Ảnh minh họa.
Quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự
Quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn
Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm(1).
Theo quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật TTDS năm 2015 thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn.
Trường hợp có yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 Bộ luật TTDS năm 2015.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định cụ thể về việc yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; (b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; và (c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015 là sự luật hóa hướng dẫn tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 12 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật TTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, theo đó:
- Trường hợp yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Tòa án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
- Đối với trường hợp yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.
Mặc dù khoản 2 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015 được thiết kế thành 03 điểm (a, b, c) và dùng thuật ngữ “thuộc một trong các trường hợp”, tuy nhiên, đối với điểm c thì bản chất là để thể hiện tính chất, điều kiện đối với yêu cầu phản tố mà bị đơn đưa ra đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để được Tòa án chấp nhận. Bởi vì, dù là yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ hay có thể dẫn đến loại trừ việc chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì yêu cầu phản tố đó nhất định phải đáp ứng tính chất “có liên quan” đến yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đáp ứng điều kiện “nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.
Ngược lại, nếu yêu cầu phản tố của bị đơn không đáp ứng được tính chất và điều kiện này thì Tòa án hoàn toàn có thể không chấp nhận là yêu cầu phản tố, bởi nếu chấp nhận một yêu cầu không có liên quan đến các quan hệ đang có tranh chấp trong vụ án hiện hữu có thể sẽ làm phức tạp thêm các quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án và làm thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài không cần thiết.
Bị đơn có yêu cầu phản tố thuộc trường hợp đáp ứng theo các quy định và hướng dẫn trên đây có quyền đưa ra yêu cầu của mình trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải(2).
Hiểu một cách đơn giản thì phản tố được hiểu là tố trở lại hoặc kiện ngược lại. Chính vì tính chất tương đồng như vậy nên thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn(3).
Trường hợp yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác(4).
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật TTDS năm 2015, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo quy định tại Điều 73 Bộ luật TTDS năm 2015, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
Khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều
71 Bộ luật TTDS năm 2015. Nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 Bộ luật TTDS năm 2015.
Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây: (a) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; (b) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; (c) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Khác với quy định về điều kiện đối với yêu cầu phản tố của bị đơn khi nhà làm luật sử dụng cụm từ “thuộc một trong các trường hợp sau đây”, điều kiện để được chấp nhận đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhà làm luật sử dụng cụm từ “khi có các điều kiện sau đây” và trên cơ sở nội dung của các điều kiện thì để yêu cầu độc lập được chấp nhận cần phải đáp ứng cả 3 điều kiện như đã trình bày ở trên.
Trường hợp có yêu cầu độc lập, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải(5).
Thủ tục yêu cầu độc lập cũng được thực hiện theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.
Trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án khác(6).
Một số vấn đề đặt ra
Về kỹ thuật lập pháp
Tại Điều 72 và Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định cụ thể về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn. Tuy nhiên, nội dung quy định tại 02 điều luật này lại chưa hoàn toàn thống nhất với nhau. Theo đó, tại khoản 4 Điều 72 quy định bị đơn có quyền “đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn”. Việc nhà làm luật sử dụng từ “hoặc” trong đoạn “nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn” là chưa chính xác, bởi trong tiếng Việt thì từ “hoặc” là một từ được sử dụng với nghĩa lựa chọn một trong hai đối tượng và chưa bao quát hết 03 trường hợp yêu cầu phản tố được chấp nhận tại khoản 2 Điều 200 (thiếu trường hợp tại điểm b khoản 2 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015) như đã phân tích trên đây.
Việc thống nhất nội dung quy định quyền đưa ra yêu cầu phản tố tại 02 điều luật này trong Bộ luật TTDS năm 2015 là cần thiết để hoàn thiện kỹ thuật lập pháp.
Xuyên suốt Bộ luật TTDS năm 2015 thể hiện sau khi nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự thì sau khi Tòa án thụ lý và ban hành thông báo về việc thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 196 của Bộ luật TTDS năm 2015 gửi đến các đương sự thì trong thời hạn luật định, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố (cụm từ yêu cầu phản tố được sử dụng 38 lần) và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập (cụm từ yêu cầu độc lập được sử dụng 48 lần).
Tuy nhiên, tại khoản 5 và 6 Điều 72 lại quy định nội dung bị đơn có quyền “đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án”(7) và “trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác”(8). Trong khi đó, trong toàn bộ các điều luật khác của Bộ luật TTDS năm 2015 lại không có nội dung nào khác quy định về quyền yêu cầu độc lập của bị đơn.
Vì vậy, có thể thấy đây là lỗi trong quá trình lập pháp khi nhầm lẫn giữa quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thành quyền yêu cầu độc lập của bị đơn. Đây là nội dung không chính xác cần sớm được khắc phục.
Về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 Bộ luật TTDS năm 2015, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Đây là quy định khác so với trước đây, bởi theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 (Điều 176 và Điều 177) thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Quy định này nhằm khắc phục tình trạng bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không đưa ra yêu cầu trong thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự mà có những trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tại phiên tòa mới đưa ra yêu cầu làm cho thời gian xét xử vụ án bị kéo dài. Đồng thời, việc quy định về thời hạn đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải còn góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, Bộ luật TTDS năm 2015 quy định, khi tham gia tố tụng đương sự có quyền đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng và trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Như vậy, việc đưa người vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không bị giới hạn thời điểm đề nghị như yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập.
Vì vậy, không phải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nào cũng được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng ngay từ khi Tòa án thụ lý vụ án mà có nhiều trường hợp sau khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, thậm chí sau khi mở phiên tòa, hoãn, tạm ngừng phiên tòa thì mới có yêu cầu của đương sự hoặc xuất hiện các trường hợp như đương sự chết, pháp nhân chấm dứt hoạt động, trước đó Tòa án xác định thiếu… nên Tòa án xem xét, thấy cần thiết nên mới quyết định đưa thêm người vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có được đưa ra yêu cầu độc lập hay không và nếu yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có liên quan và ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của bị đơn thì bị đơn có được đưa ra
yêu cầu phản tố đối với yêu cầu độc lập này không? Đây là những vấn đề phát sinh trên thực tế mà luật chưa có quy định cụ thể và cách hiểu, vận dụng và áp dụng Bộ luật TTDS năm 2015 còn có quan điểm khác nhau.
Có nhóm quan điểm cho rằng, trong trường hợp này người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có quyền đưa ra yêu cầu độc lập vì trước đó Tòa án đã tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải.
Một nhóm quan điểm khác lại cho rằng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập vì trước đó khi Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải thì họ chưa được đưa vào tham gia tố tụng.
Có ý kiến đề xuất(9), nếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng sau khi Tòa án đã tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải thì cần hướng dẫn theo hướng họ cũng có thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền yêu cầu độc lập (nếu có).
Thực tiễn cho thấy, trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa vào tham gia tố tụng sau khi đã tiến hành phiên họp thì nếut án xét thấy yêu cầu độc lập phù hợp với quy định tại Điều 201 Bộ luật TTDS năm 2015 thì vẫn thụ lý và tiến hành thông báo cho các đương sự khác trong vụ án được biết.
Xét từ quy định của Bộ luật TTDS, các quan điểm chuyên môn và thực tiễn hoạt động tham gia tố tụng thì thấy việc Tòa án thụ lý yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp này là phù hợp, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của họ. Bởi vì bản chất, việc tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng. Tại phiên họp có 02 nội dung chính, thứ nhất là chốt lại những vấn đề các đương sự yêu cầu giải quyết (bao gồm có yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập (nếu có), thứ hai là ý kiến của các đương sự về tài liệu, chứng cứ chứng minh đã được giao nộp, thu thập trong hồ sơ vụ án.
Vì vậy, việc giới hạn quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước phiên họp này phải được hiểu là để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng và mang tính chế ước đối với những đương sự đã tham gia vào quá trình tố tụng trong khoảng thời gian từ khi thụ lý vụ án cho đến khi được thông báo về việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà không làm mất đi quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng sau thời điểm này.
Cũng với quan điểm tiếp cận như trên đây, nếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được đưa vào tham gia tố tụng sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải mà họ lại có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập này ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn thì trên nguyên tắc thực hiện quyền, bị đơn hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu phản tố đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mới được đưa vào tham gia tố tụng.
Đây là vấn đề chưa được Bộ luật TTDS năm 2015 quy định nhưng hoàn toàn có thể phát sinh trong thực tiễn và Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng(10). Vấn đề cần giải quyết là yêu cầu nào được thụ lý và giải quyết trong cùng vụ án và yêu cầu nào thì không thụ lý và hướng dẫn để đương sự thực hiện quyền khởi kiện một vụ án khác trên cơ sở vận dụng và áp dụng các quy định của Bộ luật TTDS năm 2015.
Kiến nghị
Như đã phân tích trên đây, đề nghị sửa đổi, hoàn thiện quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 72 Bộ luật TTDS năm 2015 theo hướng dẫn chiếu đến quy định tại Điều 200 và bỏ nội dung quy định về quyền yêu cầu độc lập của bị đơn và gộp lại thành 02 khoản 4 và 5 như sau:
Điều 72. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn 4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật này. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này. 5. Trường hợp yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác”. Đồng thời, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm có hướng đối với trường hợp thụ lý, giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được đưa vào tham gia tố tụng sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải và trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố đối với yêu cầu độc lập này để bảo đảm thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật theo hướng: (1)Nếu yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 201 Bộ luật TTDS năm 2015 thì tiến hành thụ lý, giải quyết trong cùng vụ án. Trường hợp không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 201 thì không thụ lý trong cùng vụ án, Tòa án hướng dẫn để đương sự thực hiện quyền khởi kiện một vụ án khác. (2)Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đồng thời có yêu cầu phản tố của bị đơn với yêu cầu độc lập này nhưng một trong hai loại yêu cầu này không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 200, Điều 201 Bộ luật TTDS năm 2015 thì không thụ lý, vì sẽ làm vụ án bị kéo dài thời gian giải quyết, không bảo đảm tính kịp thời và ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự khác nên Tòa án hướng dẫn để đương sự có yêu cầu độc lập, yêu cầu phản tố thực hiện quyền khởi kiện một vụ án khác. |
(1) Khoản 3 Điều 68 Bộ luật TTDS năm 2015. (2) Khoản 3 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015. (3) Điều 202 Bộ luật TTDS năm 2015. (4) Khoản 6 Điều 72 Bộ luật TTDS năm 2015. (5) Khoản 2 Điều 201 Bộ luật TTDS năm 2015. (6) Đoạn 2 khoản 2 Điều 73 Bộ luật TTDS năm 2015. (7) Khoản 5 Điều 72, Bộ luật TTDS năm 2015. (8) Khoản 5 Điều 72 Bộ luật TTDS năm 2015. (9) NCS. Phan Thị Thu Hà, Bàn về thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 15 (kỳ I, tháng 8/2019), tr.24. (10) Khoản 2 Điều 4 Bộ luật TTDS năm 2015. |
Luật sư THIỀU HỮU MINH
Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng