/ Tin tức
/ Làng quất Nam Phong và việc giữ lành môi trường sống

Làng quất Nam Phong và việc giữ lành môi trường sống

16/01/2024 14:45 |1 năm trước

(LSVN) - Vào những tháng cuối năm, bước chân đến cánh đồng trồng quất cảnh tại các thôn Cộng Hòa, Đồng Ngãi, Ngô Xá thuộc xã Nam Phong (TP. Nam Định) ta cảm nhận ngay được không khí tết gần hơn bao giờ hết. Làng quất Nam Phong không biết có từ bao giờ, nhưng theo người dân kể lại nghề truyền thống trồng quất tại đây đã có hàng trăm năm tiếp nối thế hệ này đến thế hệ khác.

Làng quất Nam Phong.

Làng quất Nam Phong nổi tiếng và được cả nước biết tới vì quả tròn to, lá xanh dầy, nụ đẹp. Điểm đặc trưng của quất Nam Phong phải kể đến thế cây rất điệu nghệ mà không giống bất kỳ nơi nào. Hàng năm, trước Tết nguyên đán khoảng 2 tháng, người dân và khách thập phương cả nước lại tấp lập kéo đến thủ phủ quất Nam Định chọn đặt cho mình những cây quất to, đẹp nhất vườn. Đây cũng là dịp người trồng quất bội thu, sau những tháng ngày họ vất vả ngoài cánh đồng.

Để có được những cây quất đẹp, ngoài kỹ thuật trồng cây là cả một quá trình chăm sóc kỹ lưỡng quanh năm ngày tháng của người trồng quất Nam Phong. Tuy nhiên, theo một số người dân trên địa bàn và một số xã lân cận, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kích thích một cách quá đà đã làm cho bầu không khi dọc tuyến đường Lê Đức Thọ nối cầu Tân Phong chạy qua làng quất Nam Phong luôn trong một bầu không khí nồng nặc mùi thuốc bảo vệ thực vật.

Anh Nguyễn Văn Thọ, trú tại thôn Vô Hoạn, Nam Mỹ, Nam Định - xã kề bên nơi làng quất cho biết: “Nhưng những năm gần đây, khi đi bộ hay đi xe máy ngang qua những đoạn đường trồng quất, nhất là vào những tháng chuẩn bị cho vụ thu hoạch quất (tháng 9 và 10 âm lịch), mùi thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật nồng nặc”.

Người nông dân chăm sóc cây quất để chuẩn bị cho vụ mới. 

Khi PV bước tới tuyến đường Lê Đức Thọ đoạn hướng đi cầu Tân Phong thuộc xã Nam Phong, TP. Nam Định, dọc hai bên đường là những cánh đồng quất bát ngát rộng hàng trăm ha với đủ các loại cây lớn nhỏ. Có những cây cao hàng mét quá nửa đầu người trưởng thành. Tuy nhiên, đối nghịch với màu xanh mướt của những vườn quất là mùi thuốc bảo vệ thực vật bốc lên từ các khu vườn. Tại đây, người trồng quất đang chở những thùng phi xanh đựng thuốc bảo vệ thực vật phun lên khắp cánh đồng quất làm cho người đi đường “tăng tốc” và khách tham quan không thể nán lại lâu.

Bác Nguyễn Văn Đô, thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong - một người trông quất cho biết, những tháng cuối năm, nhất là lúc chuyển mùa khá nhiều sâu bệnh nên bắt buộc phải phun thuốc để bảo đảm cây lúc nào cũng luôn xanh mướt, khỏe đẹp. “Nếu nhà tôi không phun cây sẽ xấu hơn cây các vườn khác nên cũng phải phun để làm sao có tính cạnh tranh, nhưng thực tế chúng tôi cũng chỉ phun hết tháng 10 âm lịch sang tháng 11, khách hàng bắt đầu đi xem chọn cây là hạn chế hoặc dừng hẳn phun”, ông Đô nói.

Nhà vườn anh Trưởng cùng trên địa bàn xã Nam Phong cho biết, thực chất người trồng quất cũng không muốn phun nhiều, nhưng không phun cây không đẹp, vả lại giá thành thuốc bảo vệ thực vật không hề rẻ nên phun nhiều tốn tiền nhiều, mức độ phun cũng còn tùy vào lứa sâu bệnh, có tuần phun 3 - 4 lần, có tuần chỉ phun 1 lần, năm nay thời tiết thất thường nên cũng nhiều sâu hơn mọi năm, vì vậy tần suất phun cũng cao hơn các năm khác.

Tìm hiểu sâu hơn, PV gặp ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Phong được biết, toàn xã có trên 130 ha với khoảng 2.000 hộ dân trồng các loại hoa, cây cảnh; trong đó, có gần 1.200 hộ trồng quất. Là một trong những xã thuần về phát triển cây cảnh và nông nghiệp nên hàng năm Ủy ban nhân dân xã luôn phối hợp cùng Trung tâm khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật của huyện tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ nông dân thực hiện quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo các quy chuẩn, bảo đảm 4 đúng: Đúng thời vụ, đúng đối tượng sâu bệnh, đúng thời điểm và đúng thuốc. Cùng với đó, xã cũng luôn vận động bà con chuyển đổi dần sang thuốc sinh học để bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Phong. 

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết: Để trồng được cây quất đẹp, quan trọng nhất là bộ lá phải xanh; quả, hoa và cành cũng phải đều đẹp. Để có được điều đó, ngoài yếu tố kỹ thuật trồng cây của các chủ vườn thì không thể thiếu thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì lý do sợ cây xấu, mất mùa nên đôi khi người trồng quất phải thực hiện phòng hơn chữa, vì khi cây đã hỏng lá hay quả bị sâu bệnh tấn công, để làm lại cây là vô cùng khó, thậm chí mất cả mùa, nên việc phun thuốc phòng tránh là cần thiết. 

Việc phun thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường là không tránh khỏi. Tuy nhiên hiện tại người dân đã chuyển qua các loại thuốc sinh học thân thiện với môi trường hơn rất nhiều so với trước, mặc dù vẫn có những mùi khó chịu nhưng an toàn hơn và thân thiện hơn với môi trường. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn sát xao kiểm tra, ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về cách sử dụng thuốc sao cho phù hợp, đúng cách, đúng bệnh, hạn chế tối đa đến môi trường, làm sao vừa giữ được môi trường trong lành mà cây quất vẫn có được vẻ đẹp, khỏe. 

Theo các hộ trồng quất ở Nam Phong, cây quất năm nay được dự báo giá đắt hơn mọi năm khi giá cả nguyên vật liệu leo thang cũng như thời tiết thay đổi thất thường nên việc chăm sóc cây mất nhiều thời gian, công sức hơn. Tuy nhiên, việc tăng giá không làm ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ cũng như khách đi xem cây khi mà chưa đến tháng Chạp, số lượng cây của các vườn đã tiêu thụ gần một nửa. 

THANH PHONG

 

Nguyễn Mỹ Linh
LSVN