Ảnh minh hoạ.
Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đối với những trường hợp bị can, bị cáo phạm tội với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình, người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất và tâm thần màkhông thể tự bào chữa, người dưới 18 tuổi, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: Đoàn Luật sư phân công tổ chức hành nghề Luật sư cử người bào chữa; trung tâm trợ giúp pháp lý nhà̀ nước cử trợ giúp viên pháp lý, Luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Từ quy định trên có thể thấy pháp luật đã thừa nhận và khẳng định sự tham gia của Luật sư không thể thiếu đối với những vụ án bắt buộc phải có người bào chữa.
Sứ mệnh của Luật sư được quy định tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc): “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Trong vụ án chỉ định, sứ mệnh của Luật sư được thực hiện thông qua trợ giúp pháp lý, tư vấn, bào chữa cho người bị buộc tội trong quá trình tố tụng. Luật sư thực hiện án chỉ định với mục tiêu bảo đảm sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền tranh tụng và góp phần xâydựng nhà nước pháp quyền. Sự tham gia của Luật sư trong tố tụng hình sự không chỉ giúp người bị buộc tội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm việc điều tra, truy tố và xét xử công bằng. Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Theo thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong những năm qua, giới Luật sư cả nước đã đảm nhiệm tốt vai trò hoạt động chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ xã hội. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Đoàn Luật sư, trong nhiệm kỳ qua (từ năm 2015 đến 31/12/2020), đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tham gia 81.072 vụ án hình sự trong đó có 37.503 vụ án hình sự chỉ định [1] (tỷ lệ án chỉ định chiếm 46.25%). Với số liệu chưa đầy đủ trên có thể khẳng định vai trò của Luật sư trong các vụ án chỉ định chiếm tỷ lệ cao và là đóng góp của giới Luật sư vào bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, xây dựng nhà nước pháp quyền.
Thủ tục chỉ định người bào chữa được quy định tại Thông tư số 46/2019/TT-BCA của Bộ Công an tại Điều 5. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà người đại diện hoặc người thân thích của những người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chỉ định người bào chữa được quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Hiện nay, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đã tạo điều kiện thuận lợi để Luật sư chỉ định được thực hiện các công việc của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp phápcủa bị can, bị cáo thông qua việc cấp sớm thông báo đăng ký người bào chữa, Luật sư được tham gia ngay khi có quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, thực tế khi tham gia án chỉ định, Luật sư vẫn gặp một số khó khăn nhất định:
Thứ nhất, Luật sư còn gặp khó khăn khi phối hợp công việc với cơ quan tiến hành tố tụng như lịch lấy lời khai cơ quan điều tra báo rất gấp, có trường hợp chỉ vài giờ là phải có mặt lấy lời khai cùng cơ quan điều tra. Vì thời gian báo gấp nên khi tham gia án chỉ định, Luật sư hoàn toàn bị động về thời gian, nếu trường hợp bận phiên tòa hoặc theo các lịch làm việc đã sắp sẵn thì sẽ không thể tham gia ngay theo lịch lấy lời khai điều tra viên thông báo. Mặt khác, khi tham gia án chỉ định, thời gian để Luật sư sao chụp hồ sơ chuẩn bị luận cứ rất hạn chế nên nhiều khi ảnh hưởng đến việc nghiên cứu hồ sơ để đưa ra quan điểm bào chữa.
Thứ hai, thù lao của Luật sư tham gia bào chữa trong vụ án chỉ định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng còn thấp, trong khi việc thanh toán lại rất chậm. Trên thực tế, thời gian Luật sư làm việc tại cơ quan điều tra, viện kiểm sát hầu như chưa được thanh toán thù lao trong các giai đoạn này theo quy định tại Thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTC-BTP; tòa án chỉ thanh toán 01 buổi Luật sư tham gia phiên tòa và 01 buổi nghiên cứu hồ sơ. Mặc dù Thông tư liên tịch nói trên đã quy định thủ tục chi trả nhưng trong quá trình thực hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho Luật sư khi thanh toán tại cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát.
Thứ ba,khó khăn đến từ phía cơ quan tiến hành tố tụng: thực tiễn cho thấy vẫn còn tồn tại quan điểm Luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định chỉ là “cho đủ thủ tục” theo quy định của pháp luật, dẫn đến việc nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò của Luật sư bào chữa.
Để khắc phục những bất cập nêu trên nhằm hoạt động bào chữa của Luật sư theo chỉ định trong vụ án hình sự, nên chăng cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
- Tăng mức thù lao của Luật sư tham gia bào chữa khi được chỉ định. Theo quy định hiện hành, mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (còn khá thấp so với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại). Thù lao của Luật sư tham gia bào chữa sẽ do tòa án thanh toán một lần, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư khi làm các thủ tục thanh toán.
- Cần có sự thay đổi về nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về vai trò của Luật sư bào chữa theo chỉ định. Việc Luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bị can, bị cáo; bảo đảm tính độc lập, khách quan của tố tụng hình sự; góp phần giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một khách quan, toàn diện.
- Các Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư cần nâng cao chất lượng Luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định trong vụ án hình sự bằng việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, củng cố bản lĩnh cho đội ngũ Luật sư. Từ đó góp phần nâng cao vị trí của Luật sư trong vụ án hình sự được chỉ định nói chung và vị thế của Luật sư trong tố tụng hình sự nói riêng.
- Cần ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án trong chỉ định Luật sư bào chữa để việc thực hiện được rõ ràng, Luật sư không bị động về thời gian khi tham gia vụ án bào chữa theo chỉ định.
[1] https://laodong.vn/phap-luat/ca-nuoc-co-hon-16000-luat-su-4000-to-chuc-hanh-nghe-luat-su-987234.ldo |
Luật sư, Thạc sĩ PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Ủy viên Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội