Ảnh minh họa.
Tổng quan tiến trình xây dựng chính sách, pháp luật về BĐ&KĐCL
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học được chính thức đề cập lần đầu tiên tại Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001-2010, trong đó yêu cầu “xây dựng hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn đào tạo cho các loại hình trường và các hình thức đào tạo, thực hiện việc KĐCL đào tạo trong toàn bộ hệ thống các trường đại học và cao đẳng”. Trên cơ sở đó, năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định tạm thời về KĐCL trường đại học (Quyết định số 38/2004/QĐ-BGDĐT) làm công cụ để triển khai hoạt động KĐCL giáo dục đại học trong cả nước.
Nội dung KĐCL giáo dục đã được thể chế hóa lần đầu tiên tại Điều 17 của Luật Giáo dục 2005; tiếp đó được quy định chi tiết qua Điều 38 (quản lý nhà nước về công tác KĐCL giáo dục), Điều 39 (các tổ chức quản lý và tổ chức KĐCL giáo dục) và Điều 40 (kết quả kiểm định chương trình và cơ sở giáo dục) của Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Đáng quan tâm là đến năm 2009, ba điều này về cơ bản được chuyển chính thức thành ba Điều 110a, 110b và 110c để tạo thành một mục riêng về KĐCL giáo dục trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Với việc nâng cao dần nhận thức về nội dung, phạm vi và tầm quan trọng của công tác này, Luật Giáo dục đại học 2012 đã có hẳn một chương riêng về BĐCL và KĐCL giáo dục đại học. Pháp luật giáo dục có bước tiến khi bổ sung khái niệm BĐCL bên cạnh khái niệm KĐCL. Bước tiến tiếp theo được thực hiện với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018), trong đó một mặt làm rõ hơn yêu cầu về BĐCL, đặc biệt đối với BĐCL bên trong và tổ chức KĐCL; mặt khác xác định kết quả KĐCL là một điều kiện nhất thiết phải có để cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ.
Trên cơ sở của pháp luật nêu trên về BĐ&KĐCL giáo dục đại học, các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện đã được ban hành và từng bước hoàn thiện để tạo thành khung pháp lý tương đối đầy đủ cho việc triển khai công tác BĐ&KĐCL trên cả ba cấu phần của nó là BĐCL bên ngoài, BĐCL bên trong và tổ chức KĐCL. Theo báo cáo số 649 ngày 25/7/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ngoài các văn bản luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về BĐ&KĐCL giáo dục đại học bao gồm 01 nghị quyết của Quốc hội; 01 nghị quyết và 10 nghị định của Chính phủ; 5 quyết định, 12 thông tư và 5 chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng chất lượng văn bản cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng “do lĩnh vực KĐCL giáo dục mới và khó, nhân lực thực hiện lĩnh vực này còn mỏng nên còn một số văn bản chưa ban hành kịp thời”.
Báo cáo khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (2019) của Quốc hội cho thấy một cách cụ thể các tồn tại, hạn chế như sau trong chính sách, pháp luật BĐ&KĐCL giáo dục đại học: 1) Tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ; 2) Một số vấn đề thực tiễn còn chưa được điều chỉnh chi tiết, như cơ chế tài chính cho hoạt động BĐ&KĐCL giáo dục đại học; mô hình tổ chức và thủ tục, quy trình trong việc xây dựng, vận hành hệ thống BĐCL bên trong cơ sở giáo dục đại học; cơ chế giám sát và chế tài trong công tác KĐCL giáo dục đại học; khung năng lực, kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm định viên; đầu tư, liên kết, hợp tác quốc tế trong KĐCL giáo dục đại học; 3) Việc thay đổi đột ngột bộ tiêu chuẩn, tiêu chí KĐCL vừa không mang tính kế thừa, vừa tạo nên sự xáo trộn không nên có trong chính sách, pháp luật; 4) Tính độc lập, khách quan, minh bạch trong quy trình kiểm định còn chưa rõ trong khi đó yêu cầu về việc “độc lập về tổ chức” của các trung tâm kiểm định theo Luật Giáo dục đại học 2018 đang là một vấn đề được đặt ra cả về quan điểm, nhận thức, hoạt động và quản lý nhà nước; 5) Việc hướng dẫn KĐCL vẫn nặng về kiểm đếm minh chứng (đánh giá dựa trên quy tắc) theo kiểu có/không mà chưa nhìn nhận, đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí trong tiến trình vận động và cải tiến (đánh giá dựa trên nguyên lý); 6) Việc thanh tra, giám sát tổ chức thực hiện quy định pháp luật về BĐ&KĐCL còn chưa được sâu sát; chưa thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý về BĐ& KĐCL; 7) Nhìn chung chưa có một chiến lược, chính sách về BĐCL ở cấp cơ sở.
