Luật sư cần làm gì khi được mời tư vấn, khiếu nại, tố cáo đồng nghiệp

17/12/2022 11:21 | 1 năm trước

(LSVN) - Cả nước hiện có khoảng 17.000 Luật sư hoạt động trên mọi miền tổ quốc, cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan mọi mặt của đời sống xã hội. Với tính chất của nghề dịch vụ, việc có tranh chấp, khiếu nại thậm chí khiếu kiện của khách hàng với Luật sư là không thể tránh khỏi.

Ảnh minh họa.

Quan hệ giữa Luật sư với khách hàng được tạo lập trước hết bởi niềm tin, sự tôn trọng, trân trọng của khách hàng đối với cá nhân người Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư. Do vậy khi giữa khách hàng và Luật sư phát sinh tranh chấp đầu tiên xuất phát từ chính sự đổ vỡ về niềm tin của khách hàng đối với Luật sư. Tranh chấp giữa khách hàng với Luật sư nếu có thường là những tranh chấp rất khốc liệt và đôi khi không chỉ là tranh chấp về tiền, vật chất.

Thông thường, khi mất niềm tin vào Luật sư, khi có tranh chấp với Luật sư của mình khách hàng sẽ tìm đến chính các Luật sư khác để hỏi, tư vấn thậm chí nhờ Luật sư hỗ trợ việc khiếu nại, tố cáo Luật sư đồng nghiệp. 

Trong trường hợp này, khách hàng thường tìm đến Luật sư để tham vấn về làm rõ các nội dung như: Khách hàng sẽ tham vấn tìm hiểu chất pháp lý và quyền và nghĩa vụ của mình trong vụ việc. Từ đó khách hàng có sự so sánh, đánh giá kiến thức pháp luật, chất lượng, trình độ chuyên môn của Luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý cho mình. Khách hàng tham vấn cách thức, phương án giải quyết vụ việc theo hướng có lợi nhất cho mình trong vụ việc, để từ đó có sự so sánh về chất lượng, kỹ năng, nghiệp vụ của Luật sư đang cung cấp dịch vụ cho mình. Khách hàng tham vấn về trình tự, thủ tục, các bước cùng công việc cụ thể nếu Luật sư cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Từ đó có sự đánh giá, so sánh về  trách nhiệm, nhiệt tình của Luật sư đang cung cấp dịch vụ cho mình.

Và sau cùng khách hàng sẽ hỏi và tham vấn thẳng về quan điểm, đánh giá của Luật sư về chất lượng, kỹ năng, đạo đức của người Luật sư đang có mâu thuẫn với họ. 

Vậy trong trường hợp này người Luật sư nên ứng xử thế nào khi tổ chức, cá nhân đến tư vấn thậm chí nhờ khiếu nại, tố cáo Luật sư đồng nghiệp. Làm sao để Luật sư vừa bảo vệ được quyền lợi ích chính đáng của người dân, tổ chức đã tin tưởng đến tham vấn mình, vừa tránh kích động, cổ vũ khách hàng hiểu nhầm, khiếu nại, tố cáo Luật sư đồng nghiệp. 

Về pháp luật, việc khách hàng đến tư vấn, thuê Luật sư để khiếu nại tố cáo Luật sư đồng nghiệp cũng chính là tư vấn về một tránh chấp hợp đồng trách chấp pháp lý và pháp luật không cấm Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong trường hợp này.

Đồng thời, với trách nhiệm nghề nghiệp của nghề Luật sư là bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, người Luật sư không thể không tư vấn về vụ việc pháp lý mà khách hàng đang vướng mắc và đến nhờ chúng ta tư vấn. Quá trình tư vấn nếu nhận thấy khách hàng đang đi sai hướng và bị thiệt hại, ảnh hưởng quyền lợi ích hợp pháp chúng ta cũng cần chỉ rõ, phân tích để khách hàng biết và quyết định. 

Nhưng Luật sư là một nghề, hoạt động Luật sư có tính độc lập cao, người Luật sư có những phương pháp, cách thức khác nhau khi hỗ trợ khách hàng giải quyết vụ việc và không hẳn phương pháp nào là hiệu quả hơn. Do vậy, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã cấm các Luật sư trực tiếp so sánh về năng lực, khả năng của mình để giành giật khách hàng. 

Do vậy, thông thường khi khách hàng tư vấn mà tôi biết họ đã có Luật sư khác tư vấn về vụ việc tôi sẽ không nên hỏi về nội dung tư vấn của Luật sư trước đó với khách hàng và từ đó tránh so sánh về nội dung tư vấn, phương pháp giải quyết vụ việc Luật sư đồng nghiệp đã tư vấn trước đó. Đơn giải người Luật sư chỉ căn cứ vào sự kiện pháp lý để đưa ra hướng giải quyết cho khách hàng lựa chọn.

Trường hợp khách hàng trực tiếp tư vấn, hỏi về các quy định liên quan đến trách nhiệm của người Luật sư, về pháp luật hành nghề Luật sư, tôi vẫn giải thích dựa trên quy định của pháp luật. Nhưng tôi sẽ không đưa ra phân tích, đánh giá với khách hàng việc Luật sư đồng nghiệp hành động như vậy là đúng hay sai; Luật sư không phải cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trên hết chúng ta không có đầy đủ tài liệu chứng cứ, quan điểm trình bày của các bên. Do vậy việc đưa ra đánh giá sẽ là võ đoán, thiếu căn cứ đặc biệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đồng nghiệp nói riêng và uy tín nghề Luật sư nói chung.

Trường hợp khách hàng yêu cầu Luật sư hỗ trợ khiếu nại, tố cáo Luật sư đồng nghiệp chúng ta nên hướng dẫn họ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết mà cụ thể hướng dẫn họ đến Đoàn Luật sư để giải quyết.

Pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không quy định và hướng dẫn cụ thể về cách ứng xử của Luật sư trong trường hợp này mà tùy trường hợp cụ thể và lựa chọn cụ thể của Luật sư. Nhưng thiết nghĩ bảo vệ quyền lợi ích của khách hàng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp, của nghề nghiệp và không thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tôn trọng nguyên tắc tổ chức nghề nghiệp sẽ là những tiêu chí để người Luật sư đưa ra quyết định của mình.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang