Ảnh minh họa.
Chức danh ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh
Nghệ thuật biểu diễn là hình thức nghệ thuật sử dụng cơ thể, tiếng nói, âm thanh, nhạc cụ và sự có mặt của nghệ sĩ làm phương tiện trình diễn trước công chúng. Ở Việt Nam tồn tại hai hình thức nghệ thuật biểu diễn: nghệ thuật biểu diễn truyền thống bao gồm các hình thức sân khấu kịch hát dân tộc lâu đời như tuồng, chèo, múa rối, cải lương, ca kịch, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, các hình thức diễn xướng dân gian (như dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên) và hình thức nghệ thuật biểu diễn đương đại (kịch nói, vũ kịch, nhạc kịch, xiếc, tạp kỹ, múa đương đại… những loại nhạc mang tính “toàn cầu” như: pop, rock, jazz, rap, R&B...).
Khái niệm Điện ảnh được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Luật Điện ảnh năm 2022 “là ngành nghệ thuật tổng hợp, áp dụng công nghệ nghe nhìn và các thủ pháp sáng tác để sản xuất phim”. Trong đó, phim là tác phẩm điện ảnh, có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh; được ghi trên các chất liệu, bằng kỹ thuật số hoặc phương tiện kỹ thuật khác và được phổ biến đến người xem, bao gồm các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và phim kết hợp nhiều loại hình. Phim không bao gồm sản phẩm ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế(1).
Như vậy, có thể hiểu nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật sử dụng các công nghệ nghe, nhìn, các đạo cụ phát ra âm thanh, ánh sáng để trình diễn nhằm truyền tải các thông điệp cuộc sống. Việc truyền tải các thông điệp này thông qua các tác phẩm chỉ có thể thực hiện khi được dàn dựng bởi các đạo diễn và trình diễn bởi các diễn viên. Vì vậy, vai trò của đạo diễn nghệ thuật và diễn viên là vô cùng quan trọng trong việc duy trì văn hóa truyền thống của dân tộc, định hướng thẩm mỹ nghệ thuật của xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay, nghệ thuật biểu diễn ở nước ta đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn, mà trước hết là sự phai nhạt bản sắc dân tộc, sự thương mại hóa, dung tục hóa, tầm thường hóa nghệ thuật… Nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam đang phải giải quyết những vấn đề nan giải cả trong nhận thức lẫn sáng tác và biễu diễn, đó là mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, kế thừa và phát triển, mục tiêu nhân văn và mục tiêu kinh tế, làm sao giữ được sự cân bằng, hài hòa giữa các phạm trù này để có thể phát triển đúng hướng trong bối cảnh mới, trong những điều kiện mới(2).
Việc các đạo diễn, diễn viên sống được bằng nghề rất khó, họ phải tìm cách để sống với nghệ thuật nhưng bằng “nghề tay trái”. Vì vậy, việc quy định các tiêu chuẩn và lương đối với các chức danh nghệ thuật biểu diễn là cần thiết giúp nâng cao chất lượng nghệ sĩ và phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay ở Việt Nam. Hiện nay, chức danh nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh bao gồm đạo diễn và diễn viên. Nhóm chức danh đạo diễn nghệ thuật bao gồm đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh, biên đạo múa, huấn luyện múa, sáng tác, chỉ huy âm nhạc, biên kịch và được xếp thành 4 hạng: I, II, III và IV. Nhóm chức danh diễn viên bao gồm diễn viên hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh cũng được xếp thành 4 hạng từ hạng I đến hạng IV(3). Việc xếp hạng đạo diễn hay diễn viên được thực hiện theo quy định của Thông tư số 10/2022/ TT-BVHTTDL ngày/10/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh (Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL), có hiệu lực từ ngày 15/12/2022 thay thế Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT- BVHTTDL-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ.
