Hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý phải thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành

04/08/2021 22:59 | 3 năm trước

(LSVN) - Cần sửa đổi Điều 4, Điều 22 Luật Luật sư và các quy định liên quan của Luật Luật sư nhằm làm rõ khái niệm “dịch vụ pháp lý” và “hành nghề Luật sư”, xác định rõ chủ thể thực hiện là Luật sư và người có đủ điểu kiện thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, để tránh hiểu nhầm bất kỳ doanh nghiệp nào, cá nhân nào cũng có thể thể thực hiện dịch vụ pháp lý ”hành nghề Luật sư “ mà không cần đáp ứng về tiêu chuẩn, điều kiện gì. Đồng thời, sửa Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg theo hướng quy định rõ hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ảnh minh họa.

Đây là phương án xử lý của Chính phủ nêu trong báo cáo Quốc hội về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực nhà nước.

Luật Luật sư quy định tại Điều 4 về Dịch vụ pháp lý, Điều 22 về Phạm vi hành nghề Luật sư, theo đó dịch vụ pháp lý là loại dịch vụ chuyên môn đặc thù do người có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và phải được cấp phép thực hiện (thông qua hình thức cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư và Thẻ Luật sư); đồng thời cũng là nội dung hoạt động hành nghề của Luật sư.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư có quy định “hành nghề Luật sư” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại Quyết định số 27/2018/QD8-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì ngành nghề kinh doanh “hoạt động đại diện tư vấn, hoạt động hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị tài liệu pháp lý” của doanh nghiệp thuôc mã ngành “hoạt động pháp luật”. Trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp không cần đáp ứng điều kiện gì về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ đối với cá nhân, điều kiện thành lập đối với tổ chức cung cấp dịch vụ này.

Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật theo mã ngành “hoạt động pháp luật” (6910) nêu trên về bản chất thuộc nội hàm dịch vụ pháp lý, phạm vi hành nghề Luật sư là môt loại hình dịch vụ chuyên môn, ngành nghề có điều kiện.

Trong đó khi đó, Điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tồ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”.

Nhưng thực tế thời gian qua, việc đăng ký doanh nghiệp khi hoạt động ngành nghề tư vấn pháp luật, dich vụ pháp lý đang có vướng mắc, không tuân thủ quy định pháp luật về Luật Luật sư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Điển hình, ngày 07/3/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh để hướng dẫn về đăng ký kinh doanh ngành, nghề “hoạt động pháp luật”. Trong đó, hướng dẫn “trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của Luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp” (điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD).

Nội dung hướng dẫn này gây tranh cãi trong xã hội, dư luận báo chí, đặc biệt Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản có kiến nghị xem xét tính hợp pháp của hướng dẫn này.

Sau đó,Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã kiểm tra và đã có kết luận hướng dẫn tại điểm b Mục 2 Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD không phù hợp với quy định của Luật Luật sư, Nghị quyết số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư, Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) và Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 359/TB-VPCP ngày 09/10/2019 của Văn phòng Chính phủ, sau khi trao đổi với Bộ Tư pháp nhằm thực hiện quy định của pháp luật chuyên ngành, đồng thời đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho người dân và doanh nghiệp, ngày 23/7/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 4750/BKHĐT-ĐKKD về việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với ngành, nghề kinh doanh “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng”: Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” (mã ngành 69101 theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam), bao gồm hoạt động “tham gia tố tụng”, “đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng” thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư, không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với mã ngành này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, đối với ngành, nghề kinh doanh “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý”:

- Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11, không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với ngành, nghề này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

-  Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn và dịch vụ khác mà ngành, nghề kinh doanh không bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” (ví dụ: tư vấn tài chính; tư vấn thuế; tư vấn đăng ký doanh nghiệp; tư vấn du học; dịch vụ xin visa, giấy phép lao động, thể tạm trú cho người nước ngoài...) thì thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp đã được Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề có cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý”, “tham gia tố tụng”,“đại diện ngoài tố tụng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Luật sư, doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký lại tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11.

Chính phủ báo cáo Quốc hội, đề xuất phương án xử lý bất cập của Luật Đầu tư, Luật Luật sư theo hướng: Sửa đổi Điều 4, Điều 22 Luật Luật sư quy định liên quan của Luật Luật sư nhằm làm rõ khái niệm “dịch vụ pháp lý” và “hành nghề luật  sư”, xác định rõ chủ thể thực hiện là Luật sư và Người có đủ điều kiện thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, để tránh  hiểu nhầm bất kỳ doanh nghiệp nào, cá nhân nào cũng có thể thể thực hiện dịch vụ pháp lý “hành nghề  Luật sư” mà không cần đáp ứng về tiêu chuẩn, điều kiện gì. Đồng thời, sửa quyết định số 27/2018/QĐ- TTg theo hướng quy định rõ hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải thực hiện theo quy định của pháp luật  chuyên ngành.

Luật sư HỒNG HÀ

Đề xuất bổ sung hình thức cung cấp sản phẩm đo đạc, bản đồ dạng trực tuyến

Từ khoá : lsvn.vn LSVN