Xét đến cùng, do chính sách, pháp luật BĐ&KĐCL giáo dục đại học Việt Nam được xây dựng từng bước trên cơ sở tiếp thu từng phần các kinh nghiệm quốc tế khác nhau nên tuy là một hệ thống tương đối đầy đủ nhưng không tránh khỏi những hạn chế.
Chính sách, pháp luật BĐ&KĐCL giáo dục đại học nước ta được thể hiện qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, từ 2004 đến 2012 được xây dựng theo tiếp cận hướng tới mô hình của Mỹ, tập trung vào KĐCL, nhưng lại được tổ chức thực hiện theo nguyên tắc tập trung thông qua Hội đồng quốc gia KĐCL trường đại học. Giai đoạn hai từ 2012 đến 2017/2018, chính sách, pháp luật BĐ&KĐCL được điều chỉnh theo tiếp cận hướng tới mô hình của châu Âu, tập trung vào ba cấu phần của hệ thống BĐ&KĐCL, định hình bộ máy BĐ&KĐCL ở cả cấp hệ thống lẫn cấp trường. Giai đoạn ba từ 2017/2018 đến nay, chính sách, pháp luật BĐ&KĐCL được tiếp tục điều chỉnh theo cách vay mượn gần như nguyên vẹn bộ tiêu chuẩn chất lượng của AUN-QA vào thực tế giáo dục đại học Việt Nam.
Với tình trạng chắp vá như trên, hệ thống BĐ&KĐCL giáo dục đại học Việt Nam không chỉ rơi vào trạng thái thiếu ổn định mà có nguy cơ rơi vào cái bẫy của sự luẩn quẩn trong đổi mới. Đó là vì đến nay, chúng ta vẫn thiếu một tiếp cận tổng thể và nhất quán trong xây dựng hệ thống BĐ&KĐCL. Mặc dù Việt Nam đã có các chuyên gia tham gia xây dựng Khung BĐCL ASEAN (AQAF), nhưng đến nay Khung đó vẫn chưa được xem xét để chuyển hóa thành Khung BĐCL Việt Nam. Sự thiếu vắng của Khung này dẫn tới sự thiếu vắng của một tiếp cận tổng thể và nhất quán; được phản ánh trước hết trong cách áp dụng gần như nguyên vẹn bộ tiêu chuẩn AUN-QA và tiếp nữa trong những hạn chế, bất cập nêu trên.
Sự cần thiết xây dựng Khung BĐCL quốc gia
Theo nghĩa rộng thì khung BĐCL là một khung tham chiếu gồm các điều khoản để dựa vào đó các cơ cở giáo dục đại học và các tổ chức BĐCL xây dựng và phát triển hệ thống BĐ&KĐCL một cách nhất quán và gắn kết trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Từ thực tế xây dựng chính sách, pháp luật BĐ&KĐCL giáo dục đại học hiện nay trên thế giới thì các khung BĐCL có thể phân loại thành khung BĐCL khu vực, khung BĐCL quốc gia và khung BĐCL cấp trường.
