/ Trao đổi - Ý kiến
/ Hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo vệ người làm chứng

Hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo vệ người làm chứng

17/01/2021 05:41 |

(LSVN) - Bảo vệ người làm chứng là một chế định rất quan trọng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) đã bổ sung một chương (Chương XXXIV) về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, các quy định về vấn đề này vẫn còn chung chung, chưa đầy đủ, chưa thống nhất, nên cần được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn kịp thời.

 Tòa án nhân dân TP. Huế (Thừa Thiên Huế)  xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Minh Ngọc.

BLTTHS 2015 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Để cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành hoạt động chứng minh tội phạm một cách có hiệu quả và để xác định sự thật khách quan của vụ án không thể không kể đến vai trò của người làm chứng. Người làm chứng được xếp vào một trong những chủ thể tham gia tố tụng giúp và sự có mặt của mặt của họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Tuy nhiên, chính vì người làm chứng có địa vị pháp lý quan trọng như vậy mà chủ thể này phải chịu những mối đe dọa từ phía những người chịu bất lợi bởi lời khai của họ. BLTTHS 2015 đã có những quy định mới về bảo vệ người làm chứng so với BLTTHS 2003. Tuy nhiên, trên thực tế thi hành vẫn còn bộc lộ một số điểm bất cập.

1. Quy định về người làm chứng và bảo vệ người làm chứng.

1.1. Người làm chứng

Theo quy định tại Điều 66 BLTTHS năm 2015: Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. So với BLTTHS 2003, quy định trên đã bổ sung người làm chứng có thể là người biết những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm (BLTTHS 2003 chỉ quy định người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án - Điều 55). Người làm chứng có thể trực tiếp nghe thấy, nhìn thấy hoặc có thể gián tiếp nhìn thấy như qua băng đĩa, nghe người khác kể lại.

Người làm chứng (NLC) có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Lời khai của NLC là loại chứng cứ đặc biệt, đây là lời khai của con người, có tính cá biệt cao. Giữa những người làm chứng có lời khai khác nhau xuất phát từ các đặc điểm như tâm lý, kinh nghiệm xã hội, tính cách từng người… Thực tiễn xét xử cho thấy trong nhiều vụ án, nhiều người làm chứng được triệu tập nhưng không có mặt tại phiên tòa, có trường hợp gửi giấy triệu tập nhưng đã thẳng thừng không nhận văn bản này. Đặc biệt, trong một số vụ án lớn hoặc liên quan đến giết người, cố ý gây thương tích… phần lớn người làm chứng luôn có tâm lý sợ bị trả thù, sự an toàn của họ và người thân bị đe dọa. Các hình thức cưỡng bức người làm chứng, khiến người làm chứng khai gian dối, phản cung, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng tinh vi, có dấu hiệu tàn bạo và nghiêm trọng ngày càng cao.

1.2. Bảo vệ người làm chứng

Bảo vệ người làm chứng là chế định quan trọng, nhiều quốc gia trên thế giới còn ban hành riêng đạo luật về bảo vệ người làm chứng và có nhiều cách thức thực thi khác nhau. Tham khảo pháp luật của một số nước trên thế giới, có một số cách thức bảo vệ người làm chứng như:

- Bố trí lực lượng bảo vệ người làm chứng: Theo đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ, cơ quan điều tra có trách nhiệm lưu ý đến nhưng sự đe dọa, trả thù đối với người làm chứng. Từ đó có các biện pháp như bảo đảm an ninh chỗ ở, sẵn sàng phục vụ trong trường hợp khẩn cấp; có những biện pháp tránh lộ lọt tin tức…

- Giấu tên, thay đổi nhận dạng người làm chứng: Nếu đánh giá có nguy cơ mất an toàn hoặc theo đề nghị của người làm chứng, cơ quan chức năng sẽ giấu tên, thay bằng tên giả (mã hóa) hoặc cho phép người làm chứng thực hiện các động tác như đeo tóc giả, mặt nạ, thiết bị thay đổi giọng nói… để bảo vệ người làm chứng.