Tiêu chuẩn chức danh đạo diễn và diễn viên
Việc quy định tiêu chuẩn để xếp hạng đạo diện nghệ thuật, diễn viên là cơ sở pháp lý cần thiết cho nhà quản lý xét xếp hạng, tạo ra không khí thi đua, phấn đấu trong sáng, minh bạch và công bằng. Đồng thời, việc xếp hạng ngày một cao hơn của đạo diễn, diễn viên cũng là một bước khẳng định sự cống hiến, tài năng và trí tuệ của người được xếp hạng. Theo quy định của Thông tư số 10/2022/TT- BVHTTDL, tùy theo thời gian hoạt động, sản phẩm nghệ thuật… để quy định các hạng của đạo diễn và diễn viên từ hạng I đến hạng IV. Trong đó, có thể chia thành hai nhóm tiêu chuẩn: tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về chuyên môn, đào tạo.
Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp Người được xếp hạng đạo diễn, diễn viên phải đạt các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Nghệ sĩ nói chung, trong đó đạo diễn là những người có ảnh hưởng đến công chúng, đến xã hội qua các tác phẩm nghệ thuật mà họ tạo ra hoặc hóa thân. Vì thế, mặc dù đạo đức nghề nghiệp là tiêu chuẩn mang tính định tính nhưng là tiêu chuẩn đầu tiên để xét xếp hạng đạo diễn, diễn viên để thấy được giá trị của tiêu chuẩn này. Theo đó, đạo diễn nghệ thuật và diễn viên phải: i) Có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao, tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp; ii) Cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh; có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
iii) Tâm huyết với nghề, trung thực, khách quan, thẳng thắn; có thái độ khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với công chúng; có ý thức đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; iv) Có tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao; v) Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực(4).
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Khác với Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV chỉ quy định đối tượng được xét hạng đạo diễn và diễn viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh theo yêu cầu vị trí việc làm, Thông tư số 10/2022/TT- BVHTTDL đã mở rộng cả nhóm đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học trở lên nhưng chuyên ngành khác với chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh nhưng phải có điều kiện đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” hoặc được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật (đối với cả đạo diễn và diễn viên từ hạng I đến hạng IV)(5). Như vậy, từ ngày 15/12/2022, các “nghệ sĩ tay ngang” - không qua đào tạo đại học chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh nhưng có một trong các danh hiệu trên thì vẫn được xét nâng ngạch.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với mỗi ngạch đạo diễn hay diễn viên sẽ có quy định khác nhau và nâng cao dần theo từng ngạch từ ngạch IV đến ngạch I.
Đối với ngạch đạo diễn nghệ thuật, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được gắn liền với đánh giá mức độ hiểu biết về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mức độ kiến thức về hình thức, phương thức sáng tác, kinh nghiệm sáng tác, dàn dựng, chỉ đạo, chỉ huy… Theo đó, đối với đạo diễn nghệ thuật hạng IV phải bảo đảm tiêu chí: i) nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh; ii) nắm được các thành tựu khoa học cơ bản liên quan đến nghiệp vụ; iii) nắm được các hình thức và phương pháp sáng tác; iv) có khả năng phối hợp với đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Đối với các đạo diễn nghệ thuật hạng cao hơn thì đòi hỏi phải thỏa mãn các tiêu chí giống như đối với đạo diễn hạng IV nêu trên nhưng ở mức độ cao hơn, đồng thời tùy vào loại xếp hạng phải thỏa mãn thêm các tiêu chí: i) có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao hiệu quả công tác nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh; ii) có kinh nghiệm trong sáng tác, dàn dựng, chỉ huy; iii) có năng lực chỉ đạo, khả năng nghiên cứu và phối hợp với đồng nghiệp trong tổ chức các hoạt động chuyên môn; iv) có khả năng đề xuất các giải pháp sáng tạo nghệ thuật(6).
Đối với ngạch diễn viên, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được gắn liền với đánh giá mức độ hiểu biết về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mức độ năng khiếu diễn xuất, khả năng sáng tạo trong tạo hình nghệ thuật, mức độ hiểu biết về các môn nghệ thuật… Theo đó, đối với diễn viên hạng IV về chuyên môn phải đáp ứng các tiêu chí: i) nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh; ii) có năng khiếu về lĩnh vực chuyên ngành; iii) có kiến thức về nghiệp vụ chuyên ngành, đặc trưng cơ bản của các môn nghệ thuật; iv) có khả năng phối hợp với đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn. Đối với các diễn viên hạng cao hơn thì đòi hỏi phải thoả mãn các tiêu chí giống như đối với diễn viên hạng IV nêu trên nhưng ở mức độ cao hơn và không chỉ dừng lại ở mức độ “năng khiếu nghệ thuật” mà phải ở mức độ “tài năng nghệ thuật”, đồng thời tùy vào loại xếp hạng phải thỏa mãn thêm các tiêu chí: i) nắm được và vận dụng kiến thức nghiệp vụ vào việc sáng tạo hình tượng nghệ thuật; ii) hiểu sâu đặc trưng, đặc điểm các môn nghệ thuật kết hợp, các môn khoa học kỹ thuật có liên quan; iii) có năng lực chỉ đạo, khả năng nghiên cứu và phối hợp với đồng nghiệp trong tổ chức các hoạt động chuyên môn; iv) có khả năng đề xuất giải pháp sáng tạo nghệ thuật(7).
Tiêu chuẩn về nhiệm vụ
Về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đối với mỗi ngạch đạo diễn hay diễn viên sẽ có quy định khác nhau nhưng đều gắn liền với các hoạt động nghệ thuật mà họ đã chủ trì, xây dựng, thực hiện và nâng cao dần theo từng ngạch từ ngạch IV đến ngạch I. Đây là tiêu chuẩn thể hiện các kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật trong giai đoạn được xét nâng hạng, đồng thời cũng thể hiện khả năng đáp ứng các nhiệm vụ ở mức độ cao hơn, khó hơn khi được xếp vào hạng đạo diễn nghệ thuật, diễn viên cao hơn.
Đối với ngạch đạo diễn nghệ thuật, tiêu chuẩn nhiệm vụ tập trung vào các tiêu chí: i) triển khai ý tưởng của đạo diễn, tham gia xây dựng kịch bản ở mức độ thành viên hay chủ trì; ii) các chương trình sân khấu, điện ảnh đã dàn dựng có giá trị tư tưởng nghệ thuật có quy mô nhỏ, vừa hay lớn; iii) có khả năng chỉ đạo diễn xuất của diễn viên;
iv) theo dõi hiệu quả xã hội của tác phẩm, chương trình sau khi đưa ra công chúng để tiếp tục nâng cao, hoàn thiện tác phẩm, chương trình;
v) tổng kết kinh nghiệm những tác phẩm, chương trình đã dàn dựng tại đơn vị, ngành(8).
Ngoài ra, về điều kiện nhiệm vụ còn quy định nhiệm vụ mang tính định lượng cụ thể đối với đạo diễn hạng II và hạng I, còn đối với đạo diễn hạng III và hạng IV thì không có quy định cụ thể. Để xét lên đạo diễn nghệ thuật hạng II trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng III hoặc tương đương có ít nhất 01 tác phẩm, chương trình dàn dựng được hội đồng nghệ thuật chuyên ngành cấp bộ hoặc tương đương công nhận về chất lượng nghệ thuật hoặc có ít nhất 01 tác phẩm, chương trình dàn dựng được tặng giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp (hoặc cấp quốc gia) hoặc được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” hoặc được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật. Để xét lên đạo diễn nghệ thuật hạng I thì tiêu chuẩn nhiệm vụ cũng tương tự như trên nhưng số lượng phải đạt được là 02 tác phẩm trở lên trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng II hoặc tương đương.
Đối với ngạch diễn viên, tiêu chuẩn về nhiệm vụ đối với ngạch diễn viên cũng được quy định theo hướng nâng cao dần những điều kiện cần đạt được từ các vai diễn như về khả năng diễn xuất nội tâm, khả năng tìm hiểu kịch bản, nhân vật, hình tượng nghệ thuật…, tuy nhiên không có quy định mang tính định lượng mà mới dừng lại ở các tiêu chuẩn định tính(9).
Tiêu chuẩn về thời gian hoạt động nghệ thuật
Đây là tiêu chuẩn cần thiết để bảo đảm sự tích lũy cả về kinh nghiệm và chuyên môn của đạo diễn nghệ thuật và diễn viên khi thi hoặc xét nâng ngạch cao hơn.
