/ Trợ giúp pháp lý
/ Hướng dẫn phân bổ kinh phí được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương

Hướng dẫn phân bổ kinh phí được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương

27/01/2024 12:16 |

(LSVN) - Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 1058/BTC-KBNN về việc phân bổ kinh phí được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, triển khai Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, theo đó thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2023 và tiếp tục triển khai Nghị quyết 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân bổ kinh phí từ nguồn cải cách tiền lương để thực hiện mức lương tăng thêm (từ mức lương cơ sở hiện hành lên mức lương mới) và tiếp tục thực hiện tích lũy nguồn cải cách tiền lương theo quy định, như sau:

- Theo phân loại dự toán tại Công văn 15601/BTC-KBNN ngày 17/11/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn kế toán dự toán, lệnh chi tiền ngân sách trung ương, mã tính chất nguồn 14 - Kinh phí thực hiện chính sách tiền lương, bao gồm các nguồn kinh phí để thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sơ, bảo trợ xã hội (sau đây gọi là nguồn cải cách tiền lương).

- Đối với nguồn cải cách tiền lương được theo dõi, quản lý tại các đơn vị sử dụng ngân sách:

(i) Các đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hạch toán, theo dõi riêng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương (mã tính chất nguồn 14, theo dõi việc tạo nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương), không được phép chi ra khi chưa có quyết định của cấp thẩm quyền và được chuyển sang năm sau theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước 2015.

(ii) Cơ quan tài chính, đơn vị dự toán các cấp có trách nhiệm xác định số sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương để xử lý tăng lương từ mức lương cơ sở hiện hành lên mức lương mới ngoài quỹ tiền lương tại quyết định giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

(iii) Trên cơ sở quyết định của cấp có thẩm quyền về giao dự toán cho đơn vị sử dụng ngân sách (sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương để chi phần chênh lệch tăng thêm từ mức lương cơ sở hiện hành lên mức lương cơ sở mới), Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện hạch toán chuyển từ nguồn để cải cách tiền lương (mã tính chất nguồn 14) sang Quỹ lương cơ bản để thực hiện chi cải cách tiền lương.

- Đối với nguồn cải cách tiền lương tích lũy đang được theo dõi, quản lý tại cấp ngân sách: Khi sử dụng nguồn cải cách tiền lương đang được theo dõi, quản lý tại cấp ngân sách bổ sung dự toán để thực hiện chi cải cách tiền lương, cơ quan tài chính thực hiện phân bổ và giao dự toán vào Quỹ lương cơ bản của đơn vị (không thực hiện phân bổ và giao dự toán chi lương phần tăng thêm vào nguồn cải cách tiền lương - mã tính chất nguồn chi 14). Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi trên cơ sơ quyết định giao dự toán của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, mục tiêu tổng quát của chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...

HUY NGUYỄN

Nguyễn Mỹ Linh