Khung BĐCL khu vực đầu tiên trên thế giới là khung của Liên minh châu Âu. Khung này có tên riêng là “Các chuẩn và chỉ dẫn về BĐCL trong không gian giáo dục đại học châu Âu” (viết tắt là ESG), được ban hành trong bối cảnh thực hiện tiến trình Bologna, lần đầu tiên vào năm 2005, và được chỉnh lý, bổ sung vào năm 2015. Mục đích của ESG là tạo ra một khung tham chiếu để các quốc gia, các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức BĐCL thuộc Liên minh châu Âu xây dựng hệ thống BĐ&KĐCL của mình như một yếu tố cấu thành trong không gian giáo dục đại học châu Âu (ESG, 2015).
Ý tưởng về Khung BĐCL châu Âu lan tỏa đến các khu vực khác và hiện nay có Khung BĐCL ASEAN (AQAF) được thông qua năm 2013 (AQAN, 2013); Khung BĐCL châu Phi (ASG-QA) ban hành năm 2019 (ASG-QA, 2019).
Lợi ích của khung BĐCL khu vực là tạo được sự hội tụ trong xu thế cũng như trong cách vận dụng để xây dựng hệ thống BĐ&KĐCL của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, vì mỗi hệ thống BĐ&KĐCL quốc gia đều hình thành và phát triển trong bối cảnh cụ thể nên các hệ thống BĐ&KĐCL quốc gia đều có sự khác biệt. Sự khác biệt này thể hiện trên một loạt vấn đề như lựa chọn mô hình BĐCL, tính bắt buộc hay tự nguyện trong KĐCL, vai trò của các tổ chức BĐCL, cách vận dụng khung BĐCL khu vực vào thực tế BĐCL quốc gia, phạm vi BĐCL, sự tham gia của các bên có liên quan trong BĐCL…Vì thế, mỗi quốc gia đều có khung BĐCL của riêng mình.
Khung BĐCL quốc gia là cơ sở để từng cơ sở giáo dục đại học xây dựng hệ thống BĐCL bên trong và từng tổ chức BĐCL xây dựng tổ chức của mình, tiến hành công tác đánh giá ngoài đáp ứng yêu cầu BĐCL bên ngoài, trên nguyên tắc gắn kết BĐCL bên trong với BĐCL bên ngoài hướng tới mục tiêu kép là vừa bảo đảm chất lượng theo chuẩn quy định vừa không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng.
Như vậy, tầm quan trọng của Khung BĐCL quốc gia là ở chỗ: 1) xây dựng nhận thức chung về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cấu trúc của hệ thống BĐ&KĐCL trong bối cảnh cụ thể của quốc gia; 2) tạo cơ sở cho sự phát triển nhất quán trong chính sách quốc gia về BĐ&KĐCL; 3) định hướng cho việc xây dựng khung BĐCL bên trong của các cơ sở giáo dục đại học và khung BĐCL bên trong của các tổ chức BĐCL phù hợp với định hướng phát triển của hệ thống GDĐH quốc gia; 4) gắn kết BĐCL bên trong với BĐCL bên ngoài, khắc phục mâu thuẫn giữa một bên là giải trình, hướng đến tuân thủ và một bên là tự chủ, hướng đến nâng cao chất lượng.
Như Matei & Iwinska (2016) đã phân tích, dù rằng có sự hội tụ trong cách xây dựng các hệ thống BĐ&KĐCL, nhưng mỗi nước cần xây dựng Khung BĐCL quốc gia xuất phát từ bối cảnh kinh tế - xã hội của riêng mình nhằm thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ đã được thống nhất ở cấp quốc gia. “Việc triển khai một mô hình BĐCL “nhập khẩu” mà không có sự chuyển dịch và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, sự hiểu biết và các nhu cầu trong nước khó mà thành công và về lâu dài sẽ không dẫn đến cải thiện chất lượng như được minh chứng bởi các cải cách BĐCL hậu Xô viết ở Georgia (Jibladze, 2016) cũng như một số trường hợp khác” (Matei & Iwinska, 2016).
Hiện nay, vấn đề của Việt Nam chính là ở chỗ này, khi nhập khẩu gần như nguyên vẹn mô hình BĐCL ở cả cấp trường và cấp chương trình của AUN-QA. Nguyên nhân chính là ở chỗ, đến nay cách tiếp cận của Việt Nam trong BĐ&KĐCL vẫn thiếu một tiếp cận nhất quán trên cơ sở một cách nhìn tổng thể xuất phát từ một Khung BĐCL quốc gia. Điều này cũng đã được chỉ ra trong phân tích của Ngân hàng Thế giới về giáo dục đại học Việt Nam với nhận định rằng dù các quy định về BĐ&KĐCL giáo dục đại học mới đây đã được tiếp tục chỉnh lý, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhưng lĩnh vực giáo dục đại học vẫn thiếu một Khung BĐCL quốc gia tổng thể làm cơ sở cho việc xây dựng các hệ thống BĐCL bên trong của các cơ sở giáo dục đại học cùng việc phát triển hệ thống BĐCL bên ngoài và công tác KĐCL do các trung tâm KĐCL thực hiện (World Bank, 2020).
Định hướng xây dựng Khung BĐCL quốc gia
Căn cứ xây dựng Khung BĐCL quốc gia
Căn cứ pháp lý đầu tiên là Luật Giáo dục đại học hiện hành với một chương riêng gồm 5 điều về BĐCL và KĐCL giáo dục đại học. Các quy định này cùng với Điều 12 về tổ chức KĐCL giáo dục đại học trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học tạo thành một khung pháp lý tối thiểu cho việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của hệ thống BĐ&KĐCL giáo dục đại học.
Căn cứ thứ hai là Khung BĐCL ASEAN. Khung BĐCL ASEAN đã được thông qua vào năm 2013, tạo lập nền tảng nhận thức chung về BĐCL giữa các nước ASEAN. Khung này, giống như các chuẩn ESG của Liên minh châu Âu, thiết lập các nguyên tắc chung nhất về BĐCL bên trong, BĐCL bên ngoài, tổ chức BĐCL và Khung trình độ quốc gia, sao cho từng quốc gia ASEAN, trong bối cảnh cụ thể của mình, có thể vận dụng để xây dựng và hoàn thiện một cách phù hợp hệ thống BĐCL quốc gia.
Mục đích của Khung BĐCL quốc gia
Xuất phát từ phân tích nêu trên về vai trò và sự cần thiết xây dựng Khung BĐCL quốc gia, việc xây dựng Khung BĐCL quốc gia là sự cụ thể hóa cần thiết và quan trọng khung pháp lý hiện hành nhằm mục đích sau: Bảo đảm sự gắn kết và nhất quán trong tổ chức và hoạt động của các cấu phần tạo nên hệ thống BĐ&KĐCL giáo dục đại học; Tạo niềm tin của các bên có liên quan vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống BĐ&KĐCL giáo dục đại học; Hội nhập với hệ thống BĐ&KĐCL giáo dục đại học của khu vực; nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; Hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong việc quản lý và nâng cao chất lượng, qua đó giải trình việc thực hiện quyền tự chủ của cơ sở; Làm cho BĐCL bên ngoài minh bạch hơn và dễ hiểu hơn cho bất kỳ ai có liên quan; Tạo cơ sở để từng cơ sở giáo dục đại học, từng trung tâm KĐCL tự đánh giá để không ngừng tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình.
Các nguyên tắc của Khung BĐCL quốc gia
Để đạt các mục tiêu nêu trên, Khung BĐCL quốc gia không phải là các chuẩn về chất lượng, cũng không phải là các cách thức thực hiện quá trình BĐCL mà là những quy định chung nhất cùng những chỉ dẫn cụ thể mà hệ thống BĐ&KĐCL có trách nhiệm vận dụng trên cơ sở tuân theo các nguyên tắc sau: Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm hàng đầu về chất lượng và về BĐCL trong việc thực thi sứ mệnh của mình; BĐCL phải đáp ứng sự đa dạng của các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo, phương thức đào tạo và sinh viên; BĐCL phải đặt trọng tâm vào các nhu cầu và kỳ vọng của sinh viên, mọi bên có liên quan và xã hội; BĐCL phải hướng đến sự hình thành và xây dựng văn hóa chất lượng.
Cấu trúc của Khung BĐCL quốc gia
Hiện các Khung BĐCL có mấy loại cấu trúc như sau.
Các khung BĐCL khu vực như ESG của châu Âu và ASG-QA của châu Phi đều có cấu trúc ba thành phần tương ứng với ba cấu phần của hệ thống BĐCL. Khung BĐCL ASEAN lại có cấu trúc bốn thành phần vì ngoài ba cấu phần của hệ thống BĐCL, còn có thêm một cấu phần liên quan là Khung trình độ quốc gia.
Ở cấp quốc gia thì tùy tình hình cụ thể của quốc gia mà cấu trúc của khung BĐCL được xây dựng một cách phù hợp. Chẳng hạn ở Malta, khi vận dụng ESG vào xây dưng Khung BĐCL giáo dục đại học và giáo dục tiếp tục quốc gia, thì do thẩm quyền BĐ&KĐCL giáo dục đại học và giáo dục tiếp tục hoàn toàn thuộc Ủy ban quốc gia về giáo dục đại học và giáo dục tiếp tục nên khung BĐCL quốc gia chỉ tập trung vào hai cấu phần chính liên quan đến BĐCL bên trong và BĐCL bên ngoài (NCFHE, 2015). Ở Nhật, khung BĐCL quốc gia là một cơ cấu gồm ba thành phần: 1) các chuẩn BĐCL khi thành lập trường đại học; 2) cơ chế đánh giá công nhận việc thành lập trường đại học; 3) hệ thống kiểm định và đánh giá được chứng nhận (Certified Evaluatiion and Accreditation, CEA) được triển khai 7 năm một lần do các tổ chức BĐCL thực hiện. Theo Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật thì “khung này có ưu thế của các quy định có từ trước về việc BĐCL của nhà trường khi được thành lập, đồng thời tiếp tục kiểm tra để BĐCL được giữ vững, trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng của các đại học. Vậy, sự phối hợp của ba thành phần trong khung BĐCL này là cách BĐCL hiệu quả và hiệu nghiệm nhất” (MEXT. Higher Education Bureau, 2009).
Vấn đề đặt ra là Khung BĐCL Việt Nam nên có cấu trúc như thế nào. Căn cứ theo các quy định về BĐ&KĐCL trong Luật Giáo dục đại học hiện hành thì Khung BĐCL Việt Nam chỉ nên gồm ba thành phần tương ứng với ba cấu phần của hệ thống BĐ&KĐCL. Nhưng nếu căn cứ vào Khung BĐCL ASEAN thì Khung BĐCL Việt Nam nên có bốn thành phần với thành phần thứ tư liên quan đến Khung trình độ quốc gia.
Thực ra, trong bối cảnh ngày nay khi Khung trình độ quốc gia trở thành một công cụ quản lý quan trọng trong giáo dục theo tiếp cận năng lực nhằm tạo sự liên thông giữa các trình độ đào tạo và phương thức đào tạo, thúc đẩy học tập suốt đời, gắn đào tạo với sử dụng thì dù cấu trúc ba thành phần như các khung ESG và ASG-QA hay 4 thành phần như AQAF nhưng yêu cầu về sự gắn kết trong chính sách, quy định và quy trình giữa BĐ&KĐCL với Khung trình độ quốc gia vẫn luôn được đặt ra. Vì vậy, Khung BĐCL Việt Nam nên có cấu trúc 4 thành phần.
Nội dung của Khung BĐCL quốc gia
Với mục đích, nguyên tắc và cấu trúc nêu trên thì nội dung của Khung BĐCL quốc gia sẽ là những quy định chung nhất cùng những chỉ dẫn cụ thể để từng cơ sở giáo dục đại học xây dựng hệ thống BĐCL bên trong của mình đáp ứng mục tiêu kép là giải trình và nâng cao chất lượng; từng trung tâm KĐCL xây dựng tổ chức và hoạt động của mình một cách chuyên nghiệp và triển khai việc đánh giá ngoài một cách hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của hệ thống BĐCL bên ngoài.
Rất nhiều nội dung này hiện đã có trong hệ thống văn bản pháp quy về BĐ&KĐCL giáo dục đại học của chúng ta. Vấn đề là rà soát, chỉnh lý và bổ sung để tạo thành một hệ thống quy định và chỉ dẫn nhất quán trong Khung BĐCL quốc gia.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều đó đỏi hỏi phải có bước đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, “trọng tâm là hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng”, “phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”. Riêng đối với giáo dục đại học, yêu cầu đặt ra là “có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.
Yêu cầu nêu trên đòi hỏi cần chuyển nhanh việc xây dưng hệ thống BĐ&KĐCL giáo dục đại học từ tiếp cận từng phần, chắp vá như hiện nay sang tiếp cận tổng thể, nhất quán trên cơ sở một khung BĐCL quốc gia. Dĩ nhiên, tiến trình xây dựng cụ thể không đơn giản. Theo các khuyến nghị chính sách của Ngân hàng Thế giới về chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030 thì việc xây dựng khung BĐCL quốc gia đòi hỏi: 1) đánh giá các công cụ BĐCL bên trong và BĐCL bên ngoài, nhận dạng các điểm yếu để khắc phục; 2) hoàn thiện các tiêu chuẩn và quy trình BĐCL phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế; 3) phân tích, đánh giá việc xây dựng thể chế BĐCL trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách BĐCL (World Bank, 2020).
Việc thực hiện các nhiệm vụ trên đòi hỏi những nghiên cứu khoa học cần thiết. Hiện một số đề tài khoa học về BĐ&KĐCL giáo dục đại học ở một số cơ sở giáo dục đại học như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội… đang tìm câu trả lời cho một số vấn đề nêu trên. Các kết quả nghiên cứu đó chắc chắn sẽ góp phần để việc xây dựng khung BĐCL quốc gia sớm được hoàn thành theo mục tiêu đề ra.
Tài liệu tham khảo 1. AQAN. 2013. ASEAN quality assurance framework. 2. ASG-QA. 2019. African Standards and Guidelines for Quality Assurance in Higher Education (ASG-QA). Harmonisation of African Higher Education Quality Assurance and Accreditation Initiative. 3. Jibladze, E. 2016. Suspended Development: Institutional Transformation and Lack of Improvement in the Higher Education System of Post-Revolution Georgia. PhD Dissertation, Central European University, Budapest, Hungary. www.etd.ceu.hu/2016/jibladze_elene.pdf 4. Matei, l. & Iwinska, J. 2016. Quality Assurance in Higher Education: a Practical Handbook. Budapest, Hungary: Yehuda Elkana Center for Higher Education 5. MEXT. Higher Education Bureau. 2009. Quality Assurance Framework of Higher Education in Japan. https://www.mext.go.jp/en/policy/education/highered/title02/detail02/1373877.htm 6. NCFHE. 2015. The National Quality Assurance Framework for Further and Higher Education. https://ncfhe.gov.mt/en/Pages/qa_framework.aspx 7. SHARE. 2019. State of Play Report. Higher Education Quality Assurance in the ASEAN Region. Jakarta: SHARE Project Management Office 8. ESG. 2015. Standards and Guidelines for Quality Assurance in the European Higher Education Area (ESG). (2015). Brussels, Belgium. 9. UBVHGDTTH. 2019. Báo cáo Kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học 10. World Bank. 2020. Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options. Hanoi: Higher Education Sector Report. |
TS PHẠM TẤT THẮNG
TS NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA
Thủ đoạn gian dối trong cấu thành tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' và tội 'Cướp giật tài sản'