Để xét hoặc thi nâng ngạch đạo diễn nghệ thuật/diễn viên hạng III thì người đó phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật/diễn viên hạng IV hoặc tương đương từ đủ 02 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp; đạo diễn nghệ thuật/ diễn viên hạng II thời gian giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật/diễn viên hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc); đạo diễn nghệ thuật/diễn viên hạng I phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật/ diễn viên hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên.
Ngoài ra, để thu hút và ghi nhận sự cống hiến của các nhân tài là các đối tượng trước đó thực hiện các công tác tương đương với đạo diễn nghệ thuật/diễn viên nhưng mới chuyển sang ngạch đạo diễn nghệ thuật/diễn viên được tham gia thi hoặc xét nâng ngạch thì Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL cũng quy định đối với trường hợp này. Theo đó, người thi hoặc xét nâng ngạch có thời gian thực hiện các công việc tương đương với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh đạo diễn nghệ thuật/ diễn viên hạng đó tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Chẳng hạn, để xét lên đạo diễn nghệ thuật/ diễn viên hạng III thì người đó phải ở vị trí đạo diễn nghệ thuật hạng IV ít nhất là đủ 12 tháng tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Một số vấn đề đặt ra
Chúng ta không thể phủ nhận rằng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cục diện của “thị trường nghệ thuật” toàn cầu vào năm 2021 trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, nhận thức về ngành nghệ thuật nói chung đã có sự thay đổi đáng kể từ hình thức biểu diễn đến các cách tiếp cận đề tài. Theo truyền thống đây được coi là tinh hoa, ngành này đã tự tái tạo lại chính nó; sự chuyển đổi công nghệ nhanh chóng do những người nghệ sĩ chuyên nghiệp dẫn đầu đã tạo ra một sân chơi bình đẳng và khiến công chúng khám phá ra khả năng tiếp cận của nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư đã được truyền cảm hứng từ những sự biến đổi đó và cho ra đời nhiều chương trình như các buổi hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật online làm cho đời sống tinh thần của người dân được nâng lên ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt của dịch bệnh. Đó là thành quả của những đạo diễn, diễn viên giàu tâm huyết, trí tuệ và sự thích ứng của nhà quản lý văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những nghệ sĩ thực thụ làm việc với cái tâm trong sáng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội nói chung và nghệ thuật nói riêng thì cũng không ít cá nhân tham gia các hoạt động nghệ thuật và tự phong cho mình là “nghệ sĩ”, lấy danh tiếng để dễ bán hàng online, quảng cáo hay thái độ kiếm tiền một cách bất chấp mà không nghĩ đến trách nhiệm của bản thân với cộng đồng(10). Vì thế, để bảo đảm việc phong danh hiệu và xét các hạng của đạo diễn nghệ thuật, diễn viên được thực hiện công khai và minh bạch, có một số vấn đề cần xem xét sau:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có khái niệm nghệ sĩ nói chung và khái niệm đạo diễn nghệ thuật, diễn viên điện ảnh nói riêng. Luật Điện ảnh năm 2022, có hiệu lực từ 01/01/2023 cũng mới chỉ đề cập đến quyền, nghĩa vụ của đạo diễn điện ảnh, diễn viên điện ảnh mà cũng không có khái niệm đạo diễn, diễn viên. Trong Thông tư số 10/2022/ TT-BVHTTDL cũng chỉ xác định đạo diễn nghệ thuật và diễn viên theo phương thức liệt kê. Vì thế, để hạn chế sự “tự sắc phong” hoặc gây hiểu nhầm cho một bộ phận trong xã hội, pháp luật nên có khái niệm cụ thể về nghệ sĩ, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên làm cơ sở định danh và quản lý.
