Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo do Luật sư Hồ Xuân Hợp - Chủ nhiệm và Luật sư Nguyễn Trọng Điệp - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An chủ trì.
Tại Hội thảo, các Luật sư đều ghi nhận Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là sự đổi mới trong cải cách tư pháp ở nước ta, có nhiều điểm ưu việt, nhưng thực tế thực hiện thì còn bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, trong Luật nói rất rõ Luật sư được tham gia khi vụ án mới bắt đầu điều tra, nhưng thực tế các vụ án Luật sư tham gia từ đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là Luật sư trẻ chưa có kinh nghiệm.
Luật sư Hồ Xuân Hợp - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An khai mạc Hội thảo.
Luật sư Nguyễn Thị Quang với kinh nghiệm nhiều năm làm Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Vinh chia sẻ: “Để Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, tạo thuận lợi cho mình thì Luật sư phải có kiến thức, nắm chắc về luật, trao đổi thẳng thắn cùng nhau thực thi pháp luật đã quy định”.
Luật sư Nguyễn Quang Tiến, nguyên Trưởng Phòng Ma túy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cho rằng: “Án hình sự Luật sư vào từ đầu là đúng, tránh được oan sai, ép cung, bức cung. Ai ngăn cản không để Luật sư tham gia khi bắt đầu điều tra vụ án là sai”.
Luật sư Nguyễn Duy Khang cho rằng giám định trong các vụ án hình sự còn nhiều bất cập, không chính xác, gây oan sai rất lớn. Luật sư Khang nêu dẫn chứng một vụ án hình sự Luật sư tham gia bào chữa, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định 11%, nhưng khi về tỉnh giám định lên 68%. Luật sư thấy vô lý yêu cầu phải giám định lại, nhưng Tòa không chấp nhận, khi Tòa tuyên án dựa vào giám định 68%. Luật sư Khang cho rằng bị cáo oan sai.
Tại Hội thảo, các Luật sư khác cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm. Theo đó, để Tòa chấp nhận giám định lại, Luật sư phải đưa ra được những điểm bất hợp lý, không đúng luật bản giám định mình yêu cầu giám định lại. Luật sư không đưa ra được những điểm chưa chuẩn, thiếu chính xác, không khách quan thì Tòa không chấp nhận.
Luật sư Nguyễn Trọng Điệp nêu kinh nghiệm: “Luật sư tham gia một vụ án để thuận lợi việc đầu tiên phải làm đầy đủ thủ tục như luật đã quy định. Nếu Luật sư làm đầy đủ thủ tục theo pháp luật quy định, thì không ai có quyền ngăn cản Luật sư làm việc. Trong quá trình làm việc Luật sư có quyền thay đổi người tố tụng. Để thực hiện điều này Luật sư phải căn cứ theo luật, phải có chứng cứ thật chắc chắn, có kiến nghị”.
Một số Luật sư trăn trở vai trò của Luật sư tại phiên tòa nhiều khi còn bị xem nhẹ, thậm chí có phiên tòa Chủ tọa mời Luật sư ra khỏi phòng xét xử. Luật sư Hồ Xuân Hợp – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho rằng: “Hiện tượng này nay đã tiến bộ nhiều, nhưng phải có thời gian mới khắc phục được”.
Luật sư Nguyễn Trọng Hải với tham luận được nhiều Luật sư quan tâm.
Luật sư Nguyễn Trọng Hải trao đổi: “Có vụ án Chủ tọa phiên tòa mời Luật sư ra ngoài, nhưng Luật sư đề nghị Chủ tọa phiên tòa nếu rõ lý do, nếu Luật sư vi phạm thì chấp hành, Luật sư không vi phạm thì yêu cầu Tòa phải thực hiện đúng luật đã quy định, để đảm quyền lợi của Luật sư".
Các Luật sư tham gia Hội thảo.
Thời gian diễn ra Hội thảo tuy không dài nhưng là một cuộc trao đổi kinh nghiệm rất bổ ích cho các Luật sư, đặc biệt Luật sư trẻ mới vào nghề.
HẢI HƯNG
Một số vấn đề về áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng ở Việt Nam hiện nay