/ Đời sống - Xã hội
/ Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú: Đức Thọ miền địa linh nhân kiệt

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú: Đức Thọ miền địa linh nhân kiệt

19/04/2024 15:02 |

(LSVN) - Đức Thọ là miền Địa Linh, nơi có “Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa”. Đức Thọ có núi Nhạc Sạc, núi Bột Sơn, Núi Cu Nhe, núi Trà Sơn, núi Linh Cảm... 02 con sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu giao nhau ở bến Tam Soa, hình thành nên Sông La. Miền địa linh ấy sinh ra nhân tài là không có gì phải bàn luận.

Một góc nhìn trên quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Tại cuốn “Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh” của Thái Kim Đỉnh viết về đời nhà Trần đến đời nhà Nguyễn. Ở trang 29 có một bản tổng hợp, trong mục Tiến sĩ đời Trần-Hồ có 06 vị: Đức Thọ có 05 vị, Can Lộc chỉ có 01 vị. 

Các vị Tiến sĩ thời Lê Mạc đến thời Lê Trung Hưng. Cả Hà Tĩnh có 90 người, riêng Đức Thọ có đến 19 vị.

Thời Tây Sơn có một danh nhân học rộng tài cao đó là Nguyễn Thiếp, ông sinh năm 1723, mất năm 1804. Ông là danh sĩ cuối đời hậu Lê và Tây Sơn. Ông là người xây dựng Phương Hoàng Trung Đô, thủ đô mới của vương triều Tây Sơn. Nguyễn Thiếp sinh ở Tổng Lai Thạch, huyện La Sơn; vì vậy vua Quang Trung gọi ông bằng biệt hiệu: La Sơn Phu Tử.

Đời nhà Nguyễn, số Tiến sĩ cả tỉnh có 53 người thì Đức Thọ chiếm 11 người. Riêng trình độ cử nhân thời Nguyễn dân La Sơn, (Đức Thọ) có 100 người, xếp thứ 2 là Hương Sơn có 48 người, Can Lộc 23 người… các huyện khác không đáng kể.

Đức Thọ có gia tộc Phan Đình Phùng. Cha Phan Đình Phùng là Phan Đình Tuyển. Ông thi đỗ cử nhân năm Quý Mão 1843. Thi hội, đậu Phó bảng năm Giáp Thìn 1844. Nhà ông, cha con, anh em đều đỗ đại khoa, Phan Đình Tuyển là cha của Phó bảng Phan Đình Vận, Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tiến sĩ Phan Đình Thuật. Phan Đình Tuyển còn có người anh trai là Phó bảng Phan Văn Nhã. Cuộc khởi nghĩa Vũ Quang của Phan Đình Phùng làm lừng lẫy trời Nam ai mà chẳng biết. 

Đức Thọ còn có một nhân vật rất nổi tiếng đó là ông Lê Thước. Ông sinh 1891, mất 1975. Đây là một Nhà giáo dục, Nhà biên khảo Việt Nam đầu thế kỷ thứ XX.

Tháng 9/1927, Nha học chính Đông Dương điều động ông ra Hà Nội dạy Tiếng Việt tại trường Anbexero nay là Trường Trung học phổ thông mang tên Trần Phú ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Lê Thước tham gia Hội đồng cố vấn Trung ương.

Năm 1950, ông được bầu vào ủy ban Trung ương Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp ông sang làm cán bộ của Nhà giáo dục phổ thông rồi tu thư của Bộ Giáo dục.

Sau Lê Thước, phải kể đến Hoàng Ngọc Phách (1896-1973). Năm 1919, ông đỗ Thành Chung vào Trường Cao đẳng Sư phạm, Ban văn chương. Cuối khóa học Hoàng Ngọc Phách hoàn thành tiểu thuyết Tố Tâm. Vinh dự lớn nhất của cuộc đời Hoàng Ngọc Phách với tiểu thuyết “Tố Tâm” ông đã được lịch sử văn học dân tộc trân trọng ghi nhận là Nhà văn mở đầu cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Ở Đức Thọ có Hoàng Xuân Hãn sinh năm 1908 quê ở làng Yên Hồ. Đây là một nhà văn hóa lớn của Việt Nam, hội đủ các yếu tố của Nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục, lịch sử, Nhà ngôn ngữ học, Nhà toán học. Ông đã từng du học ở nhiều trường Đại học nổi tiếng trên đất Pháp. Ông đã soạn thảo chương trình cho các trường học Việt Nam đầu tiên và sách Danh từ khoa học với hơn 60.000 từ về các lĩnh vực Toán, Lý, Hóa, Cơ, Thiên văn, trong đó có nhiều từ lần đầu tiên xuất hiện trong Tiếng Việt. Đây là cuốn sách đặt nền móng cho các tác giả Việt Nam viết về khoa học bằng Tiếng Việt.

Tháng 4/1945, vua Bảo Đại mời ông vào Huế bàn việc thành lập chính phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam. Ngày 17/4/1945, Hoàng Xuân Hãn tham dự nội các Trần Trọng Kim với chức vụ Bộ trưởng Giáo dục - Mỹ thuật.

 Hoàng Xuân Hãn trở về dạy và viết sách Toán bằng Tiếng Việt. Ông  xuất bản cuốn Lý Thường Kiệt. Năm 1952, ông xuất bản cuốn La Sơn Phu Tử. Năm 1953, xuất bản Chinh Phụ Ngâm. Năm 1954,  ông dự Hội nghị Giơ-Ne-Vơ bàn về giải pháp Hòa Bình với chính phủ Pháp và chính phủ miền Nam cùng chính phủ miền Bắc thống nhất đất nước.

Ngày 27/9/1972, ông thành lập tại Pháp: Hội văn hóa giáo dục Cam Tuyền. Hội có tôn chỉ và mục đích bảo vệ và phát triển bảo tồn văn hóa Việt Nam tại Pháp và các quốc gia phương Tây. Cũng thời kỳ này ông đã hoàn thành công trình lớn về “Đoạn trường Tân Thanh”.

Năm 2000, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tháng 8/2011, Trường Đại học Cầu Đường Paris đã chọn giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt tên cho giảng đường Đại học này, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được được vinh danh là 01 trong 100 sinh viên tiêu biểu nhất trong lịch sử của trường. 

Sau Hoàng Xuân Hãn, phải kể đến  một nhân vật khác rất nổi tiếng là Lê Văn Thiêm. Ông sinh năm 1918,mất năm 1991. Lê Văn Thiêm là Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, ông là nhà khoa học tiêu biểu nhất trước thế kỷ XX. Ông được Chính phủ Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I vào năm 1996.

Năm 1949, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Văn Thiêm từ bỏ địa vị khoa học của mình ở Châu Âu tham gia tích cực  vào cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Cuộc hành trình của ông từ Paris về Băng Cốc. Từ Băng Cốc bằng đường bộ sang Campuchia về rừng U Minh ở khu 9 tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1951, Lê Văn Thiêm được Chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Ông đã đi bộ suốt 6 tháng từ đường rừng để đến Việt Bắc. Ông được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở của hệ thống Đại học.

Lê Văn Thiêm là Viện trưởng Viện toán học đầu tiên của Việt Nam. Ông còn giữ vị trí đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện nghiên cứu hạt nhân với Liên Xô từ năm 1956-1960…

Khi nói về những người con xuất chúng của Đức Thọ thì không thể quên được Lê Thiệu Huy. Đây là con trai của cụ Lê Thước - một hiện tượng rất phi thường của người Việt Nam. Lê Thiệu Huy là anh hùng của hai dân tộc Việt - Lào. Xin dẫn lời của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là đồng hương Đức Thọ đã nói: “Tôi rất khâm phục tài năng của hai học trò xuất sắc là Lê Văn Thiêm với Lê Thiệu Huy chưa ai sánh kịp”.

Lê Thiệu Huy sinh ngày 06/3/1921, năm lên 10 tuổi Lê Thiệu Huy thi vượt cấp vào Trường trung học Anbexero. Đây là trường nổi tiếng nhất Đông Dương. Học ở trường này Lê Thiệu Huy được mệnh danh “Nhà vô địch không có đối thủ”.

Năm 16 tuổi, Lê Thiệu Huy đứng đầu Tú tài hạng 1, xếp thứ nhất. Năm 1938 mới 17 tuổi, 03 tháng anh thi đậu Tú tài toàn phần, xếp loại giỏi đồng thời là thủ khoa môn Toán toàn nước Pháp. Tài năng của Lê Thiệu Huy làm cho nước Pháp rất ngạc nhiên được mệnh danh là “Thần đồng Đông Dương”. Một giáo sư người Do Thái đã nhận xét: “Đời tôi chưa thấy ai xuất chúng như vậy”. Toàn quyền Đông Dương đã mời thân mẫu của ông là bà Phan Thị Đích ra Hà Nội để nhận giải thưởng nhưng với mục đích là tìm hiểu một người phụ nữ Việt Nam đã sinh ra người con xuất chúng đến như vậy. Lúc bấy giờ ông chưa đủ 18 tuổi, toàn quyền Đông Dương đã yêu cầu bố mẹ của Lê Thiệu Huy làm bản cam kết để anh được du ngoạn khắp nước Pháp. Ông biết rất nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Mỹ Latin và Hán học.

Đầu năm 1945, Lê Thiệu Huy cùng một số bạn bè vào học trường Võ Bị - Huế. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Lê Thiệu Huy tham gia cướp chính quyền ở Huế. Sau đó anh làm tham mưu trưởng Liên quân Việt Lào. Trong một trận đánh trên sông Mê Công, Lê Thiệu Huy đã hi sinh anh dũng khi mới 25 tuổi. Trong bức thư của Thủ tướng Lào Xu -Pha-No-Vong gửi cho ông Lê Thước vô cùng tiếc thương và chia buồn sâu sắc…

Đức Thọ còn một gia đình họ Phan rất nổi tiếng, hai người con làm Bộ trưởng đó là Phan Anh và Phan Mỹ.   

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, tôi tìm về huyện Đức Thọ gặp đồng chí Hoàng Xuân Hùng-Phó chủ tịch phụ trách văn hóa của huyện…

Hoàng Xuân Hùng đã chuyển cho chúng tôi một danh sách “Tiến sĩ hiện tại là 597 vị”,danh sách ấy dài đến 34 trang, khổ giấy A4.

Địa phương đầu tiên là xã Lâm Trung Thủy với số lượng 163 người; Địa phương thứ 2 là xã Tùng Ảnh 76 vị. Chúng tôi chỉ ghi 02 địa phương như trên để chứng minh một sự thật hùng hồn nhưng rất bất ngờ của Đức Thọ. Còn lại 18 địa phương khác cũng được ghi lại những con người và con số rất cụ thể. Ngồi thống kê cụ thể có đến gần một nửa được đào tạo tại Liên Xô cũ rồi Liên Bang Nga, Pháp, Đức, Tiệp, Ba Lan, Thụy sĩ… Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Danh sách các vị tướng lĩnh từ Thiếu tướng đến Thượng tướng có 55 người, trong đó có 14 người trưởng thành từ ngành công an còn lại là quân đội. Đặc biệt, một gia đình có hai tướng lĩnh ở xã Đức Hòa, đó là Thượng tướng Võ Trọng Việt nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Võ Trọng Hải nguyên giám đốc công an Nghệ An, nay đương chức Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Thật là “Địa linh sinh nhân kiệt”.

Trong số 597 Tiến sĩ thời hiện đại của huyện Đức Thọ có đến hơn 60 phụ nữ… Nhân vật đặc biệt là luật sư Ngô Bá Thành rất nổi tiếng trên thế giới. Tên thật của Ngô Bá Thành là Phạm Thị Thanh Vân, sinh năm 1931 ở Tùng Ảnh. Năm 26 tuổi bà bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Luật so sánh tại Pháp. Trường Đại học Quốc Tế Paris đã mời bà về làm giảng viên nhưng bà đã sang Tây Ban Nha học Luật, tiếp tục học tại trường Đại học Barcelona và nhận Bằng Tiến sĩ xuất sắc. Bà đã được đích danh Tổng thư ký Liên Hiệp quốc thời bấy giờ mời tham gia làm việc cho Ban quốc tế với tư cách là nữ Luật gia đầu tiên của Việt Nam nhưng bà từ chối.

Năm 1970, bà là Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống cho phụ nữ thế giới. Bà nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Việt Nam.

Trong danh sách 597 Tiến sĩ, chúng tôi đã tính được hơn 100 người từng tham gia công việc chung giữ các chức vụ: Viện phó, Viện trưởng, Vụ phó, Vụ trưởng; Hiệu trưởng các Trường Đại học trong và nước ngoài. Ví như Nguyễn An từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Mai Trọng Nhuận từng là Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Mai Trọng Khoa từng là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến học Đại học ở Liên Xô. Ông là người ở nước ngoài duy nhất làm luận án Tiến sĩ về thơ của Mai-A-Cốp-Xki. Ông đã từng làm Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du.

Giáo sư Võ Quý, là Tiến sĩ đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông là Giáo sư duy nhất của thế giới nhận Giải thưởng của Liên Hiệp Quốc về Môi trường. Giải thưởng ấy có giá trị tương đương với Giải Nobel. Ông Trần Lê Đông Tiến sĩ Khoa học ở Liên Xô về từng là Tổng Giám đốc dầu khí… 

Người Đức Thọhệ hậu sinh dưới 40 tuổi đã thành danh có đến chục người ví như Trần Thị Hải sinh 1989… là những cán bộ khoa học đầy triển vọng. Đức Thọ cũng có một số thôn dày đặc Tiến sĩ, đó là thôn Trung Đại Lâm có đến 09 người. 

Hồi chống Mỹ cứu nước, hẳn nhiều người còn nhớ bức ảnh một cô du kích áp giải tên phi công Mỹ của tác giả Phan Thoan…

Nhà nhiếp ảnh Phan Thoan ở Đức Thủy có 05 người con trai đều là Tiến sĩ, bao gồm Phan Văn Ban sinh năm 1947, Phan Văn An sinh năm 1950, Phan Toàn sinh năm 1953, Phan Dân sinh năm 1956, Phan Sinh sinh năm 1959.

Năm 2013, trong cuộc thi toán Quốc tế tổ chức ở Colombia, thí sinh Võ Anh Đức quê xã Đức Hòa, người gọi ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh hiện nay là chú ruột. Võ Anh Đức đạt Huy chương vàng với số điểm tuyệt đối. Hiện nay, Võ Anh Đức đang theo học và làm luận án Tiến sĩ tại Đại học Harvard của Mỹ. 

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, chúng tôi có dịp thắp hương cho Tổng Bí thư Trần Phú, ông bà thân sinh Trần Văn Phổ và Hoàng Thị Cát và thắp hương cho Trần Ngọc Danh người em út của Trần Phú từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên Xô. Vợ là Thái Thị Liên, nghệ sĩ nhân dân từng là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Con gái là Trần Thu Hà kế nghiệp mẹ cũng từng là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Ông Trần Ngọc Danh có người con trai là Trần Thanh Bình có học vị Tiến sĩ, từng giữ chức Viện trưởng.

Nơi khu mộ Trần Phú có tấm bia đá khắc dòng chữ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu…”. Đó là lời của Tổng Bí thư Trần Phú đã khẳng định từ năm 1931 ở Sài Gòn. Lời tuyên thệ ấy là lời của non sông đất nước truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Truyền từ sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến sự nghiệp lao động và học tập, xây dựng quê hương đất nước. Gần 600 cán bộ có trình độ Tiến sĩ là con em của đất học Đức Thọ có mặt khắp mọi miền đất nước và trên thế giới đã minh chứng lời di huấn của cố Tổng Bí thư Trần Phú làm nên sức mạnh cho các thế hệ hôm nay.

Tại thời điểm năm 2024 này, em Trần Tuấn Anh học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai vừa lọt vào đội tuyển thi Quốc tế về Tin học của Việt Nam năm 2024. Trước đó một năm, em Trần Quốc Cường học sinh trường THPT mang tên Trần Phú đã đạt học sinh giỏi Quốc gia. Năm 2024 này Trường THPT Trần Phú kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ gọi điện chúc mừng: Trường được mang tên Tổng Bí thư Trần Phú.

Em Lại Ngọc Thăng Long con cô giáo Hoàng Tuyết Mai giáo viên Trường Tiểu học Đức Đồng, nhà nghèo, bố ốm yếu nhưng em đã đạt Thủ khoa của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2023, cháu Long được bình chọn là công dân tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. 

Trở lại bản danh sách dài 34 trang, khổ giấy A4, với 597 các nhà khoa bảng quê hương Đức Thọ và 55 tướng lĩnh..., chúng tôi làm một phép thống kê, đối chiếu với các huyện của Hà Tĩnh. Sau Đức Thọ là Hương Sơn có 191 Tiến sĩ và 19 tướng lĩnh; Nghi Xuân có 154 Tiến sĩ và 13 tướng lĩnh; Can Lộc có 140 Tiến sĩ và 12 tướng lĩnh; Thạch Hà có 132 Tiến sĩ và 12 tướng lĩnh; Hương Khê có 111 Tiến sĩ và 06 tướng lĩnh; Cẩm Xuyên có 60  Tiến sĩ và 06 tướng lĩnh…; Kỳ Anh kể cả huyện và Thị xã có được 45 Tiến sĩ và 07 tướng lĩnh. Những con số ấy chưa hoàn toàn là chính xác những cũng đủ nói lên một điều: Đức Thọ quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú - miền “Địa Linh sinh Nhân kiệt” không phải địa phương nào muốn mà có được.

 VÕ MINH CHÂU - CHÍ THÚC

PC Đắk Nông tổ chức lễ bàn giao “Nhà tình nghĩa” cho hộ nghèo tại xã Thuận Hạnh

Nguyễn Hoàng Lâm