/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Luật sư có nên định hướng đưa thông tin về vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em lên báo chí?

Luật sư có nên định hướng đưa thông tin về vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em lên báo chí?

29/11/2022 01:45 |

(LSVN) - Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không quy định cụ thể việc Luật sư nên hay không nên cung cấp thông tin cho báo chí về vụ việc khi tác nghiệp, nhưng tại Quy tắc 31.1 Bộ Quy tắc đã yêu cầu Luật sư: “Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan”.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế các vụ án liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em thường nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Một số cơ quan báo chí, truyền thông cũng thường xuyên đưa tin, phản ánh về các sự việc với mục đích đấu tranh, phê bình cái xấu, cái ác.

Chính người Luật sư khi tác nghiệp được sự đồng ý của khách hàng cũng đôi khi cung cấp thông tin hoặc chủ động cung cấp thông tin với cơ quan báo chí, truyền thông về vụ việc đang thực hiện với các mục đích khác nhau. Đa số với các loại vụ án, vụ việc Luật sư đưa thông tin hoặc định hướng đưa thông tin nên cơ quan truyền thông, báo chí cũng là phù hợp với mục tiêu chung để bảo vệ công, lý công bằng, tôn vinh nghề nghiệp, tôn vinh việc thiện, đấu tranh với cái ác…

Nhưng với vụ án, vụ việc liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các vụ án, vụ việc liên quan đến trẻ em bị xâm hại, trong đó có cả xâm hại tình dục, việc đưa thông tin nên phương tiện thông tin đại chúng hay không là vấn đề hết sức nhạy cảm và cần được Luật sư, người thân của trẻ và chính cơ quan báo chí thận trọng cân nhắc trước khi quyết định. Bởi lẽ với trẻ việc sang chấn tâm lý, tái sáng chấn tâm lý để lại hậu quả vô cùng to lớn và lâu dài cho trẻ và gia đình. Chính vì vậy, pháp luật đã có nhiều quy định riêng về bảo vệ thông tin, bảo vệ trẻ kể cả với tư cách người bị buộc tội hoặc người bị hại như quy định về xét xử kín, về thành phần hội đồng xét xử, về bố trí phòng xử án thân thiện…

Do vậy, về nguyên tắc theo tôi đối với vụ án liên quan đến trẻ em chúng ta hạn chế tối đa việc cung cấp thông tin về vụ án, vụ việc lên phương tiện thông tin đại chúng kể cả trong trong trường hợp trẻ và người đại diện có yêu cầu.

Luật sư cũng không nên định hướng việc sử dụng cơ quan báo chí, ngôn luận để gây sức ép đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Nhưng trong một số vụ việc cá biệt, để thông tin được trung thực, chính xác Luật sư cùng gia đình cũng cân nhắc việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Ví dụ như khi vụ việc đã có nhiều thông tin trên mạng xã hội không chính xác ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của trẻ và gia đình. Hoặc khi gia đình cho rằng có việc oan sai, bỏ lọt tội phạm,… vì thực tế cũng đã cho thấy một số vụ việc sự thật đã được làm sáng tỏ với sự phản ánh tích cực của cơ quan báo chí, ngôn luận.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không quy định cụ thể việc Luật sư nên hay không nên cung cấp thông tin cho báo chí về vụ việc khi tác nghiệp, nhưng tại Quy tắc 31.1 Bộ Quy tắc đã yêu cầu Luật sư: “Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan”.

 

Luật sư TRẦN VĂN AN

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Admin