/ Trao đổi - Ý kiến
/ Luật sư làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia thương mại quốc tế?

Luật sư làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia thương mại quốc tế?

19/11/2021 12:31 |

(LSVN) - Các Luật sư và hãng luật Việt Nam cần có một lộ trình và chiến lược phát triển vươn ra quốc tế một cách bài bản và thực hiện quyết liệt. Khi Luật sư Việt Nam đủ tự tin về kiến thức, ngôn ngữ và kỹ năng hành nghề, sẽ là chỗ dựa cho doanh nghiệp Việt Nam và đến lúc đó, các doanh nghiệp sẽ đặt chọn niềm tin vào Luật sư Việt Nam khi đàm phán các giao dịch quốc tế.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp Việt Nam với trở ngại pháp lý khi kinh doanh trong môi trường quốc tế

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp Việt đang tích cực tìm kiếm cơ hội và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Khi doanh nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng thì nhu cầu tìm các dịch vụ Luật sư quốc tế cũng ngày càng gia tăng.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh quốc tế, thông thường có nhu cầu pháp lý như sau:

(i) Thành lập hiện diện thương mại gồm công ty, chi nhánh và văn phòng đại diện tại nước ngoài;

(ii) Bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ gồm thủ tục xác lập quyền như đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thủ tục thực thi quyền như khiếu nại, xử lý vi phạm tại quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa hoặc có dự định thực hiện;

(iii) Tìm hiểu thông tin về tiêu chuẩn nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu, hàng rào thuế quan, hàng rào phi thuế quan, chống bán phá giá tại các quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc;

(iv) Tiến hành hoạt động huy động vốn trên thị trường quốc tế như IPO trên thị trường chứng khoán nước ngoài, thực hiện các khoản vay và tài trợ vốn từ nước ngoài;

(v) Tìm kiếm Luật sư để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng và các tranh chấp quốc tế khác tại tòa án và trọng tài.

Tuy nhiên, khi tiếp cận với dịch vụ pháp lý tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải những vướng mắc như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ sở cung cấp dịch vụ pháp lý ở nước ngoài. Đa phần doanh nghiệp sẽ tìm kiếm dịch vụ pháp lý ở nước ngoài thông qua internet, nhưng cùng với việc có rất nhiều công ty luật và việc sử dụng dịch vụ quảng cáo tràn lan, doanh nghiệp khá khó khăn trong việc lựa chọn một công ty luật uy tín và tìm đúng Luật sư và hãng luật chuyên sâu về lĩnh vực mình muốn giải quyết.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng có thể gặp khó khăn trong việc trả phí Luật sư, đặc biệt khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp bị lừa đảo ở nước ngoài, hoặc doanh nghiệp bị đối tác khởi kiện, việc sử dụng dịch vụ giải quyết tranh chấp để đòi lại quyền lợi của Luật sư tại nước ngoài thường sẽ có chi phí đặc biệt cao. Khi đó, doanh nghiệp lại lúng túng không biết nên giải quyết tình huống trên như thế nào để có thể bảo đảm quyền lợi của mình mà không dẫn đến kiệt quệ về tài chính.

Thứ ba, khó khăn về giao tiếp với Luật sư nước ngoài, do Luật sư thường sử dụng tiếng Anh và một số tiếng bản địa như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc hiểu được nội dung tư vấn và những hành động pháp lý cụ thể do rào cản ngôn ngữ.

Vai trò của Luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và đầu tư tại nước ngoài

Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, kể cả những Luật sư về thương mại quốc tế, đang hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp khi kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc Luật sư Việt Nam hỗ trợ các dịch vụ pháp lý xuyên biên giới còn nhiều hạn chế, sự hạn chế này xuất phát từ việc chưa có một hãng luật nào của Việt Nam mở từ 5 đến 10 văn phòng khác nhau ở các quốc gia khác nhau, vì vậy, kinh nghiệm quốc tế không có nhiều. Bên cạnh đó, để tư vấn được pháp luật quốc tế và pháp luật của từng quốc gia, đòi hỏi Luật sư Việt Nam phải được đào tạo tại môi trường nước ngoài và có kinh nghiệm hành nghề quốc tế thì mới có thể hỗ trợ được hiệu quả các giao dịch quốc tế.

Hiện nay, các văn phòng Luật sư và Luật sư tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào cung cấp các dịch vụ pháp lý tại Việt Nam và cũng không có ý định vươn ra quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm các công ty luật thuần Việt để cung cấp các dịch vụ pháp lý ở tầm quốc tế.

Để giải quyết vấn đề này, theo quan điểm của tác giả, các Công ty Luật và Luật sư Việt Nam có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện một số công việc như sau:

(1) Các hãng luật Việt Nam cần tăng cường mở rộng mạng lưới quốc tế bằng việc liên kết với các hãng luật nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ khi có một tranh chấp ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhờ Luật sư Việt Nam, Luật sư có thể phối hơp với một Công ty Luật ở nước sở tại để có thể cung cấp dịch vụ pháp lý một cách hiệu quả. Việc phối hợp này sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam không phải xử lý trực tiếp vấn đề, phá vỡ rào cản về ngôn ngữ và những vấn đề pháp lý mà trong quá trình trao đổi các bên không hiểu nhau.

(2) Các hãng luật Việt Nam nên có những đối tác pháp lý tại nước ngoài phù hợp với lĩnh vực cần giải quyết, ví dụ như các lĩnh vực chuyên ngành sâu như vận tải biển, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, từ đó tránh được rủi ro do lựa chọn sai đối tác pháp lý.

(3) Với việc mở rộng giao thương quốc tế, các Công ty Luật Việt Nam hoàn toàn có thể liên doanh, liên kết với các Luật sư và hãng luật nước ngoài để mở văn phòng ở nhiều quốc gia khác nhau, ví dụ như mở văn phòng tại Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu, sau đó các hãng luật Việt Nam sẽ thuê các Luật sư bản địa, am hiểu pháp luật, văn hóa bản địa để có thể cung cấp dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam tại những thị trường mà họ xuất khẩu và có nhiều hoạt động đầu tư.

(4) Một trong những việc mà các hãng luật có thể làm ngay là cử các Luật sư Việt Nam sang làm việc tại các hãng luật đối tác để hiểu thêm về quy trình tư vấn và tố tụng tại quốc gia sở tại. Bên cạnh đó, các Luật sư Việt Nam khi tốt nghiệp luật ở trong nước hoàn toàn có thể tham gia các khóa học luật bậc đại học ở nước ngoài thay vì theo các khóa cao học. Các Luật sư Việt Nam cũng hoàn toàn có thể bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông qua việc tham gia các khóa học online với chương trình ở nước ngoài.

Tóm lại, các Luật sư và hãng luật Việt Nam cần có một lộ trình và chiến lược phát triển vươn ra quốc tế một cách bài bản và thực hiện quyết liệt. Khi Luật sư Việt Nam đủ tự tin về kiến thức, ngôn ngữ và kỹ năng hành nghề, sẽ là chỗ dựa cho doanh nghiệp Việt Nam và đến lúc đó, các doanh nghiệp sẽ đặt chọn niềm tin vào Luật sư Việt Nam khi đàm phán các giao dịch quốc tế.

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ

Chủ tịch Công ty Luật SB Law

HOÀNG MINH THÀNH

Một số vấn đề về xử lý tội ‘Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự’

Lê Minh Hoàng