Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải thể hiện mức thù lao Luật sư

17/12/2022 11:31 | 1 năm trước

(LSVN) - Hiện nay, tôi muốn khởi kiện tại Tòa án về việc tranh chấp thừa kế do cha mẹ tôi đã mất năm 2020 để lại. Khi tôi đến Công ty luật TNHH A để nhờ Luật sư đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ kiện này thì đại diện theo pháp luật của Công ty luật này là Giám đốc là Luật sư B. không giải thích về cách tính thù lao Luật sư, chỉ nói là do tùy tôi đưa ra mức thù lao. Nếu Luật sư B. thấy được thì Công ty đồng ý, còn thấp hay cao quá thì sẽ tăng, giảm trên cơ sở thương lượng giữa hai bên và không cần ghi vào hợp đồng dịch vụ pháp lý mà ghi vào văn bản riêng khác. Vậy, nếu tôi và Công ty luật TNHH A giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý có nội dung là mức thù lao Luật sư sẽ do hai bên thỏa thuận bằng văn bản riêng nhưng không vượt quá 10% giá trị tài sản mà tôi nhận được trên thực tế thì có đúng quy định của pháp luật không? Bạn đọc N.V.Q. hỏi.

Ảnh minh họa.

Thù lao Luật sư (phương thức, căn cứ tính thù lao; mức thù lao, phương thức và thời hạn thanh toán thù lao,...) là một trong những nội dung cơ bản trong quan hệ dịch vụ pháp lý giữa bên nhờ và bên cung cấp dịch vụ pháp lý (các bên). Đây cũng là nội dung mà nếu không thỏa thuận từ đầu hay không thỏa thuận rõ ràng giữa các bên trong hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản sẽ tiềm ẩn không ít nguy cơ dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, làm đổ vỡ mối quan hệ mà có khi đã được các bên xác lập, phát triển trong một thời gian dài. 

Theo Quy tắc 8 và Quy tắc 10.5 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam: “Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ mức thù lao.

Còn tại khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 26 của Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 (viết tắt là Luật Luật sư) đã quy định: “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức”; “hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản”; “phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có)” là một trong sáu nội dung chính có trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Như vậy, bạn nên đề nghị đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) của Công ty luật TNHH A giải thích cho bạn biết những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao theo quy định tại Điều 54, Điều 55, Điều 56 của Luật Luật sư và các quy định pháp luật, các quy tắc khác có liên quan. Trên cơ sở đó, bạn và đại diện hợp pháp của Công ty luật TNHH A thỏa thuận về vấn đề thù lao Luật sư, các khoản chi phí khác (nếu có) và đề nghị thông báo rõ ràng cho bạn về mức thù lao, chi phí; cũng như ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý về phương thức tính và mức thù lao cụ thể, các khoản chi phí (nếu có).

Trong trường hợp bạn và đại diện hợp pháp của Công ty luật TNHH A vẫn thỏa thuận giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý mà có nội dung về thù lao Luật sư như Ông đã nêu trong câu hỏi ở trên là không đúng quy định của pháp luật, chứa đựng không ít nguy cơ dẫn đến tranh chấp, để lại những hậu quả pháp lý không tốt.

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM

Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam