Ảnh minh họa.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, điểm b, khoản 2, Điều 17, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã khẳng định người đã hiến tạng có quyền được cấp thẻ BHYT (BHYT) miễn phí.
Cùng với đó, khoản 15, Điều 3, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách Nhà nước đóng.
Căn cứ khoản 4, Điều 11, Nghị định 146/2018/NĐ-CP, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên giấy ra viện do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hiến bộ phận cơ thể cấp cho đối tượng này để tiến hành cấp thẻ BHYT cho người đó.
Như vậy, những trường hợp đã hiến tạng sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí. Số tiền đóng cho quỹ BHYT đối với nhóm đối tượng này sẽ được trích từ ngân sách Nhà nước.
Việc hiến bộ phận cơ thể người xuất phát từ ý chí tự nguyện của cá nhân nhằm mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học nên họ được Nhà nước dành cho rất nhiều quyền lợi.
Ngoài việc được cấp thẻ BHYT, những người hiến tạng còn được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí. Họ cũng được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.
Thủ tục cấp thẻ BHYT cho người hiến tạng
Theo Luật sư, căn cứ Điều 31 và Điều 32, Quyết định 595/QĐ-BHXH, được sửa bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, thủ tục cấp thẻ BHYT cho người hiến tạng được thực hiện như sau:
Bước 1: Người hiến tạng chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký tham gia BHYT
Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Giấy ra viện có ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”.
- Trường hợp người hiến tạng được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn thì chuẩn bị thêm Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng ưu tiên được hưởng mức hưởng cao.
Bước 2: Người hiến tạng nộp hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cư trú
Lưu ý: Người đã hiến bộ phận cơ thể nộp giấy ra viện cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bước 3: UBND cấp xã nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH
Hình thức nộp: Thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bước 4: Cơ quan BHXH gửi thẻ BHYT cho UBND xã để trả cho người hiến tạng
Thời hạn cấp: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Thẻ BHYT cấp cho người hiến tạng có giá trị sử dụng ngay sau khi người đó hiến bộ phận cơ thể.
Mức hưởng BHYT của người hiến tạng
Căn cứ Điều 22, Luật BHYT năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 14, Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức hưởng BHYT của người hiến tạng được xác định như sau:
- Khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, người hiến tạng được hưởng mức BHYT như sau:
100% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến xã;
100% chi phí khám, chữa bệnh đối với chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
100% chi phí khám, chữa bệnh khi có thẻ BHYT 05 năm liên tục và có số tiền đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.
80% chi phí khám, chữa bệnh với những trường hợp còn lại.
- Khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người hiến tạng được hưởng mức BHYT như sau:
Khám, điều trị tại bệnh viện tuyến trung ương: 32% chi phí điều trị nội trú.
Khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh: 80% chi phí điều trị nội trú.
Khám, điều trị tại bệnh viện tuyến huyện: 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Lưu ý, trường hợp người hiến tạng có giấy tờ chứng minh thuộc các đối tượng như bộ đội, công an, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn,... thì sẽ được tính mức hưởng cao hơn.
Khi đi khám, người hiến tạng cần làm gì để hưởng quyền lợi BHYT?
Theo Luật sư, để được giải quyết quyền lợi về BHYT, người hiến tạng cần tuân thủ các quy định về thủ tụng khám chữa, bệnh BHYT.
Theo đó, khi đến khám, chữa bệnh, người hiến tạng phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ tùy thân có ảnh.
- Thẻ BHYT hoặc giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT nếu đang trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT.
Trường hợp người hiến tạng phải điều trị ngay sau khi hiến thì thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán quyền lợi về BHYT cho người hiến tạng và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
Như vậy, dù đã được cấp thẻ BHYT hay chưa được cấp thẻ BHYT thì người hiến tạng vẫn sẽ được hưởng quyền lợi về BHYT nếu cần phải điều trị ngay sau khi hiến tạng.
HOÀNG VŨ
Hướng dẫn xác định hành vi 'cản trở' việc xây dựng dân quân tự vệ