- Thay đổi nơi cư trú, tên, tuổi cho người làm chứng: Đây là giải pháp trong trường hợp vụ án đặc biệt nghiêm trọng và chứng cứ mà người làm chứng cung cấp giữ vai trò quan trọng không thể thay thế được bằng các chứng cứ khác.

- Áp dụng công nghệ kỹ thuật trong xét xử: Thông thường, có thể sử dụng việc xét xử trực tuyến, xét xử thông qua máy thu hình, sử dụng thiết bị đối chất người làm chứng tại phiên tòa…

Theo pháp luật Việt Nam, cơ chế bảo vệ người làm chứng được quy định trong Chương XXXIV BLTTHS cùng với việc bảo vệ người tố giác, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Theo đó, người làm chứng nếu bị cơ quan, cá nhân, tổ chức nào đe dọa hoặc cưỡng bức đến bản thân hoặc người thân tích thì có quyền đề nghị Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

* Cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người làm chứng: BLTTHS quy định trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo vệ chỉ thuộc về Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Đây là các cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án như thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm… Do đó, ở giai đoạn này, nhu cầu được bảo vệ của người làm chứng là cao nhất. Các cơ quan này cũng đồng thời là các cơ quan có khả năng và điều kiện tốt nhất về lực lượng, phương tiện và nghiệp vụ để áp dụng các biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất.

Ở các giai đoạn truy tố, xét xử, nếu có yêu cầu thì Viện kiểm sát, Tòa án làm văn bản đề nghị Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người làm chứng. Trường hợp vụ án được thụ lý điều tra tại cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra VKSQSTW nếu cần áp dụng biện pháp bảo vệ thì báo cáo Viện trưởng có văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ Quốc phòng ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

* Trình tự, thủ tục bảo vệ: Theo quy định tại Điều 487 BLTTHS, nếu muốn được bảo vệ, người làm chứng phải có văn bản đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ, nội dung đơn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này (ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ người đề nghị; lý do, nội dung đề nghị; chữ ký hoặc điểm chỉ hoặc đóng dấu đối với cơ quan, tổ chức). Trong trường hợp khẩn cấp, người được bảo vệ trực tiếp đề nghị hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản. Sau khi nhận được văn bản yêu cầu, Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cứ, tính xác thực của đề nghị, nếu đủ căn cứ thì ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và lập hồ sơ. Nếu không cần thiết phải áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo rõ lý do cho người yêu cầu, đề nghị biết.

* Thời điểm bắt đầu và chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ: Người làm chứng được áp dụng biện pháp bảo vệ từ khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đến khi có quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ.

* Các biện pháp bảo vệ người làm chứng:

- Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;

- Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;

- Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;

- Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;

- Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;

- Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, các biện pháp bảo vệ được quy định trong BLTTHS có nhiều nét tương đồng với những biện pháp được áp dụng trên thế giới, đồng thời có nhiều điểm mới so với BLTTHS 2003. Đây là bước tiến quan trọng của BLTTHS 2015, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, phù hợp với thông lệ quốc tế. Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử, phòng, chống tội phạm, oan sai và bỏ lọt tội phạm.

2. Một số bất cập cần hoàn thiện

Thứ nhất về quyền của người làm chứng

Để có cơ sở và căn cứ cho các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp về bảo vệ người làm chứng. Trước hết, cơ quan có thẩm quyền cần xác định xem những mối đe dọa người làm chứng có thật hay không và các người làm chứng bị đe dọa thông qua những hình thức nào. Có thể người làm chứng bị các mối đe dọa tấn công trực tiếp làm ảnh hướng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của họ. Tuy nhiên, hiện nay người làm chứng còn có thể bị đe dọa về mặt tinh thần như những tin nhắn hoặc các hình thức đe dọa khác qua mạng xã hội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì vậy, để có các căn cứ cho những cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các biện pháp bảo vệ người chứng nên bổ sung quyền cho người làm chứng được yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng được ghi âm, ghi hình và dùng các biện pháp nghiệp vụ khác để xác minh những mối đe dọa của người làm chứng.

