Khu kinh tế đặc biệt với sự phát triển của nền kinh tế các nước chậm phát triển

10/08/2018 16:30 | 5 năm trước

LSVNO - Với sự bùng nổ các cuộc cách mạng thông tin, số hóa, công nghệ na-nô, rô bốt và trí tuệ nhân tạo, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã đem lại hy vọng cho việc cứu nguy trái đất bằng sự...

LSVNO - Với sự bùng nổ các cuộc cách mạng thông tin, số hóa, công nghệ na-nô, rô bốt và trí tuệ nhân tạo, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã đem lại hy vọng cho việc cứu nguy trái đất bằng sự phát triển và duy trì nền kinh tế xanh, sạch, đẹp, bền vững. Tiêu tốn ít năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, tạo ra những dạng nguyên vật liệu mới … là những điều khác biệt của CMCN lần IV so với các cuộc CMCN trước đây.

CMCN 4.0 và sự thay đổi về trật tự thế giới

Các cuộc CMCN lần I, II và III đã đem lại những thay đổi lớn lao về chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Của cải làm ra nhiều vô kể. Năng suất một ngày lao động của thời kỳ CMCN bằng cả nhiều thiên niên kỷ của thời kỳ sản xuất thủ công nghiệp. Nhưng chưa kịp tận hưởng những thành tựu, nhân loại đã phải đón nhận những mặt trái vô cùng tệ hại của nền “công nghiệp ống khói”- tên gọi các cuộc CMCN trước đây. Các cuộc CMCN lần I, II, III là những “con thú phàm ăn”. Chúng ăn không biết no và không có điểm dừng. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến tận đáy. Môi trường sống không riêng của con người mà cả muôn loài động vật, thực vật bị hủy hoại. Không phải là viển vông khi có những nhà nghiên cứu đã hướng ống kính viễn vọng đến những ngôi sao cách trái đất hàng vạn, tỷ năm ánh sáng với hy vọng tìm ra được hành tinh mới cho nhân loại khi tương lai ảm đạm của chiếc nôi loài người đang đến gần. 

CMCN lần IV, còn gọi là cách mạng 4.0 xuất hiện đã đem lại nhiều hứa hẹn sáng sủa trong lúc nhân loại đang đứng trước nhiều vấn đề nan giải. Với sự bùng nổ các cuộc cách mạng thông tin, số hóa, công nghệ na-nô, rô bốt và trí tuệ nhân tạo, cuộc CMCN 4.0 đã đem lại hy vọng cho việc cứu nguy trái đất bằng sự phát triển và duy trì nền kinh tế xanh, sạch, đẹp, bền vững. Tiêu tốn ít năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, tạo ra những dạng nguyên vật liệu mới, giảm thiểu tối đa quy mô các khu công nghiệp, thay lao động cơ bắp bằng lao động chất xám… là những điều khác biệt của CMCN lần IV so với các cuộc CMCN trước đây. Các nước thực hành CMCN 4.0 đã giàu nay càng giàu mạnh hơn. Có một số nước, đất không rộng, người không đông, tài nguyên thiên nhiên khan hiếm nhưng do sớm bước vào CMCN lần IV nên chỉ sau ba thập niên, từ nước có xuất phát điểm rất thấp, đã vươn lên thành nước giàu có. Trong lúc đó có những nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên, có thể nói là nằm trên đống vàng, nhưng nhân dân nước ấy vẫn chìm đắm trong lạc hậu, đói nghèo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và chiến tranh liên miên. Cũng từ đây xuất hiện quan điểm phân chia các nước trên thế giới thành ba loại: 1) các nước phát triển (nhóm G.7); 2) các nước đang phát triển; 3) các nước chậm phát triển. Các cuộc CMCN 4.0 không dừng lại ở chỗ thay đổi tên gọi, về hạ tầng cơ sở. Nó còn dẫn đến nhiều thay đổi về thượng tầng kiến trúc: về học thuyết, quan điểm, về quan hệ quân sự, kinh tế, ngoại giao… giữa các nước, có thể nói là thay đổi cả về địa vị các nước và trật tự thế giới. Điều đáng lo ngại nhất là chiều hướng thay đổi ngày càng có lợi hơn với các nước phát triển. Với các nước đang và chậm phát triển thì khoảng cách tụt hậu ngày càng xa. 

 Ảnh minh họa.

Đường thoát hiểm của các nước nghèo

Trong con mắt của nhân dân các nước nghèo, lạc hậu, mức sống, điều kiện sống của người dân ở các nước phát triển là điều họ mong mỏi nhất. Đó là thiên đường trên trái đất mà họ ước mơ được đặt chân đến. Làn sóng di cư của nhân dân các nước chậm phát triển ngày càng nóng, bất chấp việc có nhiều người đã bị chết, mất tích trong quá trình tìm đường đi đến miền đất hứa.

