Ảnh minh họa.
Thế nào là công việc đã qua đào tạo?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, Nghị định 90/2019/NĐ-CP có hướng dẫn cụ thể về cách trả lương và các trường hợp người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề nhưng đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2022 và được thay thế bởi Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 38/2022/NĐ-CP lại chưa có nội dung nào hướng dẫn về vấn đề này.
Theo đó, Luật sư cho hay để hiểu thế nào là công việc đã qua đào tạo, người lao động và doanh nghiệp có thể tham khảo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 01/7/2022) như sau:
Theo Điều 5, Nghị định 90/2019/NĐ-CP này, có thể hiểu đơn giản, công việc đã qua đào tạo là những công việc đòi hỏi người lao động phải có bằng cấp hoặc được người sử dụng lao động đào tạo và công nhận, cụ thể bao gồm:
- Lao động đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng Thạc sĩ, bằng Tiến sĩ theo Nghị định số 90-CP năm 1993.
- Lao động đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo Luật Giáo dục 1998 và Luật Giáo dục 2005.
- Lao động đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề theo Luật Dạy nghề.
- Lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo Luật Việc làm.
- Lao động đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Lao động đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học.
- Lao động đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài.
- Lao động đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí cho làm công việc đòi hỏi qua đào tạo nghề.
Bạn đọc có thể tìm đọc Thông tư 26/2020/TT-BLĐTBXH để xem danh mục các ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng.
Người làm công việc đã qua đào tạo có đương nhiên được trả lương cao hơn 07% so với mức lương tối thiểu vùng?
Về vấn đề này, Luật sư cho biết, theo khoản 1, Điều 5, Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu trả người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 07% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Tuy nhiên, Nghị định 90/2019/NĐ-CP đã chính thức bị thay thế bởi Nghị định 38/2022/NĐ-CP từ ngày 01/7/2022. Trong khi đó, Nghị định 38/2022/NĐ-CP lại chưa có nội dung nào ghi nhận việc phải trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Theo khoản 1, Điều 4, Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng theo tháng chỉ là mức lương thấp nhất trả lương cho người lao động được trả lương theo tháng khi đã làm đủ thời giờ làm việc bình thường và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Nhằm hướng dẫn cụ thể hơn về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN, với những nội dung đáng chú ý sau:
- Yêu cầu doanh nghiệp rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định để điều chỉnh cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương của người lao động.
- Tiếp tục thực hiện những thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động, trừ các bên có thỏa thuận khác.
- Nếu trước đó có thực hiện chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc đã học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 07% so thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, với các hợp đồng lao động đã thực hiện trước ngày 01/7/2022 mà có nội dung thỏa thuận về việc trả lương cao hơn ít nhất 07% thì người lao động sẽ đương nhiên được trả lương cao hơn 07% như đã cam kết.
Còn với các hợp đồng lao động, thỏa thuận ký và thực hiện từ ngày 01/7/2022 thì không bắt buộc phải thỏa thuận trả lương cao hơn tối thiểu 07% so với lương tối thiểu vùng cho người làm công việc đòi hỏi đã qua đào tạo nhưng vẫn phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
HOÀNG TRẦN