Theo tác giả, nên bổ sung vào khoản 3 Điều 66 BLTTHS 2015 thêm về nội dung theo hướng người làm chứng có quyền: “... Yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng được ghi âm, ghi hình và dùng các biện pháp nghiệp vụ khác để xác minh những mối đe dọa hoặc các hoạt động khác ảnh hưởng đến làm chứng”.

Thứ hai, như đã phân tích ở trên, người làm chứng là những chủ thể có thể phải chịu những mối đe dọa, trả thù và cần phải được áp dụng các biện pháp bảo vệ ngay khi có căn cứ người làm chứng sẽ bị đe dọa, trả thù. Tuy nhiên, BLTTHS  2015 không quy định trong thời hạn lâu kể từ ngày nhận được đơn thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Điều này dẫn đến việc áp dụng các biện pháp bảo vệ của các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời gây bất lợi cho người làm chứng. Theo tác giả, vấn đề bảo vệ cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không phải mọi yêu cầu bảo vệ của người làm chứng đều có cơ sở và nếu như áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ người làm chứng đối với những yêu cầu không có cơ sở này sẽ dẫn đến tốn kém thời gian, kinh phí. Chính vì vậy, để hoạt động bảo vệ này có hiệu quả nên quy định thời gian để các cơ quan có thẩm quyền xác minh có căn cứ để quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ người làm chứng và phải ra quyết định bảo vệ người làm chứng ngay khi xác minh được có căn cứ người làm chứng đang bị đe dọa.

Thứ ba, bên cạnh các biện pháp bảo vệ người làm chứng thì cũng cần quy định trách nhiệm của người làm chứng khi triệu tập hợp lệ mà không có mặt hay khai báo gian dối. Hiện nay, pháp luật quy định nếu người làm chứng  khai báo gian dối, trốn tránh thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn chưa cụ thể. Theo tác giả cần có quy định cụ thể gắn trách nhiệm của người làm chứng với các hành vi của họ khi tham gia tố tụng. Ví dụ như cần xác định mức độ khai báo gian dối của người làm chứng dẫn đến hậu quả như thế nào thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, BLTTHS cho phép Cơ quan điều tra qua xác minh, kiểm tra có thể kết luận trong trường hợp nào đó không cần thiết phải áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người làm chứng (khoản 4 Điều 487). Trường hợp này, Cơ quan điều tra có trách nhiệm “giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết”. Quy định này là hợp lý, không phải trường hợp nào cũng đặt ra yêu cầu về bảo vệ người làm chứng. Do đó, để tránh trường hợp bảo vệ người làm chứng tùy tiện, không mang lại hiệu quả thì Cơ quan điều tra có quyền từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, luật chưa quy định Cơ quan điều tra phải giải thích cho người yêu cầu, đề nghị dưới hình thức nào? Bằng miệng hay bằng văn bản để tránh ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người làm chứng. Theo đó, luật đòi hỏi người làm chứng khi yêu cầu, đề nghị bắt buộc phải có văn bản và văn bản này được lưu vào hồ sơ bảo vệ. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người làm chứng, luật cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra trong trường hợp này theo hướng “phải giải thích rõ ràng lý do bằng văn bản cho người đã yêu cầu, đề nghị biết”.

Như đã phân tích ở trên, lời khai của người làm chứng là nguồn chứng cứ quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tiến hành tố tụng xác định được sự thật khách quan của vụ án. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các quy định về bảo vệ người chứng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động tố tụng./.

HOÀNG ĐÌNH DŨNG - TAQS khu vực Quân khu 4

NGUYỄN VĂN LINH-TAQS khu vực Quân chủng Hải quân

Tạp chí Tòa án

 

 

Hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên theo quy định của pháp luật hiện hành

Lê Minh Hoàng