/ Tích hợp văn bản mới
/ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 phải bám sát dự báo

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 phải bám sát dự báo

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Gần 340.000 tỉ đồng thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

Ảnh minh họa. 

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự báo tình hình trong nước, khu vực, thế giới có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2023 phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thể hiện sự quyết liệt, phấn đấu đạt được mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phấn đấu đạt được mục tiêu theo chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (đối với các địa phương); phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; đảm bảo kế thừa những thành quả đã đạt được, có đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các mục tiêu, định hướng phải nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt lưu ý những vấn đề như ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và thương mại của các đối tác, rủi ro của thị trường bất động sản, tài chính, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 trong nước và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,… mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn; các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu.

Đồng thời, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2023 bảo đảm thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu của năm 2023, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương. Trong đó, kế thừa và phát huy những kết quả công tác, khí thế thời gian qua; không chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả và không hình thức, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Ngoài ra, Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, 5 năm 2021- 2025. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài…

PV

Đâu là bức xúc của nhân dân về sách giáo khoa?

Nguyễn Mỹ Linh