nhà ở xã hội sau khi bán vẫn ra mặt để thực hiện các giao dịch trao đổi với ban quản lý nhà ở, chủ đầu tư. Ngoài ra, pháp luật cũng không có quy định về những biện pháp cụ thể để ngăn chặn việc mua bán trái phép này.

Tuy nhiên, với hiện trạng mua bán nhà ở xã hội diễn ra tràn lan, nhức nhối như hiện nay khiến cho mục đích của nhà ở xã hội dành cho những đối tượng khó khăn, thật sự có nhu cầu về nhà ở không đạt được, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần thắt chặt việc kiểm tra, quản lý và xử lý nghiêm khắc để chấm dứt tình trạng trên.

HỒNG HẠNH

Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện

Lê Minh Hoàng