Chính phủ các nước đang và chậm phát triển đã nhận ra được lý do đói nghèo của đất nước họ. Đó là sự thiếu vốn và lạc hậu về công nghệ. Mở rộng cửa để thu hút vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến của nước ngoài trở thành chủ trương quan trọng của các nước thuộc thế giới thứ ba. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, đặc khu kinh tế… được thành lập nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong hợp tác đầu tư với nước ngoài, các nước chậm phát triển chỉ có nhân công giá rẻ, đất đai, nguyên liệu thô, tài nguyên chưa được khai thác. Đó là những điều hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng như thế chưa đủ! Để thu hút được nhiều nhà đầu tư, các nước này đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi bằng cách hạ thấp thuế; tạo thuận lợi tối đa trong việc chuyển lợi nhuận về nước; kéo dài thời hạn thuê đất; bỏ qua, hạ thấp các tiêu chí bảo vệ môi trường… Kết quả là trong một thời gian tương đối ngắn, đời sống kinh tế, xã hội các nước này có sự thay đổi đáng kể. Sự mở cửa hội nhập với thế giới đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế của các nước chậm và đang phát triển có những chuyển biến khích lệ. Cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường không, các trung tâm du lịch, khách sạn, giải trí, các sòng bạc, các sân gôn, các khu bất động sản cao cấp mọc lên như nấm. Đông đảo nhân dân được hưởng thụ các sản phẩm của nền công nghệ cao như ti-vi, tủ lạnh, máy vi tính, điện thoại cầm tay, xe máy, ô tô…  Người dân các nước chậm phát triển lạc quan và hy vọng một xã hội phồn vinh đang đến với họ.

Sự trả giá đắt của việc cải cách mở cửa kinh tế chệch hướng và thiếu chọn lọc

Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy số đặc khu kinh tế lên đến hàng nghìn ở nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Tuy vậy, thành công trong việc lập ra các khu kinh tế đặc biệt, các khu chế xuất không nhiều. Chủ trương ồ ạt mở ra nhiều khu kinh tế đặc biệt, nhiều công trình đầu tư vượt quá khả năng quản lý của bộ máy nhà nước khiến cho nước họ lâm vào nợ nần không có khả năng chi trả. Tình trạng an ninh, trật tự xã hội trở nên rối ren mà không thể kiểm soát. Nhân dân nhiều nước khu vực Thái Bình Dương, châu Á, Phi, Mỹ La tinh mất công ăn việc làm vì người lao động nước ngoài ồ ạt nhập cư vào. Chính phủ các nước này tỏ ý hối tiếc vì không kịp nhận ra sự chệch hướng do nôn nóng, thiếu chọn lọc trong kêu gọi đầu tư. Một số nước buộc phải để cho nước ngoài thuê nhượng lãnh thổ của họ làm căn cứ quân sự trong thời hạn 99 năm vì không đủ sức trả món nợ khổng lồ cho việc vay tiền để phát triển hạ tầng cơ sở. Mục đích của kêu gọi đầu tư của nước ngoài là để khắc phục sự tụt hậu, tăng cường sức mạnh của đất nước, nhưng do chệch hướng nên chủ quyền của đất nước đã bị đe dọa. Khi đã sa vào tình trạng vỡ nợ thì nói đến việc bảo vệ chủ quyền là điều nan giải.

Vỡ nợ không phải là hậu quả duy nhất. Nguy hại hơn là các nước chậm phát triển đang bị biến thành bãi rác của các nước phát triển. Các nước tư bản rất lão luyện trong nền kinh tế thị trường. Trong lúc họ đang không biết phải làm gì với khối lượng máy móc, công nghệ lạc hậu của nền “công nghiệp ống khói”, bỗng thấy các nước chậm và đang phát triển là nơi để họ thanh toán cục bướu đang đè nặng trên lưng họ. Thế giới thứ ba trở thành nơi đón nhận công nghệ lạc hậu, tệ hại hơn là trở thành nơi chứa đựng rác thải công nghiệp. Các nước có nền công nghệ cao lập ra các nhà máy để thu lợi trong việc sử dụng nhân công giá rẻ, nhưng họ cố tình lờ đi việc chuyển giao công nghệ cho nước sở tại. Vì vậy giá trị gia tăng trong các sản phẩm của các nước thế giới thứ ba rất thấp. Xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô. Công nghiệp phần lớn là công nghiệp gia công, lắp ráp. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng thực tiễn thu nhập bình quân đầu người hàng năm của nước sở tại tăng chậm và thấp. Phần lớn lợi nhuận rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ trương mở rộng cửa của các nước chậm phát triển đã giúp họ vươn lên thành nước đang phát triển nhưng lại rơi ngay vào bẫy nước có thu nhập trung bình. Sự tụt hậu của các nước thuộc thế giới thứ ba ngày càng xa hơn. Hình ảnh “con gà đẻ trứng vàng” bằng cách mời chào đầu tư đã tắt ngấm trong suy nghĩ của nhân dân và chính phủ các nước chậm phát triển.

Đó là những nguyên nhân khiến cho chủ trương lập các khu chế xuất, các đặc khu kinh tế ở nhiều nước trên thế giới này không còn háo hức như trước và đã chững lại. Một số nước thuộc thế giới thứ ba đã hủy giấy phép đầu tư có giá hàng trăm tỷ đô-la vì họ nhận ra nguy cơ phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Cần có sự định hướng đúng trong mở cửa, cải cách kinh tế

Xét về tương quan lực lượng cho thấy các nước trên thế giới đều phụ thuộc lẫn nhau. Không một nước nào, cho dù là nước giàu mạnh nhất có thể tồn tại với chủ nghĩa đơn cực. Việc mở rộng sự hội nhập với kinh tế thế giới là xu thế tất yếu. Nhưng để tránh việc lặp lại những sai lầm trong chủ trương mở cửa và cải cách kinh tế thì điều trước tiên cần phải có sự định hướng đúng. Trải qua nhiều thập niên, những người hoạch định chính sách mới rút ra được kết luận “không đánh đổi môi trường để lấy sắt thép”. Công nghiệp sản xuất nhôm và sắt thép ngày nay được xem là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng và gây tác hại đến môi trường nhiều nhất. Trung Quốc đã có chủ trương đóng cửa và hạn chế các nhà máy khai thác, chế biến nhôm và sắt thép ở nước họ. Họ đã bỏ ra nhiều khoản tiền lớn để lập ra các nhà máy luyện thép ở các nước thuộc thế giới thứ ba và kể cả ở nước Mỹ. Với một mũi tên trúng nhiều đích, Trung Quốc đã thu về nhiều món lợi, vừa tránh được những tác hại về môi trường xảy ra ở nước họ, vừa sản xuất ra nhiều sắt thép, lại tránh được việc đánh thuế bán hạ giá sản phẩm do che giấu được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Nhiều trung tâm mua bán, khu giải trí, sòng bạc của Trung Quốc lập ra tại các nước nghèo chỉ nhận thanh toán bằng tiền Trung Quốc. Nước sở tại chẳng được hưởng chút lợi lộc gì.

Để nhanh chóng khỏa lấp khoảng cách tụt hậu, nhất thiết phải tiến hành cải cách mở cửa kinh tế theo ba mục đích thống nhất: 1) Thu hút và phát triển công nghệ tiên tiến của nước nhà, 2) Nhanh chóng đào tạo đội ngũ lao động đông, giàu chất xám, 3) Nhạy bén trong đổi mới về cơ chế quản lý. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, đặc điểm của mỗi nơi, các địa phương có thể sáng tạo, thành lập các tổ chức kinh tế khác nhau nhưng mục đích của việc mở cửa cải cách kinh tế phải theo đúng những mục đích thống nhất đã nêu. Dùng bất biến để ứng vạn biến. Nên dùng ba mục đích trên đây để soi xét, cân nhắc kỹ để lựa chọn các nhà đầu tư, các ngành nghề đầu tư. Với cách làm như vậy sẽ tránh được những sai lầm trong kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà một số nơi đã mắc phải.

Để nhanh chóng có được đội ngũ lao động đông đảo và giàu chất xám, đáp ứng được phong trào khởi nghiệp trong cả nước cũng cần có sự đổi mới trong giáo dục. Thay cho việc duy trì các trường đại học “bách khoa”, nên có sự chuyển đổi thành trường đại học “chuyên khoa” và gắn liền việc đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động bằng các hợp đồng có sự quy định về quyền, lợi ích của các bên trong đào tạo và sử dụng lao động. Cách làm này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí ngân sách Nhà nước và thực hiện được nguyên tắc gắn liền học với hành.

Trong đổi mới công nghệ, một mặt Nhà nước ta cần có chính sách thu hút chất xám của người nước ngoài, đặc biệt là của Việt kiều, mặt khác cần có chính sách thích đáng để phát triển chất xám của bản thân người trong nước. Chúng ta đã thành lập hai khu công nghệ cao là Hòa Lạc và thành phố Hồ Chí Minh. Gần đây đã có chủ trương khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều sáng tạo trong phát minh, sáng chế, kinh doanh sản xuất. Nhưng chưa đủ. Có những Việt kiều muốn đem tài sản và kiến thức về phục vụ đất nước nhưng họ vẫn vấp phải những rào cản vô hình. Nhiều chuyên gia cảm thấy họ chưa được hưởng thụ ngang với tài năng và kết quả của họ mang lại cho đất nước. Sự chảy máu chất xám của Việt Nam đang xảy ra.

Việc đào tạo được đội ngũ đông đảo lao động giàu chất xám là người trong nước là yếu tố đem lại những thay đổi cơ bản hơn là dựa vào người nước ngoài. Dựa vào nước ngoài thì luôn ở vào thế phụ thuộc.

Các nhà lý luận kinh điển có nói rằng, hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc, hay nói cách khác, thượng tầng kiến trúc phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở. Cuộc cách mạng 4.0 là một sự thay đổi lớn của nhân loại bắt đầu từ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Tuy vậy việc vận dụng cuộc CMCN lần thứ IV phải đúng mục đích của nó, không để nó bị lái chệch hướng. Chệch hướng, như Đảng ta đã kết luận, là một trong những nguy cơ lớn đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

TS. LS Đỗ Ngọc Thịnh

LS Lê Đức Tiết

Các nghịch lý:

- Muối trong nước không tiêu thụ được nhưng vẫn nhập khẩu muối.

- Kêu thiếu than nhưng vẫn xuất khẩu than với giá thấp, mua giá cao.

- Nhập khẩu cả tăm tre xỉa răng, xa xỉ phẩm, rượu, thuốc lá…

- Sự lạm phát sân gôn, khu resort, biệt thự, khu du lịch, các khu đô thị, các công trình nhà ở cao cấp… dẫn đến việc làm phát sinh các nhóm lợi ích (sự cấu kết giữa các công chức thoái hóa với bọn ma-fi-a trong kinh tế). Tệ nạn tham nhũng tăng, môi trường bị hủy hoại, làm phát sinh nhiều khiếu kiện về đất đai trong dân… Thời lượng dành cho quảng cáo sân gôn, khu re-sort, biệt thự cao cấp dày đặc trong các chương trình phát thanh quảng cáo. Tỷ phú bất động sản nhiều. Tỷ phú về công nghệ rất ít.

- Việc mở rộng các nhà máy bia, sản xuất nước giải khát có ga đã gây nên tình trạng nghiện ngập không lợi cho sức khỏe, nạn béo phì trong con trẻ và giới trẻ. Theo con số thống kê do các báo nêu ra mức tiêu thụ bia, rượu của người VN cao hơn so với dân các nước Đông Nam Á và thế giới (!)

- Có nên cho mở các sòng bạc không?

Phương hướng khắc phục:

- Định hướng và kiểm tra việc tuân thủ định hướng trong kêu gọi đầu tư theo ba mục đích: phát triển công nghệ cao; đào tạo được đội ngũ lao động chất xám cao; đổi mới cơ chế, chính sách và cách quản lý;

- Nỗ lực hơn, tích cực hơn trong phòng chống tham nhũng;

- Đổi mới sự nghiệp giáo dục theo hướng xã hội hóa và thành lập các trường đại học chuyên khoa;

- Đổi mới chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội.        

Lịch sử phát minh sáng chế:

- 1764 James Hagrave phát minh xe kéo sợi – 16-18 cọc sợi;

- 1769 Richard Arkwright cải tiến xe kéo sợi bằng sức nước;

- 1784 James What phát minh máy chạy bằng hơi nước;

- 1807 Robert Fulton phát minh tàu thủy chạy bằng hơi nước;

- 1885 Henry Besemer phát minh lò cao luyện thép.

Các cuộc CMCN:

CMCN lần I: Sản xuất thủ công chuyển sang sản xuất bằng máy móc;

CMCN lần II:1871-1914, động cơ chạy bằng hơi nước, động cơ đốt trong, động cơ chạy bằng điện;

CMCN lần III: 1969 –1997 cách mạng thông tin, số hóa, máy tính, tự động hóa;

CMCN lần IV: những năm cuối thế kỷ XX- những năm đầu của thế kỷ XXI: siêu máy tính, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo, công nghệ na-nô, ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh…, kết nối, những dạng nguyên vật liệu mới, nền công nghiệp xanh, sạch, đẹp, bền vững;

Sơ-ri-lan-ca nhượng cảng chiến lược quân sự Hambantota cho Trung quốc trong 99 năm do thiếu nợ (tin Tuổi trẻ online ngày 05/7/2018). Cảng nước sâu Hambantota đã cho Trung Quốc thuê 99 năm với giá 1,12 tỉ USD. Chính phủ Sri Lanka cho biết họ buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu có vị trí chiến lược này tới 99 năm bởi không thể hoàn trả khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng cảng này của chính quyền cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse (2005-2015);

Chủ dự án đường sắt bờ đông của Ma-lai-xi-a (ECRL) trị giá 20 tỷ USD Mỹ đã tuyên bố dừng thi công công trình với Trung quốc do nhiều nguyên nhân, trong đó có lợi ích quốc gia (tin VN Express ngày 05/7/2018).