/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hoàn thiện các quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015

Hoàn thiện các quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015

20/03/2022 15:24 |

(LSVN) - Chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có vị trí quan trọng trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, phản ánh thái độ và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong khi làm nhiệm vụ, đồng thời nó còn mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc.

Ảnh minh họa. 

Bởi, bản chất của thời hiệu là một khoảng thời gian xác định mà trong đó Nhà nước và toàn xã hội có quyền thể hiện thái độ và hành động lên án của mình đối với những hành vi phạm tội, đồng thời nó cũng để cho những chủ thể thực hiện hành vi phạm tội đó có quyền hi vọng mình có thể được hưởng chế định nhân đạo khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo những căn cứ và những điều kiện được quy định cụ thể trong BLHS năm 2015. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên thực tiễn, tác giả nhận thấy còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Những điểm tiến bộ của luật

So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, tiến bộ liên quan đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng; đảm bảo tính minh bạch của các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định này của BLHS năm 1999. Những sửa đổi, bổ sung đó là:

Bổ sung trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, cụ thể hóa các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự và được quy định rõ tại Điều 29 BLHS năm 2015 theo hướng: Phân biệt trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự; bổ sung một số trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Khó khăn, vướng mắc

Tuy có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn so với BLHS năm 1999, nhưng qua nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên thực tiễn, chúng tôi nhận thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như:

Một là, BLHS năm 2015 vẫn chưa đưa ra khái niệm chính thống về “thời hiệu” và các khái niệm có liên quan nhưng lại ghi nhận ngay định nghĩa pháp lý khái niệm của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.

Hai là, việc sắp xếp thứ tự các chế định, các chương chưa hợp lý. Bởi, trong khoa học luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự (PLHS), bản chất chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc hệ thống các biện pháp tha miễn trong PLHS, thì lẽ ra chúng ta nên sắp xếp chúng sau các chế định có liên quan đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của chủ thể phạm tội, nhưng trong BLHS năm 2015 thì ngược lại, chúng được sắp xếp trong Chương V, tức là ở trước 03 chế định lớn là: Hình phạt; Các biện pháp tư pháp và Quyết định hình phạt.

Điều này là bất hợp lý và phi khoa học. Bởi lẽ, căn cứ cả vào lý luận luật hình sự và thực tiễn áp dụng PLHS, cũng như theo logic pháp lý và trình tự giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, thì việc áp dụng các biện pháp tha miễn (cả trách nhiệm hình sự và hình phạt) bao giờ cũng chỉ được diễn ra sau khi đã xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của vụ án cụ thể nào đó.

Ba là, lần đầu tiên ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong BLHS năm 2015. Đây là một nội dung mới, quan trọng, làm thay đổi cơ bản chính sách hình sự truyền thống, bên cạnh nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự, luật hình sự Việt Nam đã đặt ra trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong một số tội theo quy định của Bộ luật. Trong một loạt các điều có liên quan đến chủ thể của trách nhiệm hình sự thuộc Phần chung BLHS năm 2015 cũng đã ghi nhận đầy đủ 2 chủ thể (cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội) như các Điều 30, 31, 33, 35, 46... Tuy nhiên, trong một loạt các điều khác thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, thì lại không quy định gì về chủ thể pháp nhân thương mại phạm tội, cụ thể:

Quy định tại khoản 1 Điều 27 BLHS năm 2015 lại không có gì thay đổi so với quy định tại khoản 1 Điều 23 BLHS năm 1999 trước đây, trong nội dung điều luật vẫn chỉ ghi nhận thuật ngữ: “người phạm tội”, theo tác giả điều này là hoàn toàn không phù hợp. Bởi, quy định như trên đã loại trừ việc được hưởng chế định nhân đạo này với chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội, có nghĩa toàn bộ 33 loại tội phạm được quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 khi thực hiện hành vi phạm tội, cho dù qua những thời gian nhất định và thời hạn ấy do BLHS quy định, đồng thời họ cũng đã thỏa mãn ba điều kiện cần và đủ do luật định như với cá nhân phạm tội thì họ cũng sẽ không được hưởng chế định nhân đạo về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này chưa tuân thủ nguyên tắc: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” trong luật hình sự. Đồng thời, sự ghi nhận thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội tạo ra sự khác biệt căn bản đối với quy định về thời hiệu thi hành bản án kết tội, mà đây đều là hai chế định nhỏ trong chế định lớn về thời hiệu trong luật hình sự.

Bốn là, việc quy định các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ dựa vào tính chất của khách thể bị tội phạm xâm hại là chưa đầy đủ, chưa vận dụng đúng nguyên tắc quy định tại điểm d khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015. Ngoài việc dựa vào tính chất của khách thể bị tội phạm xâm hại thì cần thiết phải dựa vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Bởi, nguyên tắc trên chỉ ra phải nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.

Đồng thời, xu hướng của thế giới ghi nhận trong luật hình sự mục tiêu quan trọng hàng đầu là để bảo vệ quyền con người, họ đã đưa khách thể là quyền sống, tự do cá nhân của con người lên làm khách thể quan trọng bậc nhất và đối với những tội phạm xâm phạm tới tính mạng của con người sẽ không được hưởng chế định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, quá trình xây dựng pháp luật, các điều luật cụ thể khác phải dựa trên cơ sở, căn cứ có tính chất nguyên tắc này.

Tuy nhiên, tại Điều 28 BLHS năm 2015 quy định những trường hợp không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa tuân thủ triệt để nguyên tắc này và quy định cũng còn chưa hợp lý. Đồng thời chỉ nên quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phá hoại hoà bình gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người và tội phạm chiến tranh còn tất cả các tội còn lại, cần quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi xuất phát từ tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Nhà nước ta và không phải tất cả các tội phạm được quy định trong hai chương này đề có tính nguy hiểm cho xã hội cao đến mức cần phải quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm là, chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của luật hình sự. Theo quy định của BLHS thì một hành vi phạm tội được chia ra làm 3 giai đoạn là chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Trong đó, chuẩn bị phạm tội là trường hợp phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Nó mới là giai đoạn chuẩn bị các công cụ, phương tiện cho việc thực hiện một tội phạm theo dự định của kẻ phạm tội. Về hành vi khách quan thì chưa thực hiện hành vi phạm tội mà người phạm tội định phạm, chưa gây ra một hậu quả gì đối với tội mà người phạm tội định phạm; chính vì vậy mà tính chất nguy hiểm cho xã hội của chuẩn bị phạm tội được xem là thấp đối với một tội phạm cụ thể. Song theo quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015 thì việc quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không có sự phân biệt giữa tội phạm chấm dứt ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tội phạm chưa đạt hay tội phạm hoàn thành, chưa phân hóa trách nhiệm hình sự, chưa tạo ra lẽ công bằng.

Sáu là, bản chất pháp lý của hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là một dạng miễn trách nhiệm hình sự, nhưng chưa được ghi nhận cụ thể trong BLHS, do đó đã gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật trên thực tiễn. Hiện nay, PLHS một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là một dạng miễn miễn trách nhiệm hình sự.

Bảy là, còn có cách hiểu khác nhau về vấn đề tính lại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015.

Đề xuất, kiến nghị

Một là, cần thiết bổ sung khái niệm về “thời hiệu” và các khái niệm có liên quan tại khoản 1 Điều 27 BLHS năm 2015, tạo sự thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật. Đồng thời ghi nhận cụ thể bản chất pháp lý của hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là một dạng miễn trách nhiệm hình sự, phù hợp với xu hướng của PLHS đa số quốc gia trên thế giới.

Hai là, đưa chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vào hệ thống các biện pháp tha miễn trong PLHS, điều đó sẽ phù hợp hơn với lý luận luật hình sự và thực tiễn áp dụng PLHS, cũng như theo logic pháp lý và trình tự giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự.

Ba là, bổ sung cụm từ “Pháp nhân thương mại phạm tội” vào sau cụm từ “người phạm tội” tại khoản 1, khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015.

Bốn là, đề xuất bổ sung các tội xâm phạm tới tính mạng của con người thuộc trường hợp không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 28 BLHS năm 2015. Đồng thời chỉ nên quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phá hoại hoà bình gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người và tội phạm chiến tranh còn tất cả các tội còn lại, cần quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm là, thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể các quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015 để có cách hiểu chung và áp dụng thống nhất pháp luật. Đồng thời cần phải quy định rõ hơn về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 3 giai đoạn của tội phạm (chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành).

Sáu là, bổ sung quy phạm pháp luật điều chỉnh trách nhiệm pháp lý của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong trường hợp tắt trách hoặc vì động cơ, mục đích cá nhân để các vụ án trôi qua các khoảng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015, dẫn đến bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội.

VÕ MINH TUẤN

 Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?

Lê Minh Hoàng