/ Thư viện pháp luật
/ Lo ngại quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội

Lo ngại quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội

16/03/2025 06:55 |1 tháng trước

(LSVN) - Mới đây, cử tri TP. Hồ Chí Minh đã bày tỏ quan ngại về tình trạng quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội hiện nay và cho rằng công tác quản lý hoạt động này còn chưa hiệu quả. Theo đó, Bộ VH-TT&DL đã có phản hồi trả lời về vấn đề này.

Ngày 04/3/2025, Bộ VH-TT&DL ban hành Công văn 880/BVHTTDL-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo Công văn 880/BVHTTDL-VP, Bộ VH-TT&DL nhận được kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn 18/BDN ngày 14/01/2025.

Trong đó, cử tri bày tỏ quan ngại về tình trạng quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội hiện nay và cho rằng công tác quản lý hoạt động này còn chưa hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, cử tri đề nghị cần bổ sung các quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn những tác động tiêu cực từ quảng cáo sai sự thật.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến nội dung quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội hiện nay và cho rằng công tác quản lý hoạt động này còn chưa hiệu quả, Bộ VH-TT&DL cho biết, hiện nay cơ chế xử lý và áp dụng các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung Nghị định 129/2021/NĐ-CP, Nghị định 128/2022/NĐ-CP) quy định một số hành vi vi phạm về quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tại khoản 5 Điều 34, khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61.

Đối tượng áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thanh tra chuyên ngành: Văn hoá, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; y tế; nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Còn đối với kiến nghị bổ sung các quy định pháp luật, chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn những tác động tiêu cực từ quảng cáo sai sự thật, theo Bộ VH-TT&DL, ngày 04/7/2024, Bộ VH-TT&DL đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình 350/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ngày 03/01/2025, Bộ VH-TT&DL đã có Báo cáo 03/BCBVHTTDL gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tại dự thảo Luật, nội dung “quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng” được quy định tại khoản 13 Điều 1; đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 23 về quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Bộ VH-TT&DL cho biết, dự kiến Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

TRẦN QUÝ

Các tin khác