/ Tin tức
/ Doanh nghiệp tư vấn du học và những rủi ro khi học viên bỏ học

Doanh nghiệp tư vấn du học và những rủi ro khi học viên bỏ học

07/09/2024 11:01 |4 tháng trước

(LSVN) - Dù đã ký hợp đồng thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện nhưng khi học viên bỏ học giữa chừng mà không có lý do xác đáng khiến các công ty tư vấn du học phải đối diện với rất nhiều rủi ro, thậm chí rơi vào nguy cơ phá sản. Đơn cử như mới đây vụ việc 03 học viên tại Công ty TNHH Du học và xuất khẩu lao động Kim Cương tự ý bỏ chương trình rồi quay lại đòi tiền và có hành vi tổ chức đưa người đến thách thức và uy hiếp đã gây thiệt hại lớn đến uy tín cũng như kinh tế của doanh nghiệp.

 Thích thì học, không thích… thì bỏ!

Thông qua công tác tư vấn du học tại trường và qua sự giới thiệu của cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên trường THPT Hàm Nghi, thuộc huyện Hương khê, tỉnh Hà Tĩnh, 03 thí sinh Đặng Viết Linh, Trần Văn Thành và Thái Nhật Quang đều là học sinh trường THPT Hàm Nghi, trú tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh đã đến Công ty TNHH Du học và xuất khẩu lao động Kim Cương có địa chỉ tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An để tìm hiểu các chương trình du học. Tại đây, sau khi tìm hiểu các chương trình du học hiện có, trên cơ cở nguyện vọng cá nhân, 03 học sinh đã thống nhất ký hợp đồng thỏa thuận chương trình thực tập có hưởng lương tại Đan Mạch.

Ông Hồ Kim Chính, Giám đốc Công ty TNHH du học và XKLĐ Kim Cương, đơn vị có uy tín lâu năm trong hoạt động tư vấn du học ở Nghệ An.

Theo các nội dung của hợp đồng thỏa thuận giữa 03 học viên (bên B) và Công ty TNHH Du học và Xuất khẩu lao động Kim Cương (bên A), gồm: 1. Phạm vi thỏa thuận; 2. thời gian thực hiện thỏa thuận; 3. nguyên tắc tài chính; 4. trách nhiệm của 2 bên; 5. điều khoản chung; 6, giải quyết tranh chấp. Cụ thể, theo điều 1 của hợp đồng, bên A giới thiệu tư vấn việc làm với bên đối tác của bên A về chương trình thực tập có hưởng lương tại Đan Mạch cho bên B để bên B nhận được visa của chương trình thực tập. Điều 2 của hợp đồng, bên A sẽ làm các thủ tục đóng visa cho học sinh trong vòng 5 tháng kể từ khi bên B nộp đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho bên A. Còn tại điều 3 của hợp đồng có nội dung, khi bên B phá vỡ hợp đồng thì bên B không được nhận lại số tiền đã đóng cho bên A.

Cũng tại điều 3 của hợp đồng ghi rõ: Số tiền bên A nhận của bên B để thực hiện công việc nói tại điều 1 của thỏa thuận là 250.000.000đ (chi phí này đã bao gồm thù lao của bên A). Chi phí này bên B sẽ chuyển cho bên A chia ra làm 04 lần, gồm: lần 1 là 30.000.000đ khi hai bên ký kết hợp đồng thỏa thuận (tiền đào tạo tiếng và tiền cọc ban đầu chương trình Đan Mạch); lần 2 là nộp 45.000.000đ sau 15 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận; lần 3 là 50.000.000đ khi bên B có kết quả đạt phóng vấn; lần 4 là 125.000.000đ khi bên B có kết quả đậu visa. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình tham chương trình thực tập có hưởng lương tại Đan Mạch, 03 học viên trên chỉ mới nộp được một phần kinh phí theo thỏa thuận.

Sau khi ký hợp đồng thỏa thuận, ba học viên Đặng Viết Linh, Trần Văn Thành và Thái Nhật Quang được Công ty TNHH Du học và xuất khẩu lao động Kim Cương tổ chức cho học ngoại ngữ từ ngày 31/10/2023, đến tháng 1/2024 thì các em đăng ký tham gia kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh (gọi tắt là IELTS) do hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội. Khi thi xong và đạt kết quả IELTS 3.0 – 3.5, Công ty đã yêu cầu các học viên này nộp lại chứng chỉ, cùng các giấy tờ có liên quan thì các học viên trên không những không thực hiện mà còn rút hộ chiếu và những giấy tờ khác trước đây đã nộp.

Không chỉ phá bỏ thỏa thuận với Công ty TNHH Du học và Xuất khẩu lao động Kim Cương mà trước đó các học viên này cũng đã tự ý bỏ ngang khi đang theo học tại một công ty ở Hà Tĩnh.

“Tôi là giáo viên trường Hàm Nghi, hàng năm có tiếp xúc với các công ty du học và XKLĐ về tư vấn tại trường. Khi học sinh có nhu cầu đi nước ngoài thường đến hỏi ý kiến tôi và tôi đã giới thiệu cho cho các em những công ty tôi biết được sở cấp phép hoạt động trong trường học tỉnh Hà Tĩnh để các em và gia đình tự cân nhắc lựa chọn”, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Giáo viên trường THPT Hàm Nghi, cho biết.

Cũng theo cô Thủy, sau khi cân nhắc, các em học sinh có nhu cầu đã chọn ký kết thỏa thuận với Công ty Letco Hà Tĩnh – Groupở Hà Tĩnh để đi Nhật và đã kí kết thoả thuận. Thế nhưng, sau gần 2 tháng theo học các em lại muốn thay đổi chuyển sang đi Châu Âu. Vì là người gới thiệu, lại cũng có mối quan hệ bạn bè với giám đốc Công ty Letco Hà Tĩnh - Group và để giúp các em, cô Thủy đã đến công ty xin lại toàn bộ số tiền mà các em đã nộp. Sau đó được các em nhờ, cô Thủy tiếp tục giới thiệu đến Công ty TNHH Du học và Xuất khẩu lao động Kim Cương, doanh nghiệp có uy tín lâu năm trong lĩnh vực du học ở Nghệ An. Và một lần nữa, các học viên này không hiểu vì sao khi đã được công ty đào tạo tiếng đạt theo yêu cầu, chỉ cần làm visa nữa là “lên máy bay” thì lại bỏ ngang giữa chừng.

Doanh nghiệp “lao đao” vì học viên

Tự ý phá bỏ thỏa thuận và sau khi rút hết hồ sơ, các học viên này quay lại công ty đòi tiền đã nộp với thái độ không hợp tác. “Trong quá trình hoạt động, công ty chúng tôi luôn đặt trách nhiệm, uy tín lên hàng đầu, đặc biệt là luôn làm mọi cách để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho các học viên. Sự cố 03 học viên bỏ dở chương trình mà không có lý do xác đáng trên, chúng tôi đã đề nghị các em cùng nhau giải quyết thông qua thương lượng hòa giải nhưng không được. Thậm chí các học sinh này còn đưa một số người không liên quan tới Công ty để thách thức và uy hiếp sẽ quay video, chụp ảnh và sẵn sàng bỏ tiền ra chạy quảng cáo trên các mạng xã hội để nói xấu, vu khống, bịa đặt cho công ty với mục đích bôi nhọ hình ảnh và uy tín của Công ty nhằm tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hồ Kim Chính, Giám đốc Công ty TNHH Du học và xuất khẩu lao động Kim Cương, cho biết.

Biên bản thỏa thuận giữa Công ty TNHH du học và XKLĐ Kim Cương với ông Trần Văn Thành về chương trình thực tập có hưởng lương tại Đan Mạch.

Ngoài đưa người đến gây áp lực, uy hiếp gây ảnh hưởng về uy tín, ông Chính cho biết việc các học viên tự ý phá vỡ hợp đồng thỏa thuận đã ký kết khiến công ty phải chịu tổn thất nặng nề về kinh tế vì phải bồi thường theo hợp đồng đã ký với đối tác. Cụ thể, theo thỏa thuận với đối tác Đan Mạch đã bị phá vỡ, mỗi năm phía đối tác sẽ nhận của công ty 100 người, mỗi người công ty có lợi nhuận 15 triệu đồng thì mức thiệt hại lên đến 1,5 tỉ đồng/năm. Còn đối với việc các học viên đã ký hợp đồng như trên, phía công ty phải bồi thường cho đối tác Đan Mạch 500.000.000đ/trường hợp.

Trao đổi về các căn cứ pháp lý khi xử lý tình huống tranh chấp này, luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Trưởng Văn phòng Luật sư Tuổi Trẻ cho biết: Căn cứ nội dung trong hợp đồng thỏa thuận có giá trị pháp lý và quá trình thực hiện các điều khoản đã được hai bên ký kết cho thấy lỗi thuộc về các học viên. Vì các học viên là bên vi phạm thỏa thuận khi tự ý bỏ giữa chừng, còn phía doanh nghiệp vẫn đang nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc các học viên tự ý phá bỏ thỏa thuận và điều quan trọng nhất là khi có tranh chấp xẩy ra thì hai bên phải giải quyết thông qua thương lượng hòa giải để tìm phương án giải quyết hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi mỗi bên.

Trong lĩnh vực du học và xuất khẩu lao động, thường dư luận chỉ quan tâm bảo vệ người lao động nhưng không biết rằng chính nhờ có các doanh nghiệp này mà hàng triệu người mới có cơ hội ra nước ngoài để học tập, làm việc nhằm thay đổi cuộc sống. Và, đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì việc bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động cũng luôn được họ đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, mặc dù đã có hợp đồng thỏa thuận với các điều khoản theo quy đinh pháp luật nhưng khi có sự cố xảy ra, các doanh nghiệp thường là bên chịu tổn thất nặng nề cả về uy tín lẫn kinh tế và đành phải tự mình “ôm hận”.

HỮU TRỌNG - ĐÌNH THÔNG

Tiến Đạt
LSVN