Thứ hai, nghệ thuật biểu diễn có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu văn hóa của công chúng, đồng thời là công cụ quan trọng để giáo dục, duy trì, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, thị hiếu thẩm mỹ, hoàn thiện nhân cách con người. Tuy nhiên, hiện nay với thời kỳ công nghệ 4.0, văn hóa, nghệ thuật cũng bắt kịp xu hướng nên nghệ thuật đương đại có nhiều sức sống và cạnh tranh hơn các nghệ thuật dân gian, truyền thống. Nghệ thuật biểu diễn luôn gắn liền với nghệ sĩ và khán giả, nếu không có khán giả, nghệ sĩ và các tác phẩm nghệ thuật cũng chỉ là những bông hoa không thể tỏa hương. Để các đạo diễn, diễn viên ngày càng một chất lượng, thu hút được nhiều khán giả, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn thì công tác giáo dục nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ ở nhà trường và trong xã hội cần phải được chú trọng. “Rất đông khán giả Việt Nam chưa được “đào tạo” để thưởng thức văn hóa, nghệ thuật một cách đúng nghĩa”(11). Do đó, cần cải tiến cả nội dung và phương pháp trang bị kiến thức về âm nhạc, hội họa, sân khấu… trong các cơ sở giáo dục để họ trở thành các khán giả có trình độ và gieo mầm những tài năng nghệ sĩ có đức, có tài trong tương lai.
Thứ ba, hiện nay một lực lượng các đạo diễn nghệ thuật, diễn viên “tự do”, tức không phải là viên chức trong các cơ sở nghệ thuật công lập thì sẽ không được điều chỉnh bởi Thông tư số 10/2022/TT- BVHTTDL nên sẽ không được xếp hạng. Trong khi đó, không thể phủ nhận giá trị của việc xếp hạng này sẽ khẳng định được tài năng, trí tuệ của người được xếp hạng. Tuy nhiên, trên thực tế có những nghệ sĩ có tài, có tâm sáng với văn hóa, nghệ thuật nước nhà (như các nghệ sĩ trong dân gian, các ca sĩ, đạo diễn…) được các cuộc thi sáng tác, biểu diễn trong nước và quốc tế ghi nhận tài năng qua các giải thưởng song cũng không được xếp hạng đạo diễn nghệ thuật, diễn viên hạng I, II, III, IV vì họ không phải là viên chức. Do đó, để thu hút những người này cống hiến nghệ thuật cho các chương trình nghệ thuật quốc gia, nhà quản lý văn hóa có thể xem xét để mở rộng đối tượng được xét xếp hạng đạo diễn nghệ thuật, diễn viên.
Tóm lại, Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có nhấn mạnh người hoạt động nghệ thuật “Lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người và cộng đồng xã hội”(12). Tuy nhiên, để những người hoạt động nghệ thuật được hăng say sáng tác nghệ thuật, không để nỗi lo kinh tế làm ảnh hưởng và nhà quản lý có cơ sở xét nâng hạng đối với họ một cách công khai, minh bạch thì việc xây dựng các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh có giá trị thiết thực. Để xây dựng các thế hệ nghệ sĩ duy trì, phát triển văn hóa dân tộc thì các nhà quản lý cũng cần xem xét một số biện pháp mang tính lâu dài.
(1) Điều 3 Luật Điện ảnh năm 2022, xem thêm Điều 4 Luật Điện ảnh năm 2006. (2) https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-thuat-bieu-dien-o-viet-nam-va-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay-a19821.html (3) Điều 2 Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL. (4) Điều 3 Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL. (5) Từ Điều 4 đến Điều 11 Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL. (6) Xem thêm các Điều 4, 5, 6, 7 Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL. (7) Xem thêm các Điều 8, 9, 10, 11 Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL. (8) Xem thêm các Điều 4,5,6,7 Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL. (9) Xem thêm các Điều 8, 9, 10, 11 Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL. (10) http://vanhoanghethuat.vn/nghe-thuat-bieu-dien-o-viet-nam-va-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay.htm (11) http://vanhoanghethuat.vn/nghe-thuat-bieu-dien-o-viet-nam-va-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay.htm (12) Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (kèm theo Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). |
TS VŨ THỊ PHƯỢNG
Khoa Luật, Trường Đại học Công Đoàn
TS NGÔ NGỌC DIỄM
Khoa Luật, Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội
Một số khó khăn, vướng mắc trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản